Ông Phan Đức Hiếu cho rằng trong bối cảnh COVID-19, cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, mang tính chất toàn diện và dự báo dài hạn.

Phản ứng chính sách “thời COVID” phải nhanh, toàn diện, có tính dự báo cao

Lam Thanh | 23/11/2021, 17:10

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng trong bối cảnh COVID-19, cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, mang tính chất toàn diện và dự báo dài hạn.

Tại diễn đàn "Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” ngày 23.11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng khảo sát của VCCI cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch; khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó; 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng…

hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo

Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Phó chủ tịch VCCI cho hay việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp.

“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Hoàng Quang Phòng nêu và nhấn mạnh doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp; có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã làm rất nhiều năm và sẽ tiếp tục làm thêm nhiều năm nữa. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, câu hỏi đặt ra là: Việt Nam có cần phải làm gì thêm về cải thiện môi trường kinh doanh, hay có cần làm gì khác đi từ những tác động của dịch bệnh?

Ông Hiếu cho rằng trong bối cảnh COVID-19, cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, mang tính chất toàn diện và mang tính chất dự đoán dài hạn. Đặc biệt, rất nhiều vấn đề rất khó dự đoán và phức tạp do COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, mà chính sách mới thì chưa có tiền lệ, chúng ta phải quyết định nhanh.

“Có một thực tiễn rất tốt trước đó là Nghị quyết số 42 về giãn, hoãn thuế năm 2020 chỉ ban hành trong vòng khoảng 1 tháng. Nếu theo một quy trình ban hành nghị định thông thường thì mất ít nhất 1 năm, nhưng chúng ta đã thực hiện trong 1 tháng”, ông Hiếu nêu.

Ông Hiếu cũng chia sẻ: “Chúng ta có tiền lệ khi Quốc hội ban hành một nghị quyết để tạo dư địa thực thi chính sách chống dịch được tốt hơn, đó cũng là những vấn đề rất mới trong cải cách thể chế. Vậy chúng ta tiếp tục phát huy cơ chế này, nghĩa là làm chính sách nhanh hay sẽ quay về cơ chế cũ, trong khi hiện nay có một số quy định pháp luật không hợp lý, cần sửa đổi”.

Do đó, ông Hiếu cho rằng thể chế cho việc ra quyết định đòi hỏi phải nhanh, chính xác, toàn diện. Ngoài ra, chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính lại rất quan trọng.

“Thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, ông Hiếu nêu.

hoi-thao-3.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng đây "không phải số hóa về thủ tục hành chính, mà là phải tư duy về số".

Một bài học kinh nghiệm rất quan trọng cho tương lai, theo ông Hiếu là mặc dù trong thời gian vừa qua, khi thiết kế thực thi các chính sách hỗ trợ, nhanh, toàn diện nhưng vẫn gặp phải một số rào cản về thủ tục hành chính và rào cản về pháp lý.

“Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính. Thực tế, doanh nghiệp tiếp nhận chính sách tốt nhất là những chính sách không có thủ tục hành chính. Ví dụ như giãn, hoãn thời gian nộp thuế. Còn bất kỳ chính sách nào chỉ cần có một thủ tục hành chính thôi thì doanh nghiệp đều khó tiếp cận. Chính sách tốt nhưng thiết kế không tốt sẽ làm giảm hiệu quả. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn, mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh, nguồn lực không được phân bổ đúng chỗ”, ông Hiếu phân tích.

Ông Hiếu cũng nêu "càng ngày, chúng ta càng nhận ra cải cách thể chế phải được thực thi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, thể chế phải đi trước. Chiến lược phát triển kinh tế có 3 đột phá, trong đó có luật thể chế. Vì vậy không thể nói hoàn thành cải cách thể chế vào năm cuối cùng của thực hiện chiến lược được. Do đó, những năm đầu tiên của việc thực hiện cải cách phải là thể chế để có dư địa thực hiện tiếp".

Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng nếu hoạt động thể chế trong bối cảnh của COVID-19 còn bất định, thì sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong đại dịch, ngay cả một biện pháp của một địa phương nào, nếu không có sự phối hợp với địa phương khác, ngay lập tức tạo thành rào cản tạo, điểm nghẽn trong việc lưu thông.

Theo chuyên gia này, rất nhiều quốc gia trước khi cải cách dài hạn đã thành lập cơ chế phân quyền. Để sự phối hợp giữa các cơ quan được thuận lợi, không chỉ trong quốc gia mà còn trên trường quốc tế. Ví dụ như hộ chiếu vắc xin, một quốc gia không thể làm được, hay giấy thông hành trong Việt Nam, một tỉnh cấp mà tỉnh khác không thừa nhận cũng sẽ không thực thi được, vì thế cơ chế phối hợp ngày càng trở nên quan trọng.

Vì vậy, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh yêu cầu về cải cách thể chế của Việt Nam là đúng, nhưng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và đặc biệt là thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản ứng chính sách “thời COVID” phải nhanh, toàn diện, có tính dự báo cao