TS Nguyễn Quốc Việt (VEPR) cho rằng cần kiên quyết khơi thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

TS Nguyễn Quốc Việt: Khơi thông sản xuất, phục hồi niềm tin

Lam Thanh 25/12/2023 10:57

TS Nguyễn Quốc Việt (VEPR) cho rằng cần kiên quyết khơi thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tăng trưởng thấp, cải thiện dần về cuối năm

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 có sự tiến triển tốt dần hơn qua các quý nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nhiều nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% năm nay, năm 2024 ở mức 5,5% và 2025 là 6%. Tín hiệu phục hồi kinh tế của Việt Nam rõ rệt hơn vào giai đoạn cuối năm.

viet-2.jpeg
Tăng trưởng thấp năm 2023 nhưng Việt Nam vẫn ở mức khả quan so với khu vực

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay giảm xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Dù vậy, ADB vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.

ADB cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.

Chứng khoán MB cũng đánh giá, sau khi có sự khởi đầu chậm chạp trong quý 1/2023, kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GDP chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ, còn cách khá xa so với mục tiêu 6,5% từ đầu năm. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp trong 4 năm trở lại đây.

“Chúng tôi dự báo GDP năm 2023 đạt mức 4,7 - 4,8%, trong đó dự báo GDP quý 4 sẽ tăng 6,1 - 6,3% trên cơ sở nền thấp cùng kỳ năm ngoái”, MBS nêu.

Trong báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán VNDirect dự báo GDP của Việt Nam trong quý 4/2023 sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5%.

Động lực chính sẽ đến từ chính sách tài khóa mở rộng lãi suất cho vay thấp hơn, giúp phục hồi đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước; sự đẩy nhanh quá trình phục hồi của lĩnh vực sản xuất nhờ đơn hàng xuất khẩu tăng trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm bớt ở các thị trường phát triển; và cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022.

viet-3.png
Động lực từ chính sách tài khóa

Tóm lược những nét chính của kinh tế năm nay tại buổi công bố báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam năm 2023”, ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của VESS cũng đánh giá: Tăng trưởng của Việt Nam đã cao dần qua các quý, nhưng ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID-19. Tăng trưởng GDP của Việt Nam 3 quý đầu năm 2023 đạt 4,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân trên toàn cầu.

Theo ông Phạm Thế Anh, nông-lâm-thủy sản tăng trưởng tích cực, công nghiệp và xây dựng tăng trưởng trở lại cùng với sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo. Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản hồi phục nhẹ nhưng tồn kho cao. Đầu tư công giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng. Sản xuất và phân phối điện cải thiện nhờ thời tiết. Dịch vụ ăn uống và lưu trú không còn đột biến. Dịch vụ tài chính chậm lại trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục suy giảm.

Khơi thông sản xuất, kinh doanh

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong năm 2023, bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều diễn biến khó lường đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách điều hành kinh tế gần đây của Việt Nam cho thấy những quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế, khơi thông các động lực tăng trưởng trong nước

Theo ông Việt, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 đã bộc lộ sự dễ bị tổn thương trước những biến động toàn cầu. Kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 không như kỳ vọng (chỉ tăng 3,28%), đến quý 2 và 3/2023 có sự phục hồi tốt hơn (4,05% và 5,33%), nhưng vẫn còn chậm (tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ cao hơn giai đoạn đại dịch COVID-19).

“Khu vực kinh tế tư nhân trong nước tuy nhiều về số lượng nhưng còn yếu về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, yếu về sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao và sự đóng góp, tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị sản xuất của Việt Nam cũng còn hạn chế”, ông Việt nói.

Từ những yếu tố trên, kết hợp với các dự báo cập nhật gần đây của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt ở kịch bản thấp đã dự báo tại thời điểm giữa năm, tức là đạt khoảng 5 - 5,5%, sau đó tăng lên 6 - 6,5% trong năm 2024.

viet-1.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Để phục hồi tăng trưởng bền vững hơn cho những tháng còn lại của năm 2023 và đầu 2024, ông Nguyễn Quốc Việt cũng ghi nhận sự quyết tâm vào cuộc và quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.

Về vĩ mô, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giãn hoãn các khoản thuế, phí cũng như các nghị quyết và chỉ đạo liên tục tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, lãi suất được giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023…

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Việt, trong bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam trong năm 2023, việc nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong, nhất là các động lực nhằm đảm bảo sự tự chủ nền kinh tế, cải thiện năng lực của Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc và rủi ro kinh tế toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng.

“Động lực tăng trưởng vẫn phải đến từ khu vực doanh nghiệp và đầu tư xã hội (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước lẫn đầu tư nước ngoài). Do vậy, phải kiên quyết khơi thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Việt nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Quốc Việt: Khơi thông sản xuất, phục hồi niềm tin