Theo TS Nguyễn Văn Lạng, hạt nhân chính của một Khu công nghệ cao (KCNC) phải là khu nghiên cứu triển khai các công nghệ, nơi du nhập các công nghệ của thế giới, nơi nghiên cứu, sản xuất thử và nhân bản, đào tạo ra đội ngũ các nhà quản lý khoa học và các nhà khoa học… Và chúng ta phải kỳ vọng ở đó có những giải thưởng mang tầm cỡ quốc tế, thậm chí là giải Nobel.
Xoay quanh những vấn đề đã và đang làm được cũng như những vướng mắc mà KCNC Hòa Lạc gặp phải, Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hội Thông tin KH&CN Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN).
-Thưa TS, KCNC Hòa Lạc đã và đang gặp phải những khó khăn gì?
-Hiện trên Hòa Lạc đang chia thành từng khu, mỗi khu chỉ có từ 3 – 4 dự án trên diện tích rộng hơn 1,5 nghìn ha nên có cảm giác rất mông lung bởi Việt Nam đã phân rõ chức năng của từng khu trong khi trên thế giới họ không chia ra các khu riêng biệt mà làm theo nguyên tắc “Vết dầu loang” (đầu tư ở một cụm và lan dần ra) đã được áp dụng tại thung lũng Silicon của Mỹ khiến hiệu quả sử dụng rất nhanh.
Sau nhiều năm đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư vẫn không vào, miếng đất vẫn để không trong khi hạ tầng vẫn phải chịu vốn vay và bị hao mòn vô hình khiến chúng ta gặp phải những sai sót.
Những năm đầu, KCNC Hòa Lạc gặp phải nhiều khó khăn bởi địa điểm xa Hà Nội, giao thông đi lại chưa thuận liện, kỹ thuật chưa có và hạ tầng xã hội cũng gần như không có khiến Hòa Lạc chưa thu hút được các nhà đầu tư. Đồng thời, thời gian giải phóng mặt bằng tại Hòa Lạc chậm, thiếu kinh phí, trong khi đó nguồn tài chính đầu tư mất hàng trăm triệu USD cũng không phải là vấn đề dễ dàng.
Không nên nôn nóng lấp đầy dự án
-Tại buổi làm việc của Thủ tướng với BQL, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết, KCNC thành lập hơn 20 năm nhưng thực trạng vẫn chưa xứng với thời gian và tâm huyết của nhiều lãnh đạo. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
-Nhiều lý do để KCNC Hòa Lạc có diễn biến chậm như vậy. Bởi hạ tầng kỹ thuật chưa có, cơ chế chính sách của Việt Nam vẫn chưa tốt đến mức có sự ưu đãi cho các nhà đầu tư bước chân vào Hòa Lạc.
Ngoài ra, thủ tục hành chính của Việt Nam cũng là yếu tố khiến KCNC còn thiếu sức hấp dẫn bởi quá dài dòng, phức tạp, qua rất nhiều sự thẩm định… và quá trình này rất chậm, thậm chí có dự án mất 2 – 3 năm từ lúc vào cho đến lúc cấp giấy phép đầu tư là quá dài, nhà đầu tư không đủ sức chờ đợi trong khi công nghệ lại không “dậm chân tại chỗ”. Và cũng có những dự án đáng tiếc đã ra đi.
TS Nguyễn Văn Lạng (giữa) trong lần thăm báo điện tử Một Thế Giới
-Vậy mục đích của KCNC Hòa Lạc hướng tới để nâng tầm sự phát triển KH&CN của Việt Nam là gì, thưa TS?
- Hạt nhân chính của một KCNC phải là khu nghiên cứu triển khai các công nghệ, nơi du nhập các công nghệ của thế giới, nơi nghiên cứu, sản xuất thử và nhân bản, đào tạo ra đội ngũ các nhà quản lý khoa học và các nhà khoa học… Và chúng ta phải kỳ vọng ở đó có những giải thưởng mang tầm cỡ quốc tế, thậm chí là giải Nobel.
Vì vậy ở KCNC phải có các khu nghiên cứu, các trường đại học và có những công viên phần mềm lớn nằm trong đó. Việc xây dựng các nhà máy chỉ là một phần để phát triển KCNC chứ không phải là tất cả nhưng nếu các nhà máy đó được tạo ra bằng chính công nghệ của Hòa Lạc, công nghệ của Việt Nam thì đó là việc làm tốt hơn rất nhiều so với việc kêu gọi đầu tư nhà máy nước ngoài vào đó bởi khi nhà máy nước ngoài đã vào Hòa Lạc sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và một khi họ rút đi, bản thân chúng ta sẽ bị hẫng, bị lỡ cơ hội.
Tôi cho rằng không nên nôn nóng trong việc lấp đầy các dự án mà chúng ta cần phải tập trung cho nghiên cứu triển khai, phát triển các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu trọng điểm quốc gia để trên cơ sở lợi thế của Việt Nam sẽ tạo ra những công nghệ của Việt Nam ngay trên đất nước mình. Ngoài ra, cần chú trọng vào đào tạo ra số lượng lớn các cử nhân, kỹ sư… công nghệ để cho ra những sản phẩm công nghệ được tạo ra ngay ở Hòa Lạc, như vậy mới có giá trị bền vững.
Vấn đề quan trọng nữa là Việt Nam cần xây dựng hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, khu ở, các loại hình dịch vụ…) và đặc biệt, ở đó phải là một trung tâm dữ liệu hàng đầu của đất nước để Hòa Lạc như một không gian riêng giúp các nhà khoa học thỏa sức phát triển, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chất lượng cho xã hội.
F-Villethuộc công ty FPT Software, là dự án phần mềm đầu tiên và lớn nhất được khai trương tại KCNC Hòa Lạc - Ảnh: BQL Khu CNC Hòa Lạc
Bắt đầu ghi danh trên bản đồ KCNC thế giới
-Là người theo sát từng bước đi của KCNC Hòa Lạc, ông kỳ vọng điều gì ở Hòa Lạc trong tương lai?
-Sau 10 – 15 năm nữa, Hòa Lạc phải là một Thành phố khoa học thật sự với hàng trăm nghìn người làm việc, quy tụ đội ngũ tri thức lớn, có những công nghệ hàng đầu của Việt Nam và khu vực sẽ được tạo ra ở đó thậm chí có những công nghệ nổi tiếng trên thế giới phải xuất hiện ở đó. Hơn nữa, tại Hòa Lạc cũng phải có những làng phần mềm với hàng chục nghìn người làm việc để tạo ra sản phẩm phần mềm có giá trị hàng tỉ USD.
Ở Hòa Lạc phải có nhiều nhà máy do công nghệ Việt Nam tạo ra đồng thời, Hòa Lạc phải là nơi chuyển giao công nghệ, kết nối công nghệ giữa các nhà khoa học, các Trường đại học trong đó với các doanh nghiệp. Bản thân các nhà khoa học cũng phải là người cố vấn, thậm chí là làm thuê cho các doanh nghiệp Khu CNC.
Cuối cùng, KCNC Hòa Lạc phải là nơi ươm tạo ra các doanh nghiệp CNC mà hàng năm sẽ tạo ra hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp CNC như ở Hàn Quốc, Đài Loan, thung lũng Silicon (Mỹ)… đã và đang làm.
-Theo ông, trong tương lai, chúng ta có thể hi vọng KCNC Hòa Lạc được ghi danh vào bản đồ các KCNC trên thế giới hay không?
-Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu ghi danh trên bản đồ KCNC thế giới. Bởi chúng ta đã tham gia ASPA (Hiệp hội các KCNC toàn Châu Á) và thế giới cũng đã kết nạp Việt Nam là thành viên các KCNC toàn cầu. Hiện nay, khi nói đến Việt Nam và CNC thì thế giới đã biết tới Hòa Lạc.
Và khi Việt Nam có những công nghệ mới xuất hiện tại Hòa Lạc thì chắc chắn tên tuổi của Việt Nam còn đậm nét hơn nữa. Tôi cho rằng vào cuối năm 2018 – đầu năm 2019, Việt Nam nói chung và KCNC Hòa Lạc nói riêng sẽ tạo được tên tuổi lớn khi Trung tâm vũ trụ bắt đầu hoạt động, vệ tinh nhân tạo sản xuất tại Hòa Lạc sẽ bắn lên bầu trời, công nghệ HHO sẽ được chế tạo tại Hòa Lạc hay những công nghệ sinh học tham gia vào việc chữa những bệnh hiểm nghèo mà thế giới đang “đau đầu” như đột quỵ, ung thư, tạo ra tế bào gốc…
Và trong thời gian tới, khi Viettel, VNPT… cũng có mặt ở Hòa Lạc thì tôi tin chắc rằng thế giới không chỉ biết đến cái tên Hòa Lạc mà còn biết tới những doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức khoa học, những sản phẩm… của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông
Thu Anh (thực hiện)