Dự án thành phố thông minh ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ mang đến các tiêu chuẩn sống đẳng cấp cho cư dân, cũng như tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

TS Nguyễn Văn Lạng: Sẽ có thành phố thông minh ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh

18/07/2020, 10:00

Dự án thành phố thông minh ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ mang đến các tiêu chuẩn sống đẳng cấp cho cư dân, cũng như tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: TN

Để giải quyết các tồn tại để có một chiến lược phát triển thành phố thông minh cho Việt Nam thời gian tới, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi riêng với TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Dưới góc nhìn của một chuyên gia về công nghệ. Theo ông, thành phố thông minh hiện nay phải đáp ứng những yêu cầu gì?

TS Nguyễn Văn Lạng: Đến nay có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề xuất về việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam. Trên thế giới, mô hình này đã triển khai nhiều. Để làm được mô hình thành phố thông mình, điều đầu tiên là phải có cơ sở pháp lý, thứ hai là cơ sở hạ tầng thông minh bao gồm: hệ thống thông tin, công nghệ, đường truyền, hệ thống dữ liệu, database,... Tóm lại là hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu của một thành phố thông minh. Cuối cùng là cư dân thành phố phải thông minh.

Thành phố thông minh là hệ thống tổng thể trong hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của một đô thị, được kết nối bởi các hệ thống thành phần với nhau trên cơ sở các hạ tầng kỹ thuật về đô thị cùng với trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thông, hệ thống phần mềm, hệ thống nhúng thông minh, hệ thống cảm biến, phần mềm quản lý... từ đó nâng cao được chất lượng cuộc sống, cải thiện được tiện ích cho dân, mục đích phục vụ người dân của chính quyền.

Bên cạnh đó, thành phố thông minh với một hệ thống thông minh sẽ có thể giảm được tiêu thụ điện năng, tiêu thụ nước, giải quyết bài toán hiệu quả về kinh tế xã hội, kiểm soát được an ninh trật tự, giao thông vận tải, quản lý được người dân cũng như giữa người dân và chính quyền.

- Ông có thể cho biết ở Việt Nam những khu vực nào phù hợp cho việc triển khai một mô hình thành phố thông minh?

TS Nguyễn Văn Lạng: Năm 2008 - 2009, tôi đã sang nghiên cứu thành phố Chiba của Nhật Bản. Thành phố này không lớn lắm nhưng đây thực sự là một thành phố thông minh với toàn bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin, IT... được lắp đặt, kết nối mọi thứ với nhau.

Ở Việt Nam, TP.HCM cũng quyết tâm trở thành thành phố thông minh, Hà Nội cũng tuyên bố trở thành thành phố thông minh, Bắc Ninh cũng có Nghị quyết trở thành thành phố thông minh. Đến nay đã có những dự án thực hiện bước đầu cho thành phố thông minh như: kiểm tra, định vi khu vực, an toàn giao thông, camera, xem xét việc chuyển làm thủ tục hành chính sang online....

Đề án mô hình thành phố thông minh được Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Bắc Ninh lựa chọn, xây dựng mô hình thành phố thông minh với 6 lĩnh vực cốt lõi: nền kinh tế thông minh, cư dân thông minh, quản trị thông minh, dịch chuyển thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh thông qua mục tiêu xây dựng và lộ trình triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến 2030.

Đến nay, Bắc Ninh đã triển khai được các dự án hợp phần chính của đề án, trong đó, Trung tâm Dữ liệu thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh là dự án nền tảng đầu tiên. Dự án được đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ, kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật.

Năm 2019, TP. Hà Nội đã chính thức công bố dự án Thành phố thông minh với tổng mức đầu tư hơn 4 tỉ USD tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Đây là dự án quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh.

TP.HCM cũng hướng tới xây dựng một khu đô thị mới, lấy quận 2, quận 9, quận Thủ Đức trở thành thành phố thông minh.

Làm tất cả một lúc có vẻ khó vì lộ trình làm mô hình thành phố thông minh không phải ngắn. Trước mắt hạ tầng kỹ thuật phải tốt, sau đó tùy theo điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực, trình độ dân trí, kết hợp với các chủ trương chính sách, từ đó mới nâng cấp lên từng bước.

- Ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khái niệm thành phố thông minh được giữ nguyên hay có sự điều chỉnh cho phù hợp?

TS Nguyễn Văn Lạng: Khái niệm thành phố thông minh sẽ không thay đổi, Việt Nam có thể đưa thêm công nghệ mới vào, ví dụ như: cảm biến, trí tuệ nhân tạo... chúng ta không nên lý tưởng hóa mô hình này rất là cao siêu. Như tôi nói, 3 vấn đề cốt lõi trên được giải quyết thì đó đã là thành phố thông minh rồi.

- Theo ông, người dân nên tham gia như thế nào vào chính sách phát triển đô thị thông minh của nhà nước?

TS Nguyễn Văn Lạng: Bản thân người dân phải nhận thức đúng vấn đề. Đầu tiên là phải nghiêm túc chấp hành, thứ hai là ủng hộ chính sách của Nhà nước về xây dựng thành phố thông minh. Ví dụ như: áp dụng chữ ký điện tử được pháp luật bảo hộ, thanh toán không dùng tiền mặt....

- Thành phố thông minh cần đảm bảo điều gì để phát triển bền vững, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Lạng: Thành phố thông minh là một thành phố kết nối. 4.0 xét cho cùng là kết nối. Tức là cảm ứng và kết nối, ví dụ robot hay một cái Iphone, Ipad đã thể hiện được điều này. Hay việc xây dựng các hệ thống quản lý trong thành phố phải có sự liên kết, như: dữ liệu từ các hệ thống quản lý tòa nhà riêng lẻ có thể được kết nối với phần quản lý trung tâm. Đặc biệt phải xây dựng một hệ sinh thái luôn đổi mới, sáng tạo phù hợp với nhu cầu của người dân trong thành phố.

- Yếu tố nào được xem là quan trọng nhất trong mô hình thành phố thông minh?

TS Nguyễn Văn Lạng: Yếu tố con người được xem là yếu tố quan trọng nhất trong mô hình phát triển thành phố thông minh. Vì suy cho cùng, con người chính là nhà sáng lập, là giải pháp cấu thành nên một thành phố thông minh.

Xin cám ơn ông !

Tuyết Nhung (Thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Văn Lạng: Sẽ có thành phố thông minh ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh