TS Phan Đức Hiếu cho rằng đánh giá kinh tế 2022 phải thực tế. Việc đánh giá quá mức lẫn quá thấp đều không tốt. Theo ông Hiếu, thành tựu năm 2022 rất đáng phấn khởi, dù thành tựu 2022 đâu đó che mờ những khó khăn của năm 2022.

TS Phan Đức Hiếu: Thành tựu 2022 đáng phấn khởi, nhưng đâu đó nó che mờ những khó khăn

Hoài Lam | 11/01/2023, 19:01

TS Phan Đức Hiếu cho rằng đánh giá kinh tế 2022 phải thực tế. Việc đánh giá quá mức lẫn quá thấp đều không tốt. Theo ông Hiếu, thành tựu năm 2022 rất đáng phấn khởi, dù thành tựu 2022 đâu đó che mờ những khó khăn của năm 2022.

Cửa hẹp nào cho Việt Nam?

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 lần thứ 15 với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”, TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trước những khó khăn, thách thức lớn nhưng Việt Nam vẫn có “cửa hẹp” trong năm nay để có thể đổi chiều chích sách; giải quyết được những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam khi các điều kiện bên ngoài cho phép.

Theo ông Thành, trước viễn cảnh suy thoái toàn cầu, quý 1 năm nay sẽ không có con số tăng trưởng kinh tế tích cực ở trong nước. Qúy 2 có thể lại sẽ tiếp tục khó khăn.

“Nhưng nhìn vào điều hành chính sách tiền tệ toàn cầu, chúng ta thấy từ phía Mỹ, mặc dù FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng kể cả kịch bản xấu nhất, hiện nay có thể còn 3 lần tăng lãi suất nữa. Lần 1 vào tháng 2, chúng ta cùng nín thở Mỹ công bố số liệu lạm phát. Nếu tháng 11, lạm phát của Mỹ là 7,1% thì thị trường đang đặt cửa đêm ngày kia, con số lạm phát có thể sẽ giảm từ 7,1% xuống 6,6 hoặc 6,5%. Như vậy có khả năng, vào lần tăng lãi suất tháng 2 năm nay, FED chỉ tăng 0,25 điểm, thay vì 0,5 điểm”, ông Thành nói.

Còn 2 lần tăng lãi suất nữa là vào tháng 3 và nếu chưa đủ thì tăng tiếp vào tháng 5. Khả năng rất cao tháng 5 là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng từ 5-5,25% cho đến cuối năm 2023.

dien-dan-2.jpg
TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam

“Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do Việt Nam không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng USD, áp lực tỷ giá qua đi. Đấy cũng là dư địa để Việt Nam đổi mới chính sách, ổn định vĩ mô. Chúng ta nhấn mạnh ổn định vĩ mô nhưng ổn định thế nào nếu lãi suất cao như vậy?”, ông Thành nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, nếu nhìn vào Mỹ thì “cửa hẹp” rơi vào giữa năm 2023.

Theo ông Thành, tác động thứ 2 để Việt Nam điều chỉnh chính sách nhìn từ nước ngoài là Trung Quốc, kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi quốc gia này mở cửa.

“Năm 2021 khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch COVID-19, chúng ta gặp sự hỗn loạn ban đầu, chính sách có thử và sai. Do đó, quý 1 ở Trung Quốc có thể rơi rối loạn nhưng khoảng tháng 4 và tháng 5, Trung Quốc sẽ tự tin hơn vào chính sách mở cửa, cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa gia tăng; cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam sang Trung Quốc và du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, dưới tác động của Mỹ và Trung Quốc thì cần nhấn mạnh tính chủ động của Việt Nam. “Chúng ta không thể đợi một cách thụ động. Quý 1, quý 2 vẫn khó khăn, do đó, theo tôi, cửa hẹp sẽ rơi vào tháng 5,6”, ông Thành nói. 

Ông Thành cho rằng, trong nước, kỳ vọng vào giải ngân đầu tư công, tiêu dùng, dân cư trong nước vững mạnh để bù đắp cho suy giảm xuất khẩu, nhưng cần nhấn mạnh cần phải giải ngân vốn FDI cùng với giải ngân đầu tư công thì mới có bức tranh sáng. Nếu chỉ trông chờ vào đầu tư tư nhân thì trong bối cảnh lãi suất cao sẽ khó đạt mục tiêu.

“Trong cạnh tranh chiến lược thì Việt Nam cần nhấn mạnh chúng ta là điểm đến phù hợp cho FDI”, ông Thành nói.

Thách thức lớn trong thu hút FDI

Về FDI, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết một trong những nguồn lực Việt Nam hướng đến là FDI, nhưng cá nhân ông không tự tin lắm cho năm 2023. Lý do thứ nhất là kinh tế thế giới suy thoái và thuế suất thu nhập tối thiểu toàn cầu sẽ tác động mạnh đến FDI.

Theo ông Hiếu, thuế suất thu nhập tối thiểu toàn cầu khả năng sẽ được thực thi vào cuối năm 2023 và tác động rất lớn đến FDI. Thậm chí tác động của nó sẽ không phải chờ đến cuối năm, mà các nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị kịch bản đầu tư vào đâu từ hàng năm trước.

“Để ứng phó với thách thức này, đòi hỏi chúng ta phải có hành động chính sách, nhưng chính sách không phải muốn hôm nay mà ngày mai có được, xây dựng chính sách phải cả năm. Do đó, thu hút FDI là thách thức lớn cho năm tới”, ông Hiếu nêu.

Không chỉ khó khăn trong thu hút vốn FDI mới, ông Hiếu cũng cho rằng tác động của thuế suất thu nhập tối thiểu toàn cầu còn tác động đến cả những doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này sẽ đặt ra câu hỏi có nên mở rộng đầu tư trong bối cảnh đó hay không?

“Chúng ta có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế rất tốt, nhưng yếu tố cần chú ý là về khả năng hấp thụ. Nếu chúng ta làm tốt hơn (dù đã tốt rồi), kịp thời hơn và khả năng hấp thụ tốt hơn thì rõ ràng tăng trưởng tốt hơn, dư địa để chống chịu thách thức cho năm tới tốt hơn”, ông Hiếu nêu.

dien-dan-3.jpg
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Hiếu cho rằng tâm thế xử lý khủng hoảng của chúng ta hiện nay tốt hơn và bài bản hơn rất nhiều. Nhưng tâm thế thôi là chưa đủ, hành động cụ thể, hành động sớm và phương thức hành động ra sao mới là quan trọng.

“Trong năm nay, những điểm nghẽn chúng ta đã xác định cần phải được giải quyết kịp thời. Vẫn phải dùng thị trường để giải quyết các vấn đề thị trường, nếu không sẽ dẫn đến sự méo mó gia tăng. Tuy nhiên, các chính sách phải minh bạch và tiên liệu được. Ví dụ câu chuyện thị trường vốn, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần biết cơ quan chức năng đang giải quyết đến đâu để họ có kế hoạch sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu nêu.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay, hiện nay, định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

“Nhất là khi 4/5 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp FDI, 12/24 các ngành công nghiệp chính có số doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn nên giá trị gia tăng mang lại cho Việt Nam chưa cao”, ông Hiển nói và cho biết FDI chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng tổng giá trị của ngành công nghiệp chiếm trên 50%.

"Như vậy, yêu cầu đặt ra là cần có tiếp cách tiếp cận đầy đủ hơn, tối ưu hóa nguồn lực không chỉ là dựa vào nhân lực, tài chính mà còn là nguồn lực về đất đai, các điều kiện về thể chế, chính sách để thực sự tạo ra sự tăng trường mới trong năm 2023" Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Phan Đức Hiếu: Thành tựu 2022 đáng phấn khởi, nhưng đâu đó nó che mờ những khó khăn