"So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam luôn đi trước một bước. Việt Nam có lợi thế chơi với ASEAN, chơi với thị trường khu vực và chơi với tất cả các thị trường tốt nhất trên thế giới. Và ngoài Singapore thì không có bất kỳ nước nào có thể chơi với các thị trường lớn nhất, với các FTA như Việt Nam", TS. Võ Trí Thành nhận định.
Đây là nhận được được TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2015.
Theo đó, TS Thành phân tích, Việt Nam thực sự có lợi thế để chơi với các thị trường lớn nhất thế giới do mọi thứ hiện nay được di chuyển dễ dàng hơn, hàng hóa, nhân công, lao động, vốn liếng, toàn cầu hóa FTA, chi phí vận chuyển giảm rất mạnh so với trước đây và công nghệ được áp dụng tiên tiến. "Bây giờ, Việt Nam được chơi với tất cả các thị trường lớn nhất thế giới, các nhà đầu tư tốt nhất thế giới, những người nhiều tiền, những người nhiều kỹ năng và những người nhiều công nghệ nhất thế giới.
Như vậy, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam luôn đi trước một bước và có thể chỉ sau Singapore. Việt Nam có lợi thế chơi với ASEAN, chơi với thị trường khu vực và chơi với tất cả các thị trường tốt nhất trên thế giới", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, ngoài Singapore thì không có bất kỳ nước nào có thể chơi với các thị trường lớn nhất với các FTA như Việt Nam. Như vậy, người Việt Nam chơi với thế giới cũng là chơi với chính chúng ta.
Vậy, Việt Nam cần chơi với thế giới thế nào?
TS. Võ Trí Thành phân tích, chơi đầu tiên là phải tham gia. Vậy tham gia thế nào? Việt Nam có 3 cách để tham gia. Cách đơn giản nhất để Việt Nam tham gia là chúng ta có sức lao động và đó chính là giá trị gia tăng.
"Chúng ta đừng quên lương là một phần rất quan trọng của giá trị gia tăng. Ví dụ, hiện nay, 58.000 lao động ở Thái Nguyên và 30.000 lao động ở Bắc Ninh đang làm việc cho Samsung. Con số này đã làm tăng giá trị gia tăng, mức lương trung bình của 1 lao động hiện là 8 triệu đồng", ông Thành nói.
3 rủi ro khi Việt Nam "chơi" với thế giới
Cùng với việc đưa ra những thuận lợi, TS Võ Trí Thành cũng đề cập đến rủi ro khi Việt Nam tham gia hội nhập. Đó là 3 rủi ro lớn khi tham gia "chơi" với thế giới.
Rủi ro đầu tiên, theo ông Thành là cạnh tranh. Cạnh tranh không phải là không tốt trong thị trường nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn còn mặc cảm trước vị thế quốc tế.
Rủi ro thứ hai là rủi ro đứt khúc mạng sản xuất chuỗi giá trị. Ví dụ, khi bão Tsunami ập đến Nhật Bản, chỉ vài doanh nghiệp nhỏ Toyota bị chìm trong biển nước thì cả chuỗi sản xuất linh kiện của tập đoàn Toyota đều phải dừng sản xuất.
Vậy, làm thế nào để giảm được rủi ro này? TS Thành cho biết, đó là phải tham gia vào chuỗi, nhưng không chỉ một chuỗi mà phải là nhiều chuỗi.
Hơn nữa, những chuỗi cung cấp linh kiện không phải là công nghệ quá cao mà công nghệ chỉ cần ở mức vừa phải. Theo đó mới có thể linh hoạt thay đổi đối tượng cung cấp.
Việt Nam cần phải nghiên cứu thị trường toàn cầu, bởi vì rủi ro bây giờ không chỉ là rủi ro thiên tai, rủi ro dịch bệnh, mà còn là rủi ro địa chính trị.
Rủi ro thứ ba được ông Thành đưa ra là chu kỳ kinh doanh một sản phẩm. Thái Lan hiện nay đang "buồn rầu" vì những sản phẩm CD, DVD… chỉ sử dụng phổ biến được một vài năm. Vì vậy cần phải xem xét kỹ chu kỳ của sản phẩm.
"Nokia là một bài học rõ nhất, Samsung vẫn không thể biết được có thể tồn tại được 10 năm hay 15 năm", TS Thành nhận định.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần lơ là, thì doanh số, doanh thu sẽ đi xuống. Bởi vì trên thực tế có nhiều sản phẩm dùng mãi không chán, không hết chu kỳ.
Ông Thành cũng cho rằng, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ không còn nhiều lợi thế. Ví dụ, khi ASEAN ký hiệp định FTA với EU thì EU không còn là lợi thế riêng của Việt Nam nữa.
"Thái Lan trong 5 năm tới sẽ tham gia TPP, thì sẽ Việt Nam sẽ không còn là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Như vậy, trong 5 năm tới sẽ vô cùng khó khăn cho Việt Nam để quyết định việc chúng ta có thể vượt qua rủi ro và vươn lên hay không", TS Thành chia sẻ.
Tuyết Nhung