Các ca tái nhiễm COVID-19 xuất hiện tại Hồng Kông, Hà Lan và Bỉ.
Đài truyền hình quốc gia Hà Lan (NOS) dẫn lời nhà vi rút học Marion Koopmans - cố vấn cho chính quyền Amsterdam - cho biết trường hợp mắc bệnh lần hai của nước này là người lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch. Còn bệnh nhân người Bỉ có vài triệu chứng nhẹ, theo nhà vi rút học Marc Van Ranst.
Trước đó, nhóm nhà khoa học đại học Hồng Kông (HKU) cũng thông báo một người đàn ông 33 tuổi nhiễm COVID-19 lần thứ hai sau hơn 4 tháng hồi phục.
Bệnh nhân mắc bệnh lần đầu vào tháng 3 và sau đó được xuất viện. Đến tháng 8.2020, ông sang Tây Ban Nha, quá cảnh Luân Đôn về Hồng Kông thì bị xác nhận tái nhiễm.
HKU đã xét nghiệm kỹ càng trước khi đi đến kết luận đây là ca tái nhiễm COVID-19. Ở lần mắc COVID-19 thứ hai, bệnh nhân không có triệu chứng.
Từ trường hợp trên, HKU bày tỏ lo ngại về hiệu quả của miễn dịch cộng đồng lẫn của vắc xin trong dập tắt dịch bệnh.
Lượng kháng thể tạo ra lúc mắc COVID-19 dường như bắt đầu giảm đi sau 1 - 2 tháng, những nhà phát triển vắc xin nên tiến hành thử nghiệm trên cả người điều trị khỏi COVID-19 nhằm xem xét mức độ bảo vệ dài hạn.
Theo bà Koopmans, trường hợp mang vi rút trong thời gian dài, sau đó vi rút bùng lên, được biết đến nhiều. Song ca tái nhiễm thực sự như tại Hồng Kông, Hà Lan và Bỉ đòi hỏi xét nghiệm gien vi rút ở hai lần mắc để tìm khác biệt.
Dù không quá bất ngờ khi xuất hiện ca tái nhiễm COVID-19, bà Koopmans lưu ý cần tìm hiểu xem trường hợp như vậy có thường xuyên xảy ra hay không. Ông Van Ranst đánh giá kháng thể tạo ra khi mắc bệnh lần đầu có thể không ngăn chặn được lần mắc thứ hai với biến thể vi rút.
Cẩm Bình (theo SCMP)