Việc NSƯT Thành Lộc hiến xác cho khoa học, tuy không trở nên ồn ào thành tin nóng hổi của showbiz Việt trong tháng 9.2022, nhưng có một hiệu quả rất cụ thể và tức thời. Dù bản thân NSƯT Thành Lộc chỉ muốn chia sẻ trên facebook ở chế độ bạn bè, sự lan tỏa có giới hạn, nhưng nó nhanh chóng đến với rất nhiều người.

Từ chuyện nghệ sĩ Thành Lộc đăng ký hiến tạng cho y học

Nguyễn Huy | 19/09/2022, 12:17

Việc NSƯT Thành Lộc hiến xác cho khoa học, tuy không trở nên ồn ào thành tin nóng hổi của showbiz Việt trong tháng 9.2022, nhưng có một hiệu quả rất cụ thể và tức thời. Dù bản thân NSƯT Thành Lộc chỉ muốn chia sẻ trên facebook ở chế độ bạn bè, sự lan tỏa có giới hạn, nhưng nó nhanh chóng đến với rất nhiều người.

Và ngay lập tức 5, 6 người bạn của Thành Lộc đã quyết định làm theo anh, đăng ký hiến xác.

trinhkimchi-1-.jpg
Không ít nghệ sĩ, người hâm mô bày tỏ sự trân quý trước việc đăng ký hiến tạng của nghệ sĩ Thành Lộc

Từ chuyện đăng ký hiến tạng

Nếu ai có theo dõi tình hình y tế sẽ biết rằng, ngành y luôn cần sự hiến xác, bởi vì, ngày nay y học đã tiến bộ đến mức các chuyên gia có thể tiến hành thay thế các bộ phận cơ thể đã bị hư hoại bằng các bộ phận cơ thể tương tự của một cơ thể khác. Vì vậy, rất nhiều bộ phận trong cơ thể người đã qua đời có thể cứu mạng rất nhiều bệnh nhân cần đến. Con số người được cứu sống tại Việt Nam là rất lớn dù không có thống kê cụ thể, mà một trong những trường hợp điển hình nhất là NSND Minh Vương.

Nhiều năm trước, hai quả thận ông đã hoàn toàn bị hư tổn khiến sức khỏe của ông bị đặt trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”. Một người thợ xây dựng tuổi 40 qua đời, người mẹ anh ấy đã chấp thuận hiến 2 quả thận cho NSND Minh Vương. Cơ hội quý báu đó đến kịp lúc, ngay trong khoảnh khắc cấp cứu sinh tử, 2 quả thận đó đã cứu lấy sinh mạng của ông.

Bây giờ, dù đã qua tuổi 70 nhưng tinh thần của NSND Minh Vương vẫn như ở độ trung niên. Nhiều lần chia sẻ trên báo chí, ông nói rằng ông cảm nhận như sức sống của người hiến tạng đã truyền sang cho ông, nên ông cảm thấy rất dồi dào sinh lực.

Nghệ sĩ Minh Vương luôn tri ân gia đình và bản thân người đàn ông đã hiến hai quả thận cho mình.

minvuong.png
NSND Minh Vương đến tiễn biệt trong đám tang cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ - Ảnh: Thanh Niên

Câu chuyện mà NSND Minh Vương chia sẻ đã truyền cảm hứng cho nhiều người, và đã có những người đã tình nguyện hiến xác cho khoa học sau khi qua đời.

Với NSƯT Thành Lộc, việc đăng ký hiến tạng này, dù không nói rõ vì sao ông quyết định dâng tặng thân xác mình cho khoa học, nhưng những người hiểu sự việc đều có chung nhận định, cơ thể con người sau khi chết nếu thiêu hoặc chôn cũng sẽ trở thành cát bụi. Nhưng nếu dùng nó cứu sống cho người khác thật quá hữu dụng, và có tinh thần nhân đạo. Chắc chắn rằng những người làm theo NSƯT Thành Lộc sẽ không dừng lại ở con số 5, 6 người được công bố mà sẽ còn dài thêm.

Hành động của NSƯU Thành Lộc cho thấy rằng, nghệ sĩ không chỉ là người dừng lại ở việc có những đóng góp, ảnh hưởng tích cực (thậm chí là cả tiêu cực) cho công chúng mà còn có những cống hiến rất tốt đẹp và nhân văn cho xã hội.

Như nhiều người đã biết, bên cạnh những nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ theo hoàn cảnh thì có rất nhiều nghệ sĩ làm công việc từ thiện bền bỉ, quanh năm suốt tháng.

Chẳng hạn như quỹ chăm lo nghệ sĩ của NSƯT Trịnh Kim Chi, tuy mới được đặt tên vào năm 2022, nhưng thực ra nó đã tồn tại gần 20 năm. Từ rất sớm, chị đã nhận thấy rất nhiều nghệ sĩ tài danh, lừng lẫy một thời nhưng về già khó khăn. Khởi đầu, chị đã dùng tiền cá nhân chia sẻ. Nhiều bạn bè đồng nghiệp đồng cảm đóng góp, thế là số tiền nhiều thêm. Nhiều khán giả ủng hộ, nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ.

Từ năm 2022, sau nhiều sự cố với việc nghệ sĩ với từ thiện, dù không bị lên án, NSƯT Trịnh Kim Chi quay về với quy mô cá nhân và bạn bè. Chị vẫn tiếp tục sẻ chia với những số phận bất hạnh, nhưng không nhận đóng góp từ khán giả.

trinhkimchi-2-.jpg
NSƯT Trịnh Kim Chi đồng hành nghệ sĩ nghèo suốt 20 năm qua

MC Đại Nghĩa cũng là một nhà từ thiện trường kỳ và liên tục trong giới nghệ sĩ. Đối tượng mà Đại Nghĩa giúp đỡ là người nghèo khổ ở thôn quê. Hơn 10 năm qua, quỹ từ thiện mà Nghĩa kêu gọi đã xây dựng vài chục cây cầu, vài chục giết nước, vài chục ngôi nhà cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa. Những lần bão lụt miền Trung, hay mùa dịch bệnh COVID-19 tàn phá, Nghĩa cũng xông xáo lao lên tuyến đầu. Số tiền mà Đại Nghĩa kêu gọi đóng góp nhiều năm qua vô cùng lớn và giúp đỡ được nhiều mảnh đời.

Vào ngày 28.9.2022, Đại Nghĩa sẽ dùng tiền cá nhân để tổ chức mổ mắt cho khoảng 100 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, cườm nước.

dainghia.jpg
MC Đại Nghĩa thăm và tặng quà cho các bệnh nhân tâm thần

Đến sự giúp đỡ dài lâu

Trần Đại Phú là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập báo Sân khấu vào năm 1988. Anh lấy bút danh Khổ Gia Trường và cống hiến cho tờ báo từ vị trí phóng viên lên đến Tổng thư ký tòa soạn. Trong thời gian ấy, anh là người tổ chức bài vở cho báo, và nhờ kiến thức cải lương sâu rộng, anh được mời vào vị trí giám khảo rất nhiều cuộc thi cải lương. Vị trí được tôn trọng là chủ tịch hội đồng giám khảo báo chí cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức. Vào năm 2022, tờ báo tan rã, anh là người còn ở lại đến phút sau cùng. Anh thành lập tờ Tin sân khấu online cập nhật nhiều hoạt động của nghệ sĩ cải lương cho đến nay.

Đại dịch COVID-19 ập tới, các anh em nghệ sĩ "chết cứng" vì đa số ngày nào có làm mới có ăn, không làm là đói. Hơn ai hết, Khổ Gia Trường hiểu điều đó, anh tìm mọi cách giúp anh em. Anh đã kêu gọi NSND Lệ Thủy phát tiền và thực phẩm cho hàng trăm nghệ sĩ và hậu đài tại trước cổng sân khấu 5B suốt 9 tuần lễ.

Khi các nghệ sĩ mắc COVID-19 phải điều trị tại nhà, anh đã mang thuốc của lương y Lâm Đức, chồng nghệ sĩ Cẩm Tiên phát cho hàng trăm gia đình, mặc dù lúc đó anh đang mắc bệnh suy tim nặng. Vào dịp tết năm 2022, anh cũng đã tổ chức phát quà và tiền cho hằng trăm gia đình nghệ sĩ, hậu đài đang khó khăn.

Cơn đại dịch qua đi, xã hội trở lại bình thường, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn khổ. Khổ Gia Trường kêu gọi các nghệ sĩ có điều kiện thực hiện chương trình tên “cần câu cơm nghệ sĩ”.

Theo đó, mỗi lần, anh sẽ đề cử một nghệ sĩ nghèo cần giúp đỡ. Anh em nghệ sĩ có điều kiện hơn sẽ góp tiền. Địa điểm trao tiền diễn ra tại cà phê Nhớ Kỉ Niệm của danh hài Hồng Tơ. Số tiền giúp đỡ này sẽ cho nghệ sĩ được nhận làm vốn mưu sinh. Đến nay, chương trình đã giúp được 17 người. Trong đó, có 2 nghệ sĩ được giúp xe gắn máy để chạy xe ôm hoặc làm phương tiện đi diễn. Phần còn lại giúp vốn bán vé số, bán bánh mì hoặc bán thức ăn sáng. Vài nghệ sĩ được giúp đỡ, có thu nhập đồng vô đồng ra, góp tiền giúp cho người kế tiếp.

giatruong.jpg
Nhà báo Khổ Gia Trường trong một lần đi làm từ thiện 

Nói về chương trình này, danh hài Hồng Tơ bộc bạch: “Nghệ sĩ nổi danh và giàu có rất ít. Nghệ sĩ đủ ăn chiếm khoảng 50%, còn lại là nghệ sĩ nghèo tay làm hàm nhai, ngày nào hay ngày đấy, ngưng diễn là đói. Lúc già yếu và bệnh họ không biết xoay sở thế nào vì nghệ sĩ rất dở trong chuyện kiếm tiền. Khi họ được giúp số vốn, họ xoay trở kiếm được miếng ăn qua ngày thì đó cũng là niềm hạnh phúc. Thú thật ngay như tôi hiện tại vẫn còn làm được, vẫn không chắc chắn mai này mình sẽ ra sao, bởi vì, nghệ sĩ đâu có giỏi làm việc gì khác ngoài nghề diễn. Hết tuổi là hết được mời trong lúc tuổi cao bệnh tật đến. Tôi ủng hộ anh Khổ Gia Trường và mong anh em nghệ sĩ tiếp tục đồng hành”.

Sắp tới đây, vào ngày 22.9.2022, chương trình sẽ tặng tiền cho nghệ sĩ hài Vũ Quang đang bán thân bất toại nhiều năm qua. Hiện nghệ sĩ Vũ Quang đang dưỡng bệnh tại Bến Tre, người nhà anh sẽ nhận thay. Lần tặng này không phải giúp vốn làm ăn mà là tặng tiền thang thuốc.

Tuy được gọi tên là “Cần câu cơm” nhưng người làm chương trình cũng khá linh hoạt. Với nhiều trường hợp sức khỏe yếu kém, không thể hoạt động, thì tiền và quà xem như cứu đói, chữa cháy ngắn hạn.

Khổ Gia Trường năm nay đã 71 tuổi. Anh sống cô độc một mình tại Chùa Nghệ Sĩ và đang mang nhiều chứng bệnh, trong đó có suy tim. Dẫu vậy, anh thấy rất hạnh phúc trong tinh thần tương trợ “lá rách đùm lá nát”. Anh quan niệm đó là cách để anh có thể tri ân tổ nghiệp cải lương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện nghệ sĩ Thành Lộc đăng ký hiến tạng cho y học