Dự án Champarama Resort & Spa vừa được đổi tên thành Vega City. Trước đó, dự án này đã có hành vi đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang và không thực hiện giám sát môi trường.

Từ điểm nóng lấp vịnh Nha Trang đến siêu dự án Vega City

Hồ Đông | 15/10/2021, 12:53

Dự án Champarama Resort & Spa vừa được đổi tên thành Vega City. Trước đó, dự án này đã có hành vi đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang và không thực hiện giám sát môi trường.

Lấn biển, bất chấp tác động xấu đến môi trường

Theo các thông tin được công bố, chủ đầu tư dự án Vega City là Công ty cổ phần Vega City (thuộc Tập đoàn KDI Holdings). Trước đó, dự án này đã trải qua nhiều lần thay tên đổi chủ.

Năm 2000, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tên gọi Rusalka, có diện tích 43,8ha, tổng mức đầu tư 15 triệu USD. Chủ đầu tư khi đó là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT).

Tháng 5.2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho dự án Rusalka với tên gọi Champarama Resort & Spa. Dự án mới cấp cho Công ty cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang). Ngày 12.12.2015, Công ty Focus Travel Nha Trang được đổi tên thành Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama.

Ngày 29.9.2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2894/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama (chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Reasort & Spa) bởi những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cụ thể, doanh nghiệp đã có hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Hành vi ấy trái quy định tại điểm b, khoản 5, điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20.3.2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, doanh nghiệp này đã có hành vi đổ đất đá lấn biển vịnh Nha Trang, diện tích 17.564,2m2 đất ngoài ranh giới được giao. Vì vậy, công ty bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt 70 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty cổ phần Khu du lịch Champarama chấm dứt ngay các hành hành vi vi phạm nêu trên và khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước ngày 16.10.2017; báo cáo kết quả khắc phục gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, để tỉnh kiểm tra giám sát, xử lý theo quy định pháp luật.

Tiếp đó, Công ty Champarama bị xử phạt thêm về hành vi không thực hiện giám sát môi trường xung quanh theo quy định tại điểm c, khoản 7, điều 12, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, công ty không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh và nước biển ven bờ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 5.7.2016.

Với hành vi nói trên, doanh nghiệp bị UBND tỉnh áp dụng hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 35 triệu đồng, đồng thời yêu cầu phải thực hiện chương trình giám sát môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 5.7.2016. Tổng mức phạt tiền qua 2 đợt hành chính đối với Công ty Champarama là 105 triệu đồng.

vega-city-nha-trang-1.jpeg
Khu vực lấn vịnh Nha Trang tại siêu dự án Vega City - Ảnh: Tư liệu

Doanh nghiệp được hưởng cơ chế đặc biệt khi thực hiện dự án?

Vega City đã trải qua nhiều lần thay tên đổi chủ nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải tỏa và tái định cư cho người dân. Một trong những khó khăn vướng mắc chính là việc nhiều người dân cho rằng đây là dự án dịch vụ kinh doanh nên phải để chủ dự án thỏa thuận với người dân. Tuy nhiên, thực tế chủ đầu tư không thỏa thuận mà chính quyền lại đứng ra thu hồi đất.

Trả lời báo chí về những trường hợp Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng điều này được quy định trong Hiến pháp. Đó là những trường hợp đất đai sử dụng cho quốc phòng, an ninh, phát triển vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Trong Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa khá rõ thế nào là đất quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, nhưng vế thứ 2, cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia” thì hoàn toàn không có định nghĩa.

GS Võ phân tích, một khái niệm được đưa ra trong Luật Đất đai 2013 mà không định nghĩa thế nào là “lợi ích quốc gia” thì đây là vấn đề. Nếu đối chiếu với Luật Đất đai 2003 thì thấy luật cũ định nghĩa rất rõ khái niệm thế nào là đất sử dụng cho lợi ích quốc gia: đất xây dựng các trụ sở của cơ quan nhà nước, đất sử dụng phục vụ các dịch vụ công của Nhà nước, các nội hàm rất rõ ràng. Thế nhưng, trong Luật Đất đai 2013 thì khái niệm này không được nêu.

Nếu áp dụng ngay định nghĩa về “lợi ích quốc gia” của Luật Đất đai 2003 thì rất nhiều loại dự án ở trong quy định của điều 62 Luật Đất đai 2013 là không thuộc diện nhà nước thu hồi đất.

“Chính vì sự không rõ ràng trong điều 62, các dự án phát triển kinh tế - xã hội có thể gắn được mác “lợi ích quốc gia”. Việc thu hồi, giải phóng mặt bằng từ cơ chế tự thỏa thuận với người dân sang cơ chế nhà nước thu hồi, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn rất nhiều”, GS Võ nói.

Giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng vấn đề lợi ích giữa người bị thu hồi đất và những doanh nghiệp nhận đất cần được cân đối hài hòa. Thu hồi đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ... lợi nhuận được tạo ra từ chuyển đổi sử dụng đất này người dân không được hưởng, dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế.

Liên quan vấn đề này, Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị cần phải định nghĩa rõ khái niệm “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, giúp xác định đúng các trường hợp áp dụng theo cơ chế này.

Ngoài ra, khi liệt kê danh sách các trường hợp thu hồi đất theo mục đích đặt ra, cần giải thích rõ các khái niệm trong danh sách đó, nhằm bảo đảm hiểu đúng và thống nhất, giúp phân loại chính xác các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho mục đích quốc gia, công cộng.

Bài liên quan
Người mua nhà ở xã hội vẫn được vay ưu đãi
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có chuyện người mua nhà ở xã hội bị mất quyền lợi do thông tư mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ điểm nóng lấp vịnh Nha Trang đến siêu dự án Vega City