Ở thời điểm hiện tại, trên khía cạnh thương mại, nền kinh tế số một thế giới đang thực sự là một quốc gia lạc lõng và đi ngược lại với toàn cầu.

Tự do thương mại: Mỹ đang đi ngược lại với thế giới?

Nhàn Đàm | 04/12/2016, 14:30

Ở thời điểm hiện tại, trên khía cạnh thương mại, nền kinh tế số một thế giới đang thực sự là một quốc gia lạc lõng và đi ngược lại với toàn cầu.

Với Donald Trump, nước Mỹ đang đóng vai kẻ chống lại tự do thương mại toàn cầu ở thời điểm hiện tại. 12 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần tới hơn 7 năm đàm phán để hoàn tất cả thỏa thuận, thì có lẽ tân tổng thống Donald Trump chỉ cần 1 ngày để xé bỏ hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất thế giới này sau khi nhậm chức.

Ngoài TPP, ông Trump cũng dự kiến sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và tăng mức thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 45%. Xu hướng bảo hộ này của Mỹ đang vấp phải sự phản ứng từ phần còn lại của thế giới, khi tự do thương mại vẫn được xem như chìa khóa để vực dậy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, trên khía cạnh thương mại, nền kinh tế số một thế giới đang thực sự là một quốc gia lạc lõng và đi ngược lại với toàn cầu.

Xu hướng thiên về bảo hộ thương mại của Mỹ đang trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế xếp thứ hai thế giới là Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế-thương mại chi phối toàn cầu, khi đây đang là quốc gia sôi động nhất trong việc thúc đẩy hình thành và thiết lập nhiều hiệp định thương mại nhất, và có quy mô lớn nhất.

Đáng kể nhất đầu tiên là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm Trung Quốc, 10 nước ASEAN, và 5 nền kinh tế lớn khác trong khu vực là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP đang được thúc đẩy diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết sau khi nguy cơ TPP bị hủy bỏ tăng lên trong thời gian vừa qua, vòng đàm phán mới nhất của RCEP sẽ diễn ra từ ngày 2.12 đến 10.12 tại Jakarta, Indonesia.

Ngoài RCEP, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy đại dự án “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối các nền kinh tế lớn ở châu Âu và châu Á với nền kinh tế nội địa của nước này, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2030. Song song với đó là việc thảo luận về một khu vực tự do thương mại ở Trung Á bao gồm Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia ở khu vực này bắt đầu được thảo luận từ ngày 3.11 vừa qua.

Một bản thỏa thuận về tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại cũng đã được thiết lập giữa Trung Quốc và các nước khu vực châu Mỹ Latinh sau Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru tháng 11. Nói cách khác, Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một loạt các hiệp định thương mại tự do với mọi quốc gia tại các khu vực lân cận, từ châu Á-Thái Bình Dương cho tới Trung và Nam Á.

Một cường quốc kinh tế khác cũng đang bận rộn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, là Nga. Dù công khai phản đối Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và các nước châu Âu với lý do các hiệp định thương mại khu vực sẽ có tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu, nhưng chính phủ Nga lại đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà nước này là một thành viên.

Ở thời điểm hiện tại, EAEU (bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan) đang có khoảng 40 hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được thiết lập, điển hình là với Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Trung Quốc.

Điều tương tự cũng diễn ra với Nhật Bản, một quốc gia có mạng lưới sản xuất trải rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Takaaki Asano, một cố vấn và nhà nghiên cứu tại Tokyo Foundation, cho biết: “Với Nhật Bản, các hiệp định thương mại tự do tầm khu vực là điều rất cần thiết, vì năng lực sản xuất của Nhật Bản trải rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á. So với các hiệp định thương mại tự do khu vực, thì các thỏa thuận thương mại song phương mà Mỹ đang đề xuất có ít sự hấp dẫn hơn nhiều”.

Điều này giải thích vì sao Nhật Bản đang là quốc gia nỗ lực nhất trong việc thúc đẩy thông qua TPP, bản thân nước này cũng đã thông qua hiệp định này vào đầu tháng 11 vừa qua và không ít lần thúc giục chính phủ và Quốc hội Mỹ thực hiện điều tương tự.

Theo chánh thư ký nội các chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, trong trường hợp xấu nhất là Mỹ không tham gia TPP, thì Nhật Bản có thể sẽ vẫn có kế hoạch vận động các nước thành viên khác thông qua để hiệp định thương mại này có hiệu lực và đi vào hoạt động.

Không chỉ là quốc gia có năng lực sản xuất trải rộng ở nhiều nước, mà Nhật Bản còn là nền kinh tế có mức độ phụ thuộc rất lớn vào thương mại tự do. Đó là lý do đất nước mặt trời mọc đang tìm kiếm càng nhiều thỏa thuận thương mại tự do càng tốt.

Ngoài TPP, Nhật Bản cũng đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại 3 bên với 2 quốc gia khu vực Đông Bắc Á khác là Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính phủ Nhật cũng đang tham gia các cuộc đàm phán về RCEP và một thỏa thuận thúc đẩy trao đổi thương mại với khối Mercosur – khối thương mại bao gồm các quốc gia khu vực Nam Mỹ.

Nếu tất cả những thỏa thuận thương mại kể trên trở thành hiện thực, không khó để dự đoán được rằng Mỹ sẽ bị cô lập đáng kể về quan hệ kinh tế-thương mại với phần còn lại của thế giới nếu hủy bỏ TPP và NAFTA, nhất là khi thỏa thuận thương mại quan trọng còn lại là Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với châu Âu cũng đã bị đình trệ.

Đó là lý do nhiều người đang kỳ vọng tân tổng thống Donald Trump sẽ không loại bỏ TPP và NAFTA mà thay vào đó là chỉnh sửa lại các hiệp định thương mại này theo hướng có lợi cho Mỹ hơn mà thôi.

Một cường quốc đóng vai trò dẫn dắt và chi phối bức tranh thương mại toàn cầu trong hàng thập kỷ qua như Mỹ sẽ không dễ dàng đi ngược với phần còn lại của thế giới, kể cả khi tổng thống Mỹ có là Donald Trump đi nữa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự do thương mại: Mỹ đang đi ngược lại với thế giới?