Thời gian vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra nhiều vụ lừa đảo huy động vốn thực hiện trên quy mô lớn với số tiền chiếm đoạt rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nhan nhản những đường dây lừa đảo “nghìn tỉ”
Một số vụ lừa đảo huy động vốn quy mô lớn nhằm chiếm đoạt tài sản có thể kể đến như vụ Phan Mỹ Hạnh (Sâm Ngọc Linh), Nhật Nam, Sen Tài Thu…
Ví dụ ở vụ Sen Tài Thu, cơ quan điều tra xác định, bà Phạm Thị Hòa (cựu chủ tịch HĐQT) và Nguyễn Thị Thùy Linh đã vay nợ số tiền lớn khoảng hơn 300 tỉ đồng (trong đó tiền gốc khoảng 100 tỉ đồng, tiền lãi 200 tỉ đồng). Đến năm 2022, bị can Nguyễn Thị Thùy Linh đã cùng bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương nâng khống vốn điều lệ từ 31 tỉ lên 160 tỉ đồng, để phát hành cổ phần.
Các bị can đã đưa ra nhiều thông tin gian dối về tình hình hoạt động, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; đồng thời sử dụng cổ phần cá nhân của bà Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư.
Để thu hút nhiều người đầu tư, bị can Nguyễn Thị Lan Hương đã xây dựng đội ngũ sale với chính sách trả thưởng hoa hồng % cao trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phẩn được ký.
Hay ở vụ Phạm Mỹ Hạnh lừa đảo huy động vốn của hơn 1.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền hơn 1.264 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, Phạm Mỹ Hạnh trong vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ Hạnh đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc doanh nghiệp (DN) có dự án đầu tư trồng cây Sâm Ngọc Linh mang lại lợi nhuận cao. Thông qua “dự án” này, Phạm Mỹ Hạnh đã huy động vốn của hơn 1.000 nhà đầu tư với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỉ đồng.
Hoặc vụ việc rất nghiêm trọng là vụ Vũ Thị Thúy, Công ty Bất động sản (BĐS) Nhật Nam lừa đảo chiếm đoạt 8.900 tỉ đồng của 20.000 cá nhân.
Quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ 2020 - 2022, Vũ Thị Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34 - 46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Theo cơ quan chức năng, công ty trả lãi và gốc cho các cá nhân hơn 4.000 tỉ đồng và chi phí cho hoạt động của công ty 520 tỉ đồng, chi hoa hồng trả các cá nhân giới thiệu, huy động vốn hơn 2.000 tỉ đồng; chi cho cá nhân bị can Vũ Thị Thúy hơn 600 tỉ đồng; số tiền còn lại gần 1.000 tỉ đồng chưa rõ chi đi đâu.
Điểm chung thường thấy trong các vụ án lừa đảo là các công ty này thường đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về các dự án đầu tư, dự án BĐS hoặc sử dụng các báo cáo tài chính không chính xác… để thu hút các nhà đầu tư quan tâm và kêu gọi đầu tư.
“Mồi câu” từ lãi suất cao, đánh bóng hình ảnh
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết đã có nhiều vụ án liên quan đến các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp.
“Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thời gian qua chưa tốt. Nhiều DN lợi dụng uy tín vị thế trên thị trường phải lợi dụng mối quan hệ và các hoạt động đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối để huy động vốn trái phép dẫn đến số tiền huy động vốn đặc biệt lớn hàng ngàn tỉ đồng”, ông Cường nói.
Ngoài ra, theo vị luật sư, ảnh hưởng do dịch bệnh, suy thoái kinh tế nên nhiều người không tập trung vào sản xuất kinh doanh, mà lại kinh doanh theo mô hình cho vay, đầu tư tài chính. Điều này dẫn đến việc bị các đối tượng lợi dụng để huy động vốn trái phép bằng hình thức trả lãi cao hoặc vẽ ra những dự án màu mè, theo kiểu bánh vẽ để chiếm đoạt tài sản.
Phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng thường là đánh vào lãi suất cao, chiết khấu lớn để các nhà đầu tư tin tưởng. Ngoài ra, các đối tượng còn xây dựng một đội ngũ nhân viên bán hàng, tư vấn viên có khả năng thao túng tâm lý, bất chấp đạo đức để chốt đơn.
Một điều cũng cần phải kể đến là các đối tượng sử dụng mô hình đa cấp, hệ thống hình chóp để huy động vốn theo kiểu chia sẻ lợi ích biến người bị hại trở thành người tiếp tay để câu dụ những người bị hại khác theo cấp số nhân. Chính vì vậy số tiền góp vốn cũng vì thế mà tăng lên nhanh chóng, số người góp vốn cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Cũng theo ông Cường, những kẻ lừa đảo còn sử dụng hình ảnh của những người có uy tín, các thương hiệu quốc gia, những giấy tờ khen thưởng, thành tích để đánh bóng thương hiệu.
“Khi có được nhiều tiền một cách dễ dàng như vậy thì các đối tượng lại chi tiêu một cách hoàn phí, thiếu kiểm soát dẫn đến thất thoát lớn. Ngoài ra, họ cũng tính đến một lượng lớn số tiền quay trở lại làm "mồi câu", trả lãi cho hệ thống dẫn đến số tiền chiếm đoạt được thất thoát nhanh chóng và dần dần dẫn đến mất khả năng kiểm soát về tài chính, không còn khả năng trả lãi cho các nhà đầu tư”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là khi mất khả năng kiểm soát, khi hệ thống không còn có thêm những nhà đầu tư mới thì các đối tượng thường sẽ tuyên bố phá sản và mở các hệ thống, các chuỗi khác, DN khác để tiếp tục huy động vốn trái phép.
Do đó, ông Cường cho rằng để giảm thiểu những vụ án lừa đảo với hàng nghìn tỉ đồng như thế này thì cần tăng cường công tác quản lý hoạt động huy động vốn của DN; công khai minh bạch về các thông tin, đặc biệt là thông tin về DN; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là đối với các doanh nhân.
“Cần phải xây dựng đạo đức doanh nhân và tăng cường các cơ chế giám sát để phân loại chọn lọc những doanh nhân chân chính, kịp thời loại bỏ những đối tượng làm ăn chụp giật, lừa đảo”, ông Cường nói.
Theo luật sư Cường, đối với hoạt động tài chính như đầu tư tài chính, sự huy động vốn, góp vốn thì cần tăng cường các cơ chế giám sát, các nhà đầu tư cần thận trọng khi bỏ vốn đầu tư vào các dự án, các DN để tránh tiền mất tật mang. Ngoài ra, phải siết chặt quản lý của các DN kinh doanh đa cấp hoặc kinh doanh theo mô hình đa cấp trong hoạt động huy động vốn.