Đến thời điểm này, hàng loạt các trường đại học (ĐH) trong cả nước đã thông báo đề án tuyển sinh năm 2023.

Tuyển sinh ĐH năm 2023: Nên giảm phương thức tuyển sinh để phù hợp nhu cầu thực tế

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 24/12/2022, 18:50

Đến thời điểm này, hàng loạt các trường đại học (ĐH) trong cả nước đã thông báo đề án tuyển sinh năm 2023.

Năm 2023 lần đầu tiên giảm điểm ưu tiên với thí sinh điểm cao

Trong những ngày đang chuẩn bị kiểm tra học kỳ I này, học sinh khối lớp 12 lại thêm mối bận tâm, khi các thông tin xét tuyển mới xuất hiện.

Năm 2023 sẽ có một số điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT nêu rõ, địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022.

Đáng chú ý nhất đó là kể từ năm 2023, sẽ áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên mới trong xét tuyển đại học. Cụ thể, từ năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như khó đỗ vào các ngành hot của trường top trên.

Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Năm 2023, điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng phương án không cộng điểm ưu tiên đối với các thí sinh đạt điểm tuyệt đối là hợp lý, tuy nhiên việc này cần áp dụng cẩn trọng với tất cả các đối tượng trong cả nước chứ không nên để riêng một nhóm nào. Việc giảm điểm ưu tiên đối với các thí sinh đạt điểm cao sẽ có sự sàng lọc lớn cho các trường ĐH chọn được thí sinh tốt nhất.

thi-ngay-2-13.jpg
Phương án tuyển sinh năm 2023 dự kiến giữ nguyên như năm 2022

Hiện nay các trường ĐH bắt đầu giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến việc tổ chức các kỳ thi riêng để có “đầu vào” phù hợp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không phải tất cả các thí sinh đều có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng nên để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, các trường vẫn cần đa dạng phương thức xét tuyển.

Đưa ra quan điểm của mình - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2022-2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây nhiễu hệ thống và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Các thí sinh không cần thiết phải theo học các trung tâm luyện thi

Ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết sắp tới đây nhà trường sẽ cho các học sinh làm bài thi thử, số lần thi có thể 1, có thể 2, bởi vì điều này phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Trên cơ sở đăng ký của các thí sinh nhà trường sẽ tổ chức ở nhiều nơi khác nhau cho thí sinh kiểm tra lại năng lực học tập của mình.

Còn kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 12 đợt thi, dự kiến sẽ mở cổng đăng ký từ tháng 2.2023. Tháng trước, hai đại học quốc gia Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã thống nhất quy chế phối hợp với nhau trong kỳ thi này.

GS. TS. Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Năm 2023, chúng tôi có thêm một bước tiến nữa, đó là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ có bộ công cụ chuyển đổi điểm thi. Thí sinh đăng ký bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể chuyển điểm tương ứng với bài thi của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Do đó thí sinh sẽ hạn chế phải thi nhiều lần.

Các trường đã đưa ra các cách tuyển sinh khác nhau, trong đó vẫn ưu tiên nhất cho các học sinh có thành tích tốt trong bộ môn Ngoại ngữ, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Các thí sinh sở hữu chứng chỉ quốc tế hoặc đã từng tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực tư duy ở các trường ĐH sẽ có thêm lợi thế.

z3542975554364_68dc8b81dcd9cc3a6a67e44113a2a025.jpg
Đề xuất giảm phương thức tuyển sinh đại học năm 2023 của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia

GS Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng hiện nay các ngân hàng câu hỏi trong các kỳ thi đánh giá năng lực đã được chuẩn hóa nên việc theo học ở các trung tâm luyện thi không có tác dụng nhiều. Thay vào đó các thí sinh hãy tập trung học tập tốt trên lớp, tự xây dựng kế hoạch ôn tập và làm tốt bài thi tham khảo đã công bố sẽ đạt kết quả cao. Thống kê số lượng thí sinh dự thi đạt top 10% điểm cao năm 2022 đều là các thí sinh tự ôn tập và có kết quả học tập tốt trên lớp học.

Các phương án tuyển sinh của các trường hiện nay đã cập nhật khá nhiều, nhưng rất nhiều trường vẫn chưa đưa ra phương án tuyển sinh bởi lẽ trong năm 2022 các nguồn tuyển sinh của trường đã không đạt chỉ tiêu, khó tuyển sinh dù đã áp dụng nhiều phương thức khác nhau.

Tuyển không đủ chỉ tiêu không chỉ khiến các trường bị động mà ngay cả các thí sinh cũng phải đôn đáo từ quê lên thành phố, tranh thủ nộp hồ sơ ngay để chắc chân vào trường và ngành mình mong muốn. Đưa ra nguyên nhân về vấn đề các trường dù có áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhưng vẫn chưa tuyển đủ thí sinh, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng một phần là do thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh. Bên cạnh đấy cũng chú ý đến sự thiếu cân đối cung - cầu, số chỉ tiêu gần bằng số thí sinh đăng ký nguyện vọng. Lẽ ra chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên nhu cầu lao động và số dân chứ không thể chỉ dựa vào nhu cầu tuyển sinh của các trường. Để khắc phục tình trạng này, các trường đã phải chuyển hướng, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu ngay để có đủ thí sinh. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn chưa đạt đủ chỉ tiêu, đặc biệt là đối với các trường có những ngành học mới, ít được chú ý của xã hội.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường công bố phương án tuyển sinh cũng như tạo ra các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sớm là điều cần thiết để chọn lọc cũng như tuyển sinh được nhiều thí sinh. Và Bộ GD-ĐT cũng cần yêu cầu các trường giảm các phương thức tuyển sinh ĐH năm 2023 xuống. Việc đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh chỉ thêm phức tạp, tiêu tốn thời gian và nguồn lực của xã hội. Các công tác hướng nghiệp cũng đã được các trường thực hiện từ sớm và thực hiện rất tốt ngay từ cấp THCS nên các trường cũng cần đưa ra một hay hai phương thức tuyển sinh phù hợp nhất đối với trường mình. Bên cạnh đấy, để tránh tình trạng các trường đại học bị động trong tuyển sinh, cần phát huy vai trò điều phối chỉ tiêu đào tạo đại học và dạy nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp. Có quy hoạch rõ chỉ tiêu đào tạo nhân lực sẽ tránh mất cân bằng cung - cầu: sinh viên ra trường không có việc làm trong khi doanh nghiệp khát nhân lực, tuyển không ra người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh ĐH năm 2023: Nên giảm phương thức tuyển sinh để phù hợp nhu cầu thực tế