Hợp đồng quốc phòng lớn nhất châu Á -Thái Bình Dương có thể về tay Nhật, khi  Úc không mở thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới trị giá 21 tỉ USD (25 tỉ đô-la Úc).

Úc không mở thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới, Nhật nuôi hy vọng

Một Thế Giới | 02/12/2014, 20:45

Hợp đồng quốc phòng lớn nhất châu Á -Thái Bình Dương có thể về tay Nhật, khi  Úc không mở thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới trị giá 21 tỉ USD (25 tỉ đô-la Úc).

Trả lời phỏng vấn một kênh radio Úc hôm 2.12, Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey nói Úc đang tìm một kiểu tàu ngầm đã hoạt động, ngược với những bản thiết kế giả định của vài công ty đóng tàu châu Âu, cùng các đề nghị mới từ Xí nghiệp đóng tàu hải quân ASC thuộc chính phủ Úc.

Ông Hockey nói Úc không mở thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới mà  “Chính phủ có thể mua loại tàu ngầm tốt nhất”. Điều có nghĩa sẽ không có chiếc nào đóng tại nội địa, nếu như chính phủ Úc có thể mua loại tàu tốt hơn và rẻ hơn của nước ngoài.  

Khi được hỏi hợp đồng tàu ngầm có thể mở rộng cho tất cả các nhà thầu, ông Hockey nói quy trình mất quá nhiều thời gian: “Chúng tôi phải quyết định lúc này. Chúng tôi không có thời gian cho việc bắt đầu thiết kế và đóng. Chúng tôi không có thời gian cho những người gợi ý họ có thể đóng những thứ chưa từng được đóng”.

Vấn đề có nên trang bị một hạm đội tàu ngầm đóng ở nội địa đang trở thành một vấn đề chính trị nhạy cảm cho chính phủ Úc.

Họ đối mặt với sự phản đối của bang Nam Úc, nơi ASC đặt trụ sở, nếu như Úc tìm một nhà thầu nước ngoài để đóng các tàu ngầm mới, thay thế tàu ngầm lớp Collins sẽ hết hiệu quả sử dụng từ năm 2026.

Công đảng đối lập đã kêu gọi mở tranh thầu, điều có thể thu hút ASC và các công ty ở Nhật, Đức, Pháp và Thụy Điển.

Nhóm kỹ nghệ Úc (AI Group) và một chuyên gia tàu ngầm hàng đầu bác bỏ. Cả hai đều nói một quả thầu có nghĩa Úc có thể có một quyết định tốt nhất về loại tàu cần có. AI Group cũng đề nghị mở cuộc tranh thầu với lý do vẫn còn nhiều thời gian.

Các ý kiến chống tranh thầu nói Úc không thể tiết lộ bí mật phần cứng quân sự như một chiếc tàu ngầm cho quá nhiều nước biết.

Nhưng chuyên gia tàu ngầm Andrew Davies thuộc Viện chính sách chiến lược Úc nói một cuộc tranh thầu sẽ kéo giá thành xuống và nâng hiệu quả lên.

Ông cũng nói có thể kéo dài tuổi thọ của tàu ngầm lớp Collins lên cuối thập niên 2020, điều mà chính phủ Úc gần đây mới thừa nhận.

Vài tháng qua, chính phủ nghiêng về một thỏa thuận với Nhật cung cấp tàu ngầm mới cho Úc, nhất là khi có được mối quan hệ mạnh mẽ giữa Thủ tướng Úc Tony Abbott với người đồng nhiệm Nhật Shinzo Abe.

Nhưng bất kỳ thỏa thuận nào với Nhật cũng sẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử sớm, mà ông Abbott đã đề xuất vào ngày 14.12 tới.

Tiến sĩ Davies còn nói hải quân hoàng gia Úc cần cẩn trọng bảo đảm, rằng nếu Nhật đóng tàu ngầm cho Úc thì phải đáp ứng các đòi hỏi của Úc.
Uc khong mo thau dong ham doi tau ngam moi
Tàu ngầm lớp Collins của hải quân hoàng gia Úc
Hiện Úc đang nghiêm túc xem xét khả năng mua 12 chiếc tàu ngầm lớp Soryu 4.200 tấn của Nhật (còn gọi là chiếc Rồng Xanh) để thay 6 chiếc lớp Collins. Đó có thể là thương vụ vũ khí lớn nhất của Nhật từ sau Thế chiến 2.   

Úc cần tăng gấp đôi số tàu ngầm trong bối cảnh vùng biển châu Á - Thái Bình dương bị đe dọa an ninh, trong khi Úc cần bảo vệ những đường ống dẫn khí cần thiết cho sự thịnh vượng của Úc vốn giàu tài nguyên.

Tàu ngầm đang là trung tâm một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á, khi các nước đều phải đề phòng trước thái độ hung hăng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và nhất là tuyên bố đòi độc chiếm 90 % Biển Đông.

Một số công ty quốc phòng châu Âu cũng muốn tranh quyền đóng tàu cho Úc, như ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS, Đức), DCNS (Pháp) và SAAB Kockums (Thụy Điển). Họ đang vận động hành lang với chính phủ Thủ tướng Abbott.

TKMS đề xuất một phiên bản to hơn của chiếc Type  2124, gọi là Type 216 vốn được xem là có lợi cho vùng lãnh hải rộng lớn của Úc, nhưng chiếc này chưa được đóng.

DCNS đề xuất một kiểu chạy động cơ là phiên bản của chiếc tàu ngầm tấn công Barracuda chạy bằng hạt nhân.

Bảo Vĩnh (theo The Wall Street Journal) 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Thời gian và nguồn lực có hạn, làm việc nào cần dứt điểm việc đó
“Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn”, Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Úc không mở thầu đóng hạm đội tàu ngầm mới, Nhật nuôi hy vọng