Cả Malaysia, Indonesia, Philippines đều đã bày tỏ thái độ có phần trái ngược nhau sau khi Úc thông báo quyết định mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.
Sau khi Úc từ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Mỹ, các nước láng giềng ASEAN đã có những phản ứng khác nhau.
Malaysia và Indonesia lo ngại
Malaysia đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc, cảnh báo nước này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.
Thủ tướng Scott Morrison đã phải gọi điện cho tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob của Malaysia như một phần của nỗ lực ngoại giao cấp cao nhằm trấn an nhà lãnh đạo các nước trong khu vực.
Ông Morrison muốn giải thích lý do của Úc khi hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỉ USD với Tập đoàn Hải quân của Pháp để theo đuổi các tàu ngầm năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh.
Nhưng trong một tuyên bố công khai, Thủ tướng Yaakob cho biết ông đã nêu quan ngại với ông Morrison về dự án tàu ngầm, đồng thời cảnh báo rằng dự án tàu ngầm hạt nhân có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự ở châu Á.
Ông Yaakob nói: “Đồng thời, nó sẽ kích động các cường quốc khác có hành động gây hấn hơn ở khu vực này, đặc biệt là ở Biển Đông”.
Indonesia cũng đã chỉ trích thông báo về tàu ngầm hạt nhân. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 17.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah, cho biết Jakarta đã lưu ý đến quyết định của Úc về việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhấn mạnh "Indonesia quan ngại sâu sắc về cuộc chạy đua vũ trang leo thang và sự phát triển sức mạnh quân sự trong khu vực".
Đặc biệt, tuyên bố nhắc khéo chuyện hạt nhân: “Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng trong cam kết của Úc đối với việc tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của nước này”.
“Indonesia kêu gọi Úc duy trì cam kết hướng tới hòa bình, ổn định và an ninh khu vực phù hợp với Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (quy tắc ứng xử giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)".
“Indonesia khuyến khích Úc và các bên liên quan thúc đẩy đối thoại để giải quyết mọi khác biệt một cách hòa bình. Về vấn đề này, Indonesia nhấn mạnh sự tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982 (Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển), trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Và ai hồ hởi?
Singapore không công khai phản đối thông báo này, trong khi Bộ Quốc phòng Philippines đưa ra tuyên bố nói rằng Úc có mọi quyền hạn để tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Nhật Bản cũng hoan nghênh động thái này, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi ca ngợi hiệp ước quốc phòng Mỹ-Anh-Úc mới - được gọi là AUKUS - sẽ cho phép Washington và London chia sẻ công nghệ sẽ cung cấp sức mạnh cho các tàu ngầm mới.
Một số chính trị gia ở Đài Loan cũng đã nhiệt liệt hoan nghênh thông báo của Úc. Sự hồ hởi của Philippines, Nhật và Đài Loan không có gì đáng ngạc nhiên khi họ đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Do đó, việc hải quân Úc lớn mạnh sẽ giúp họ cảm thấy yên tâm hơn về một đồng minh. Không những thế, việc Mỹ ủng hộ tối đa cho hải quân Úc thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì sức mạnh quân sự tại khu vực Thái Bình Dương trước áp lực từ Trung Quốc.