Chỉ một sự tức giận được chia sẻ trên Internet ở Trung Quốc cũng đủ khiến cổ phiếu của United Airlines giảm 4%, thì một sự tẩy chay đồng loạt kéo dài trên thực tế có lẽ đủ để khiến hãng hàng không này cuốn gói khỏi Trung Quốc.

United Airlines đang lãnh đủ từ cơn giận dữ của người Trung Quốc

Nhàn Đàm | 13/04/2017, 05:52

Chỉ một sự tức giận được chia sẻ trên Internet ở Trung Quốc cũng đủ khiến cổ phiếu của United Airlines giảm 4%, thì một sự tẩy chay đồng loạt kéo dài trên thực tế có lẽ đủ để khiến hãng hàng không này cuốn gói khỏi Trung Quốc.

Chiều ngày thứ Ba 11.4 chứng kiến cơn giận dữ lên đến cực điểm của cư dân mạng Trung Quốc đối với sự kiện bê bối mới xảy ra của hãng hàng không United Airlines, khi video về cảnh hành hung vị hành khách gốc châu Á cũng như các hashtag kêu gọi tẩy chay hãng hàng không này có lượt view và like lên đến hơn 20 triệu lượt mỗi giờ trên mạng xã hội Sina Weibo. Chỉ có thể chứng kiến sự giận dữ tương tự của xã hội Trung Quốc đối với không nhiều các vụ việc xảy ra trước đó mà thôi, chủ yếu là với Nhật Bản và Hàn Quốc và hầu hết tập trung vào các vụ việc có liên quan đến yếu tố chính trị. Không có gì ngạc nhiên khi ngay sau đó, cổ phiếu của hãng hàng không quốc tế này đã sụt giảm khoảng 4% như một minh chứng cho những tác động ghê gớm mà cơn giận dữ của cư dân mạng Trung Quốc đem lại.

Về bề ngoài, thì mọi thứ dường như đang trở nên rất tồi tệ đối với United Airlines. Trung Quốc hiện đang là thị trường hàng không thương mại có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, và những sở thích cùng thành kiến của hành khách Trung Quốc sẽ có thể nắm giữ vận mệnh của các hãng hàng không đặc biệt là các hãng hàng không nước ngoài. Chỉ một sự tức giận được chia sẻ trên Internet ở Trung Quốc cũng đủ khiến cổ phiếu của United Airlines giảm 4%, thì một sự tẩy chay đồng loạt kéo dài trên thực tế có lẽ đủ để khiến hãng hàng không này cuốn gói khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu so sánh với những trường hợp tương tự diễn ra trước đó, thì nguy cơ này có lẽ cũng giảm đi ít nhiều.

Trên thực tế, United Airlines không phải là công ty nước ngoài đầu tiên trở thành đối tượng bị tẩy chay của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Trước đó, các thương hiệu lớn như Toyota hay Apple cũng đã bị phản đối và tẩy chay bởi người dân Trung Quốc từ trên các mạng xã hội Internet cho đến ngoài đời thực. Mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu sự tẩy chay và phản đối này nhận được sự ủng hộ ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, trong năm 2008 hàng ngàn người biểu tình Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp do có một số tin đồn rằng hãng này đã quyên góp tiền cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng như tin đồn Pháp đã có một số hành vi ngược đãi những vận động viên Trung Quốc cầm đuốc Olympic 2008 khi họ chạy qua Paris.

Một ví dụ khác là năm 2012, các hãng sản xuất ô-tô Nhật Bản trở thành nạn nhân cho một sự phản đối dữ dội sau những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Các hãng sản xuất ô tô này đã phải mất tới vài tháng sau đó mới tạm thời khôi phục được hoạt động kinh doanh đã bị gián đoạn và tổn hại bởi các cuộc biểu tình đó. Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ như cũng lắng xuống khá nhanh, chẳng hạn như vụ kêu gọi tẩy chay hệ thống siêu thị Carrefour, doanh số bán hàng của hãng này tại Trung Quốc nhanh chóng hồi phục sau đó.

Điều này đồng nghĩa với việc, hầu hết các cuộc kêu gọi tẩy chay và phản đối của người dân Trung Quốc không bắt nguồn từ những mâu thuẫn có nguồn gốc sâu xa. Cũng giống như người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới, người tiêu dùng Trung Quốc cũng có chung đặc điểm là sự thực dụng về vấn đề hàng hóa, các mâu thuẫn về chính trị hay sắc tộc sẽ nhanh chóng qua đi nếu như các ưu điểm của sản phẩm vẫn được đảm bảo và thu hút khách hàng. Ví dụ điển hình là Apple, dù trở thành đối tác bị tẩy chay không dưới 1 lần và ngày càng gặp nhiều rắc rối hơn liên quan đến các vấn đề bảo hành, thì Apple vẫn là một thương hiệu rất phổ biến tại Trung Quốc, đơn giản là do chất lượng công nghệ hàng đầu của các sản phẩm của hãng.

Vụ scandal của United Airlines về cơ bản chỉ phức tạp hơn những rắc rối của Apple một chút. Phần lớn sự phẫn nộ của cư dân mạng Trung Quốc với hãng hàng không này xuất phát từ việc tin rằng David Dao, hành khách bị hành hung và bị ép rời khỏi máy bay, là người gốc Trung Quốc. Nhưng thực ra David Dao lại là người Mỹ gốc Việt. Một yếu tố khác cũng có thể khiến sự phẫn nộ của cư dân mạng Trung Quốc nhanh chóng giảm xuống đáng kể, là vì một thực tế là mức độ bạo lực trong vụ scandal của United Airlines có lẽ cũng chưa thấm vào đâu so với tình trạng bạo lực thường thấy trên các chuyến bay của nhiều hãng hàng không Trung Quốc. Mới đây, hãng hàng không Hong Kong Airlines đã yêu cầu các thành viên phi hành đoàn của mình phải học và luyện tập võ thuật để bảo vệ bản thân và các hành khách trong trường hợp cần thiết. Lý do chủ yếu là vì tình trạng bạo lực trên các chuyến bay Trung Quốc - Hồng Kông của hãng này đang trở nên ngày càng phổ biến hơn, chủ yếu là do các hành khách là người Trung Quốc.

Chưa kể, United Airlines cũng có một số lợi thế nhất định: có khá ít sự cạnh tranh. Nhờ các thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, các hãng hàng không Mỹ được phép thực hiện khoảng 140 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần giữa hai nước (các hãng hàng không Trung Quốc được phép thực hiện khoảng 180 chuyến). Các tuyến bay tới những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng bị giới hạn đáng kể và hành khách Trung Quốc không có nhiều lựa chọn hãng bay. Điều này đem lại lợi thế cho United Airlines và một số ít hãng hàng không nước ngoài khác.

Tất nhiên, sự giận dữ hiện tại của cư dân mạng Trung Quốc cũng sẽ khiến việc kinh doanh của United Airlines tại thị trường này giảm đi đáng kể. Tuy nhiên về lâu dài mọi chuyện có thể sẽ được cải thiện, khi vụ scandal đã lắng xuống. Trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới, Trung Quốc có thể sẽ là nước có số dân đi du lịch hàng năm lớn nhất thế giới, và sẽ là thị trường quan trọng nhất với nhiều hãng hàng không. Và nếu vụ scandal lần này không được xử lý một cách khéo léo, United Airlines có thể sẽ chịu thiệt hại lớn trong tương lai.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
United Airlines đang lãnh đủ từ cơn giận dữ của người Trung Quốc