Ấn Độ được dự báo là nền kinh tế có thể thách thức vị trí đầu tàu châu Á với Trung Quốc. Thế nhưng, họ cần phải từ bỏ sự thụ động, bảo thủ nếu muốn bứt phá trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Ai cản Ấn Độ trong việc thách thức vai trò đầu tàu châu Á với Trung Quốc?

Nhàn Đàm | 11/04/2017, 06:55

Ấn Độ được dự báo là nền kinh tế có thể thách thức vị trí đầu tàu châu Á với Trung Quốc. Thế nhưng, họ cần phải từ bỏ sự thụ động, bảo thủ nếu muốn bứt phá trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Ấn Độ có lẽ đang là quốc gia có sự phân vân và mâu thuẫn về chính sách thương mại lớn nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung giữa Donald Trump và Tập Cận Bình ở Florida trong tuần đầu tháng 4làm dấy lên hy vọng của các quan chức ở New Delhi về một căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đưa Ấn Độ trở thành kẻ chiến thắng bằng cách đứng giữa thủ lợi; tuy nhiên ở một khía cạnh khác, Ấn Độ lại đang được xem là nền kinh tế có sự nghi ngờ lớn nhất đối với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trên thế giới hiện nay. Một mặt, Ấn Độ hào hứng với những cơ hội mà thương mại toàn cầu có thể đem lại cho mình, nhưng mặt khác lại tỏ ra nghi hoặc sâu sắc bản thân trong việc có thể nắm bắt được những cơ hội ấy hay không.

Về khía cạnh thương mại, có vẻ như tương lai của hệ thống thương mại toàn cầu sẽ được xác định và thiết lập bởi hai hiệp định quan trọng đang cạnh tranh khá gay gắt ở thời điểm hiện tại: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ ủng hộ, với mục tiêu hàng đầu là tái cấu trúc hệ thống thương mại thế giới bằng các tiêu chuẩn hiện đại và tiên tiến; và thứ hai là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thúc đẩy bởi Trung Quốc, với mục tiêu hàng đầu là đẩy mạnh mô hình sản xuất và thương mại hiện nay bằng cách giảm mạnh hàng rào thuế quan.

Giờ đây, TPP đã không còn hy vọng được triển khai ít nhất là với đầy đủ 12 quốc gia sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút lui, nhưng RCEP cũng chưa thể tuyên bố chiến thắng khi mà các nước thành viên của nó bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và 10 nước ASEAN nhận ra rằng họ đang bị chặn lại bởi một rào cản khá quen thuộc: Ấn Độ.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ đóng vai trò người bất đồng và phản đối các hiệp định thương mại mà nước này có ý định tham gia. Trong quá khứ, Ấn Độ thường xuyên giữ vai trò ngăn cản sự đồng thuận giữa các quốc gia trong những cuộc họp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mỗi khi có thảo luận về một quy định thương mại mới. Cho đến trước khi cựu thủ tướng Manmohan Singh nhậm chức, thì quan điểm chủ đạo của New Delhi là các thỏa thuận thương mại chỉ là một cuộc chiến được-mất (win-lose) trong đó đem lại lợi ích cho một bên và thiệt hại cho bên còn lại.

Tình trạng này được cải thiện đáng kể dưới thời thủ tướng Singh khi Ấn Độ bắt đầu quá trình đàm phán hàng chục hiệp định thương mại tự do khác nhau, nổi bật trong đó là hiệp định với tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà thủ tướng Singh hy vọng đó có thể là nền tảng để tiến tới một thỏa thuận quy mô trên toàn châu lục.

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Có vẻ như trong vai tròthủ tướng, ôngManmohan Singh đã không giành được thắng lợi triệt để trước các quan chức bảo thủ của mình, còn người kế nhiệm ông thì lại tỏ ra ít hứng thú hơn với các vấn đề về thương mại tự do. Cho đến khi thủ tướng Narendra Modi lên nhậm chức, hầu hết các hiệp định thương mại mà Ấn Độ đàm phán dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Singh đều chưa hoàn tất, và phần lớn đã bị đình trệ dưới thời ông Modi.

Một phần lớn xuất phát từ các hệ quả mà nền kinh tế Ấn Độ bị tác động từ thỏa thuận thương mại với các nước ASEAN vốn có hiệu lực từ năm 2010: Ngành công nghiệp nội địa và nông nghiệp của Ấn Độ không thể cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, thì kể từ năm 2010 trở đi, xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường ASEAN tăng rất chậm trong khi nhập khẩu thì lại tăng lên khoảng 1/3.

Điều tương tự cũng diễn ra trong quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc, khi quốc gia Nam Á này đang có mức thâm hụt thương mại lên tới gần 60 tỉ USD mỗi năm với nước láng giềng Đông Á. Chính tình trạng này đang ngăn cản Ấn Độ mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc thông qua một hiệp định song phương, cũng như ngăn cản Ấn Độ thúc đẩy thông qua RCEP do lo ngại tình trạng nhập siêu của mình với Trung Quốc sẽ còn cao hơn sau khi thỏa thuận này đi vào hoạt động.

Lập luận của các quan chức và nhà kinh tế Ấn Độ là, do công nghệ và tình trạng sản xuất tại hầu hết các lĩnh vực của nước này chưa thể tiên tiến và phát triển bằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nên hàng hóa không thể cạnh tranh nổi và vì thế Ấn Độ không thể tận dụng các lợi thế về thuế quan mà những hiệp định thương mại đem lại cho nước này. Điều này dẫn đến việc Ấn Độ đang đòi hỏi một mức cắt giảm thuế sâu hơn cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào các thị trường còn lại trong RCEP – một điều có lẽ khó được chấp nhận.

New Delhi đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì quan điểm chính thức, đó là nếu cán cân thương mại giữa Ấn Độ với Trung Quốc và các nước ASEAN không được cải thiện thì sẽ không đồng ý với bất cứ bản dự thảo nào về RCEP. Điều này đang biến Ấn Độ trở thành vật cản trong quá trình thúc đẩy đàm phán RCEP và đã có một số quốc gia đề xuất loại Ấn Độ ra khỏi thỏa thuận thương mại này.

Đương kim thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi nhậm chức vào năm 2014 đã tuyên bố chính sách “Hướng Đông” (Look East) của người tiền nhiệm Manmohan Singh sẽ được thay thế bằng “Tiến Đông” (Act East), trong đó thúc đẩy sự tham gia của Ấn Độ nhiều hơn nữa vào khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương. Sau gần 3 năm thực hiện chiến lược này, Ấn Độ đã thu được thành tựu nhất định về ngoại giao và chiến lược, nhưng về thương mại thì lại là một thất bại. Ấn Độ không thể cạnh tranh với hàng công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc cũng như hàng hóa nông nghiệp của các nước Đông Nam Á.

Sự mâu thuẫn về chính sách thương mại này đang đặt Ấn Độ trước một nguy cơ khổng lồ, đó là trở thành kẻ bị bỏ rơi trong hệ thống thương mại toàn cầu tương lai. Khi không tham gia bất cứ một thỏa thuận thương mại song phương và đa phương nào, thì một nền kinh tế hoàn toàn có thể bị gạt ra ngoài rìa hệ thống thương mại thế giới kể cả khi đó là một nền kinh tế lớn như Ấn Độ đi nữa.

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở Anh hay ở Mỹ hiện nay về một khía cạnh nhất định vẫn chỉ là những yêu cầu điều chỉnh lại cán cân thương mại cho hợp lý hơn mà thôi, trong khi đó, Ấn Độ lại tìm mọi cách từ chối thương mại tự do vì lo ngại sự yếu kém về trình độ sản xuất của mình.

Ngay cả những kỳ vọng trở thành người chiến thắng và hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung của New Delhi vừa qua cũng chủ yếu là theo hướng trong đó Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Ấn Độ nhiều hơn để đổi lấy việc thâm nhập thị trường hơn 1 tỉ dân này, chứ không phải là tìm cách nâng cao trình độ sản xuất và phát triển của mình lên tiệm cận mức trung bình của thế giới.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ai cản Ấn Độ trong việc thách thức vai trò đầu tàu châu Á với Trung Quốc?