Một ủy ban có ảnh hưởng tại Hạ viện Mỹ hôm 7.3 đã kêu gọi áp dụng các hạn chế toàn diện với đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc thông qua dự luật nhằm hạn chế hoạt động của ngành này trên thị trường Mỹ.
Nhịp đập khoa học

Ủy ban Hạ viện kêu gọi hạn chế toàn diện đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ sinh học Trung Quốc

Sơn Vân 08/03/2024 14:56

Một ủy ban có ảnh hưởng tại Hạ viện Mỹ hôm 7.3 đã kêu gọi áp dụng các hạn chế toàn diện với đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc thông qua dự luật nhằm hạn chế hoạt động của ngành này trên thị trường Mỹ.

Theo trang SCMP, phiên điều trần của Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh với Trung Quốc trong Hạ viện diễn ra sau khi một ủy ban Thượng viện hôm 6.3 bỏ phiếu ủng hộ dự luật đồng hành với tỷ lệ 11-1 (11 ủng hộ, 1 phản đối), cấm các tổ chức được tài trợ bởi chính phủ Mỹ ký hợp đồng với một số nhà cung cấp công nghệ sinh học ở Trung Quốc.

Dự luật đó nêu tên nhà cung cấp dịch vụ giải trình tự gien BGI Group và hãng dược phẩm sinh học Wuxi AppTec là công ty đáng quan ngại, cùng với các công ty con và chi nhánh trực tiếp của họ.

Mike Gallagher (nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh với Trung Quốc, cho biết: “Mọi giá trị chảy vào các hãng công nghệ sinh học hoặc khoa học di truyền Trung Quốc sẽ được sử dụng để tăng cường sức mạnh cho chính phủ Trung Quốc và quân đội nước này”.

“Chúng ta phải giả định rằng đang hoạt động phù hợp và phải cắt đứt dòng hỗ trợ này. Các công ty Mỹ cần tháo chiếc băng che mắt và nhận ra rằng ở Trung Quốc không có khái niệm về doanh nghiệp thực sự tư nhân”, ông nói thêm.

Được giới thiệu vào tháng 1 bởi Mike Gallagher và Raja Krishnamoorthi (đảng viên Dân chủ ở từ bang Illinois, thành viên cấp cao của ủy ban), dự luật lưỡng đảng được gọi là Đạo luật an toàn sinh học cho rằng BGI Group và Wuxi AppTec có quan hệ với Quân đội Trung Quốc.

Hôm 7.3, Raja Krishnamoorthi nói Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ sinh học “có khả năng gây hại cho người Mỹ” và nước này đang tiến hành các thí nghiệm để “làm cho binh lính được nâng cao về mặt sinh học” và “thu thập số lượng lớn dữ liệu di truyền từ người Mỹ”.

Nhà Trắng tuần trước đã ban hành một lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn “các quốc gia đáng lo ngại” như Trung Quốc và Nga truy cập khối lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm về người Mỹ và những người có liên hệ với chính phủ Mỹ.

Raja Krishnamoorthi nói tại phiên điều trần: “Chúng ta cần vạch ra một ranh giới và đảm bảo sự đổi mới công nghệ sinh học phản ánh các giá trị của chúng ta. Điều này đồng nghĩa buộc những thế lực xấu phải chịu trách nhiệm và áp đặt các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài với các hãng công nghệ sinh học thuộc nhà nước Trung Quốc”.

Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho rằng cáo buộc đánh cắp dữ liệu di truyền là “vô căn cứ”, gọi đây là “một ví dụ khác về việc Mỹ kiếm cớ và dùng mọi cách để đàn áp các công ty Trung Quốc”.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này. Phía Mỹ nên tôn trọng sự thật cơ bản, từ bỏ thành kiến về ý thức hệ, ngừng lạm dụng nhiều lý do để đàn áp các công ty Trung Quốc một cách vô lý và đối xử công bằng, công minh, không phân biệt với các công ty Trung Quốc trong hoạt động của họ”, Liu Pengyu tuyên bố.

Trong khi đó, các nhân chứng tại phiên điều trần hôm 7.3 kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ chiến lược cho lĩnh vực công nghệ sinh học của nước này để giữ vị trí dẫn đầu và vượt qua Trung Quốc.

“Điều cần thiết là một tầm nhìn rõ ràng về những gì quốc gia cần đạt được thông qua công nghệ sinh học và cách chính phủ cùng khu vực tư nhân có thể hợp tác với nhau để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ, bảo vệ sức mạnh của Mỹ trong thời đại sinh học này”, Tara O'Toole, Phó chủ tịch điều hành công ty đầu tư mạo hiểm In-Q-Tel, phát biểu.

“Vẫn có cơ hội cho hợp tác chiến lược Trung - Mỹ, chẳng hạn như xây dựng chế độ giám sát toàn cầu nhằm ngăn chặn công nghệ sinh học bị vũ khí hóa“, Jason Kelly, Giám đốc điều hành hãng sinh học tổng hợp Ginkgo Bioworks, cho biết.

Vẫn còn một chặng đường dài để cả hai dự luật của Thượng viện và Hạ viện trở thành luật, với nội dung có thể thay đổi thêm.

Tuy nhiên, sự ủng hộ rõ ràng của lưỡng đảng, lưỡng viện với dự luật này đã gây ra làn sóng bán tháo các cổ phiếu liên quan đến BGI Group và Wuxi AppTec trên thị trường chứng khoán Hồng Kông lẫn Trung Quốc đại lục.

Dự luật của Thượng viện đã được sửa đổi để miễn trừ các hợp đồng và thoả thuận đã tồn tại trước đó. Thế nhưng, dự luật vẫn đề cập đến BGI Group và Wuxi AppTec, bất chấp sự phản đối của hai công ty này. Hiện vẫn chưa rõ khi nào dự luật sẽ được đưa lên sàn Thượng viện để bỏ phiếu.

uy-ban-ha-vien-keu-goi-han-che-toan-dien-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-vao-linh-vuc-cong-nghe-sinh-hoc-trung-quoc.jpg
Wuxi AppTec đã phủ nhận việc kinh doanh gien người hoặc thu thập dữ liệu gien người - Ảnh: Reuters

Trong hồ sơ nộp lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm 7.3, Ge Li (Chủ tịch Wuxi AppTec) cho biết: “Công ty hoàn toàn không đồng ý với việc chỉ định mang tính phòng ngừa và không công bằng như vậy mà không có thủ tục tố tụng hợp lý. Chúng tôi tin chắc rằng Wuxi AppTec đã và sẽ không gây rủi ro an ninh cho Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng tôi cũng nhắc lại rằng Wuxi AppTec không kinh doanh về gien người hoặc thu thập dữ liệu về gien người”.

Theo báo cáo tạm thời, Wuxi AppTec (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) đã tạo ra hơn 60% doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Mỹ trong nửa đầu năm 2023.

BGI Group (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) cho biết thu nhập của công ty tạo ra từ thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ. BGI Group giải thích rằng công ty con của họ ở Mỹ chủ yếu cung cấp các dịch vụ nghiên cứu khoa học và hoạt động kinh doanh này cũng tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư cá nhân của Mỹ, theo hãng truyền thông Cailianshe (Trung Quốc).

Bài liên quan
Cổ phiếu các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc giảm mạnh vì dự luật cấm làm ăn với chính phủ Mỹ
Một nhà làm luật Mỹ đã đề xuất dự luật ngăn chặn các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc làm ăn với chính phủ Mỹ (tham gia hợp đồng liên bang) do cáo buộc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
5 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Hạ viện kêu gọi hạn chế toàn diện đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ sinh học Trung Quốc