Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho biết đang lên kế hoạch với Trung Quốc về cách vận chuyển và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng vào năm 2035.
Nhịp đập khoa học

Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga: ‘Hợp tác với Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng’

Sơn Vân 22:27 05/03/2024

Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho biết đang lên kế hoạch với Trung Quốc về cách vận chuyển và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng vào năm 2035.

Theo hãng tin Interfax, ông Yury Borisov (Giám đốc Roscosmos) nói trong bài giảng hôm 5.3 cho sinh viên: “Hiện tại, chúng tôi đang xem xét dự án một cách nghiêm túc”. Ông cho biết nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng sẽ cần được xây dựng bằng robot.

Vào năm 2021, Nga và Trung Quốc đã trình bày lộ trình xây dựng trạm khoa học trên Mặt trăng vào cuối năm 2035. Theo hãng tin Tass, kế hoạch cho dự án bao gồm máy thám hiểm kỹ thuật trên Mặt trăng để nghiên cứu, một robot nhảy và vài robot thông minh được thiết kế để khám phá bề mặt vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

Ông Yury Borisov cũng cho biết Nga phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, lặp lại lời Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, ông Putin đã bác bỏ cáo buộc từ Mỹ về kế hoạch của Nga về những loại vũ khí như vậy.

“Tất nhiên, không gian không được có vũ khí hạt nhân”, ông Yury Borisov nói.

Hồi tháng 10.2023, các sứ mệnh lên Mặt trăng của Nga đã biến mất khỏi bản thiết kế mới của Trung Quốc cho Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), dự án từng được hai nước cùng khởi xướng nhằm xây dựng một căn cứ có người ở gần cực nam Mặt trăng.

Theo đề xuất trước đó, mỗi nước sẽ phóng khoảng 6 tàu vũ trụ liên quan để hoàn thiện căn cứ trên Mặt trăng. Tuy nhiên, các sứ mệnh do Nga thực hiện đã không xuất hiện trong bài thuyết trình của một nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc cấp cao tại Đại hội Hàng không Quốc tế (IAC) diễn ra ở Baku (thủ đô Azerbaijan) ngày 2.10.2023.

Hơn 5.400 đại biểu từ 132 quốc gia đã tập trung tại Baku để tham dự đại hội không gian lớn nhất thế giới tổ chức hàng năm.

Tại đại hội này, ông Yu Dengyun, Phó giám đốc thiết kế chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc đã phát biểu về mục tiêu và chiến lược xây dựng ILRS. Thế nhưng, loạt sứ mệnh mà ông trình bày chỉ bao gồm các vụ phóng trong tương lai của Trung Quốc như sứ mệnh Hằng Nga 6, 7 và 8.

Các sứ mệnh này sẽ bay trên chính tên lửa đẩy hạng nặng do Trung Quốc sản xuất. Tất cả sứ mệnh của Nga xuất hiện cạnh sứ mệnh của Trung Quốc trong các bài thuyết trình trước đây đều bị loại bỏ. Chúng bao gồm Luna-25 (đã rơi xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 19.8 sau khi gặp trục trặc kỹ thuật) cũng như ba sứ mệnh tiếp theo là Luna 26, 27 và 28 do Roscosmos lên kế hoạch thực hiện từ năm 2027 đến 2030.

nga-hop-tac-voi-trung-quoc-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-tren-mat-trang.jpg
Tên lửa Soyuz 2.1 mang theo tàu thám hiểm Mặt trăng Luna-25 khởi hành từ sân bay vũ trụ Vostochny (Nga) ngày 11.8.2023 - Ảnh: Reuters

Các sứ mệnh dự kiến sẽ phóng bằng tên lửa hạng nặng Angara (Nga) cho giai đoạn xây dựng chính cho Trạm ILRS cũng không xuất hiện trong bài thuyết trình của Yu Dengyun.

Theo trang SCMP, có thể sự cố bất ngờ với Luna-25 đã làm gián đoạn kế hoạch dự kiến của Nga và việc nó vắng mặt trong bản thiết kế chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát không gian cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc quyết định "quay lưng" lại với Nga sau khi chứng kiến nước này không có thành tựu gì nổi trội trong không gian những năm gần đây.

Jonathan McDowell, nhà sử học và nhà thiên văn học về chương trình không gian tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết: "Nga không chỉ gặp thất bại với Luna-25 năm 2023. Năm 2022, tàu Soyuz và Progress liên tục gặp sự cố rò rỉ chất làm mát".

Roscosmos nói rằng nguyên nhân của sự rò rỉ là do các cuộc tấn công của thiên thạch vi mô, nhưng một số nhà quan sát nghi ngờ là do lỗi sản xuất trong tàu vũ trụ.

Ông Jonathan McDowell nhận định: "Danh tiếng ngày càng mờ nhạt của ngành vũ trụ Nga cùng sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc với ngành vũ trụ trong nước khiến kết nối với Nga trở nên kém hấp dẫn và ít cần thiết hơn".

Song theo ông Namrata Goswami, học giả chính sách không gian độc lập sống ở bang Alabama (Mỹ), việc các sứ mệnh Nga không xuất hiện trong bài thuyết trình của Yu Dengyun không nên được coi là tín hiệu trực tiếp từ Trung Quốc rằng quan hệ đối tác không gian với Nga đã dần lỏng lẻo.

"Chúng ta không thể kết luận rằng mối quan hệ không gian Trung - Nga đang căng thẳng do vụ tai nạn Luna-25. Dựa trên ý kiến mà ông Tập Cận Bình cho biết trong chuyến thăm Moscow vào tháng 3, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc tiếp tục coi Nga là đối tác lớn quan trọng", Namrata Goswami bình luận.

Bà cho rằng sự điều chỉnh tinh tế trong bài thuyết trình của Yu Dengyun có thể giống "một động thái chiến lược của Trung Quốc nhằm thuyết phục các quốc gia đối tác khác tham gia ILRS".

Vào tháng 8.2023, một phái đoàn Trung Quốc do Wu Weiren, nhà thiết kế trưởng chương trình thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc dẫn đầu, đã được mời tham dự sự kiện phóng Luna-25 ở Nga.

Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội hồi tháng 10.2023, Roscosmos cho biết nguyên nhân gây ra vụ tai nạn Luna-25 là do hoạt động bất thường của máy tính trên tàu vũ trụ.

Đây là sứ mệnh lên Mặt trăng đầu tiên của Nga kể từ Luna-24 năm 1976, thời Liên Xô.

Cuối tháng 11.2023, trang Sputnik đưa tin chính phủ Nga đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc xây dựng trạm nghiên cứu chung trên Mặt trăng.

Theo kế hoạch, Roscosmos và Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) là hai đối tác chủ lực của dự án. Tuy nhiên, Trung Quốc lẫn Nga đều cho biết "cửa vẫn mở rộng" cho những đối tác nước ngoài nếu họ có ý định tham gia vào dự án giữa hai nước trong tương lai.

Dự án được triển khai theo ba giai đoạn. Đầu tiên, Roscosmos và CNSA điều chỉnh các sứ mệnh Mặt trăng theo hướng cùng phối hợp khám phá, xác định vị trí tốt nhất để đặt trạm không gian trên bề mặt vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, tiến hành xác minh các công nghệ nhằm đảm bảo khâu hạ cánh chính xác, an toàn lên Mặt trăng. Trong giai đoạn này, Nga được cho lên kế hoạch sử dụng tàu đổ bộ Luna-Glob.

Giai đoạn 2 hướng đến việc thiết lập trung tâm kiểm soát đối với trạm Mặt trăng, vận chuyển hàng hóa và thiết lập các mô đun trên quỹ đạo nhằm cung cấp năng lượng, dịch vụ viễn thông và dịch vụ vận tải cho trạm Mặt trăng.

Giai đoạn 3 là kế hoạch thám hiểm bề mặt Mặt trăng, mở rộng chức năng của những mô đun và hỗ trợ các đối tác quốc tế đưa con người đặt chân lên Mặt trăng.

Theo tài liệu do Nga và Trung Quốc ký kết, hàng hóa vận chuyển lên Mặt trăng trong dự án sẽ được miễn thuế hải quan và các loại thuế khác.

Việc đóng tàu Luna-Glob và Luna-Resurs-1 sẽ được thực hiện trong khuôn khổ của chương trình không gian Nga.

Trước đó, Sputnik đưa tin việc xây dựng trạm nghiên cứu Mặt trăng của Nga và Trung Quốc có thể hoàn tất trong khung thời gian từ năm 2035 đến 2040.

Bài liên quan
NASA cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận mẫu Mặt trăng từ Trung Quốc, bỏ qua lệnh cấm của Mỹ
Các nhà nghiên cứu của NASA đã được phép nhận mẫu vật Mặt trăng của Trung Quốc trong sự hợp tác đầu tiên thuộc loại này giữa cơ quan vũ trụ hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga: ‘Hợp tác với Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng’