Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là quý 3 cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp.
Tăng trưởng cao do cùng kỳ giảm sâu
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11.10, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là quý 3 cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý 3/2021 GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7 - 5,2%, mục tiêu là 5,5%) mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2%.
Các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Việc “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30.9.2022 chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục được triển khai theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 nhưng kết quả chưa rõ nét, mới chỉ dừng ở phê duyệt phương án, triển khai thực hiện còn chậm, chưa đi vào thực chất.
Báo cáo cũng nêu, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án; tiến độ lập quy hoạch điện 8 rất chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là với tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.
Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng. Đến cuối tháng 7.2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%.
Tình trạng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác; nhiều công chức, viên chức trong ngành y tế, giáo dục thôi việc hoặc bỏ việc gây lo ngại trong dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, còn những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh.
“Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoản”, báo cáo nêu.
Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát
Ủy ban Kinh tế cho rằng tình hình kinh tế thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong khi lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, tính bất định gia tăng do xung đột tại Ukraine có thể kéo dài...
Về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%. Đồng thời xem xét, đánh giá kỹ việc xây dựng dự toán thu NSNN; tính khả thi của chỉ tiêu số bác sĩ và số giường bệnh trên 1 vạn dân; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Theo Ủy ban Kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế; thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán; tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất (2%)...
Ngoài ra, duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thị trường bất động sản.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường làm việc, khắc phục sớm tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng, có giải pháp, chế tài xử lý kịp thời, nghiêm minh và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng; khẩn trương hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật, thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá, điều chỉnh định mức giá cho sát thị trường…