Công ty Anh Emergex chuẩn bị thử nghiệm loại vắc xin COVID-19 dạng miếng dán, tạo tế bào T và đem lại khả năng miễn dịch lâu dài hơn các loại vắc xin hiện tại.
Vắc xin tạo tế bào T là sản phẩm trí tuệ của giáo sư Thomas Rademacher thuộc trường Y đại học Luân Đôn (UCL) – giám đốc điều hành Emergex.
Loại vắc xin nêu trên tạo ra tế bào T để nhanh chóng loại bỏ tế bào nhiễm vi rút khỏi cơ thể, qua đó ngăn chặn vi rút nhân lên phát triển thành bệnh. Các loại vắc xin hiện tại chủ yếu tạo kháng thể bám vào vi rút và ngăn chúng lây nhiễm vào tế bào, vắc xin Pfizer cùng vắc xin AstraZeneca cũng giúp tạo tế bào T nhưng ở số lượng ít hơn.
Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ đã cho phép Emergex tiến hành thử nghiệm ban đầu trên người ở thành phố Lausanne. Dự kiến 26 người được tiêm liều lượng khác nhau bắt đầu từ tháng 1.2022, kết quả sẽ có vào tháng 6.
Theo ông Robin Cohen – giám đốc thương mại của Emergex: “Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý đồng ý đưa một vắc xin COVID-19 tạo tế bào T mục tiêu cho trường hợp cơ thể không có phản ứng kháng thể vào thử nghiệm lâm sàng. Tế bào T sẽ tìm và tiêu diệt tế bào trước khi vi rút mới được tạo ra”.
Kháng thể thường suy yếu theo thời gian, nên mọi người đều phải tiêm tăng cường để duy trì khả năng chống lại vi rút. Vắc xin tạo tế bào T vì hoạt động theo cơ chế khác (tiêu diệt tế bào nhiễm vi rút) nên có thể đem lại khả năng miễn dịch lâu dài hơn (thậm chí hàng chục năm) và chống được nhiều biến chủng.
Là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, tế bào T chia thành loại hỗ trợ (helper T) và loại tiêu diệt (killer T). Khi tìm thấy protein vi rút, tế bào T hỗ trợ giải phóng tín hiệu hóa học kích hoạt những thành phần miễn dịch khác hoạt động trong đó có tế bào T tiêu diệt xử lý tế bào nhiễm vi rút.
Phân tích kết quả xét nghiệm của 731 nhân viên y tế thuộc 2 bệnh viện tại London, một nhóm nhà khoa học UCL phát hiện nhiều trường hợp không cho kết quả dương tính cũng như không tạo ra kháng thể dù rất có khả năng đã tiếp xúc mầm bệnh, nhưng cơ thể họ vẫn sản sinh lượng lớn tế bào T. Từ đây họ rút ra kết luận tế bào T đã giúp loại bỏ vi rút ở giai đoạn sớm nhất – một phát hiện mở đường cho phát triển vắc xin COVID-19 nhắm vào cơ chế tạo tế bào T.
Tháng 4 năm nay, Viện nghiên cứu quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID) công bố phát hiện tế bào T phản ứng chống lại vi rút gây COVID-19 chủng ban đầu dường như cũng bảo vệ được con người trước 3 biến thể đáng lo ngại Alpha, Beta, Gamma.
Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann thuộc đại học Hoàng gia Luân Đôn nhận định vắc xin tạo tế bào T có thể đóng vai trò bổ trợ cho vắc xin tạo kháng thể.
“Kháng thể rất nhạy cảm với các đột biến, còn tế bào T phát hiện được nhiều phần khác của vi rút”, giáo sư Altmann cho biết.
Không chỉ khác biệt về cơ chế hoạt động, vắc xin mà Emergex chuẩn bị thử nghiệm còn khác biệt về cách thức đưa vào cơ thể: một miếng dán nhỏ cỡ đầu ngón tay mang những đầu kim siêu nhỏ giải phóng vắc xin chỉ trong vài giây. Nó có thể được bảo quản đến 3 tháng ở nhiệt độ phòng chứ không cần tủ trữ lạnh chuyên dụng.
Theo khung thời gian thông trường, vắc xin trên phải đến năm 2025 mới được tung ra thị trường. Tình thế cần gấp vắc xin COVID-19 đã qua đi.
Vắc xin dạng miếng dán hoặc vắc xin xịt mũi có thể là giải pháp hiệu quả cho vấn đề vận chuyển - phân phối vắc xin. Một số đơn vị Mỹ, Nga, Trung Quốc, Singapore đều đang nỗ lực phát triển vắc xin dạng xịt.