Những lo ngại về an toàn với vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) cùng nhu cầu tiêm vắc xin đang bị đánh dấu đã khiến quá trình triển khai tại Mỹ chậm lại, khiến gần một nửa trong số 21 triệu liều được sản xuất cho nước này không được sử dụng.

Vắc xin J&J tiêm 1 mũi thừa mứa ở Mỹ, sắp hết hạn 13 lô sau khi bị tạm dừng vì vấn đề an toàn

Nhân Hoàng | 07/06/2021, 20:41

Những lo ngại về an toàn với vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) cùng nhu cầu tiêm vắc xin đang bị đánh dấu đã khiến quá trình triển khai tại Mỹ chậm lại, khiến gần một nửa trong số 21 triệu liều được sản xuất cho nước này không được sử dụng.

Vắc xin của Johnson & Johnson được cho là công cụ quan trọng để tiếp cận các vùng nông thôn và những người Mỹ đang do dự về vắc xin vì chỉ cần tiêm một mũi và có yêu cầu bảo quản ít nghiêm ngặt hơn so với vắc xin hai liều của Pfizer - BioNTech và Moderna.

Thế nhưng, đa số người Mỹ tránh sử dụng vắc xin của Johnson & Johnson trong 6 tuần để chờ kết quả nghiên cứu một vấn đề an toàn hiếm gặp. Mới đây, nó đã được sử dụng trở lại sau một thời gian tạm dừng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và các quan chức y tế cùng dược sĩ trong 8 bang.

Chúng tôi đã đi từ việc có một danh sách chờ để tiêm cho ai đó sang có thể có một mũi tiêm hoặc bốn mũi trong một ngày. Họ lo lắng cho sự an toàn của họ. Tôi nghĩ đó là trở ngại lớn nhất lúc này", Michelle Vargas, chủ sở hữu hiệu thuốc Lamar Family Pharmacy ở thị trấn Lamar, Nam Carolina, nói về nhu cầu sụt giảm với Johnson & Johnson trong cộng đồng nhỏ nông thôn.

Trong tuần kết thúc vào ngày 25.5, dưới 650.000 người Mỹ đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson, chiếm khoảng 5% tổng số lượng tiêm chủng được thực hiện và giảm so với gần 3 triệu trong tuần trước khi tạm dừng sử dụng vắc xin này, dữ liệu của CDC cho thấy.

Nhu cầu với tất cả các loại vắc xin đã chậm lại kể từ giữa tháng 4.2021, nhưng sự sụt giảm mạnh hơn đáng kể với việc tiêm chủng Johnson & Johnson.

Sự chậm lại có thể có nghĩa là một số liều Johnson & Johnson sẽ hết hạn sử dụng vào thời điểm nhu cầu toàn cầu về bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào đang ở mức cao. Vắc xin Johnson & Johnson sẽ nằm trong số 25 triệu liều Mỹ chia sẻ với thế giới, được Nhà Trắng công bố hôm 3.6.

vac-xin-tiem-1-mui-cua-jj-thua-mua-va-sap-het-han-13-lo-sau-khi-bi-tam-dung-su-dung.jpg
Một hộp vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson được nhìn thấy tại trung tâm tiêm chủng

Theo trang web của Johnson & Johnson, ít nhất 13 lô vắc xin có hạn sử dụng đến ngày 27.6 hoặc sớm hơn. Chưa rõ 13 lô gồm tổng cộng bao nhiêu liều nhưng vắc xin này có hạn sử dụng 3 tháng và hầu hết các liều đã xuất xưởng vào đầu tháng 4, bao gồm 11 triệu liều trong tuần đầu tiên của tháng. Johnson & Johnson có trong tay 100 triệu vắc xin khác nhưng thời gian vận chuyển là không chắc chắn.

Người phát ngôn Johnson & Johnson từ chối bình luận về số liều vắc xin hết hạn trước cuối tháng 6.

Johnson & Johnson đang làm việc với chính phủ Mỹ và các cơ quan y tế để nhận hỗ trợ việc sử dụng vắc xin của họ, gọi đây là công cụ quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19, người phát ngôn công ty cho biết.

Chúng tôi vẫn cam kết giúp chấm dứt đại dịch chết người này càng nhanh càng tốt”, Johnson & Johnson nói.

'Hãy tiếp tục với Pfizer và Moderna'

CDC cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tạm dừng sử dụng vắc xin Johnson & Johnson trong gần hai tuần từ giữa tháng 4 để điều tra mối liên hệ với các trường hợp mắc một tình trạng rất hiếm gặp, có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), liên quan đến cục máu đông và số lượng tiểu cầu thấp.

Các cơ quan quản lý quyết định rằng lợi ích của vắc xin lớn hơn nguy cơ. Tình trạng này cũng có liên quan đến vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, dùng cùng công nghệ vector virus như Johnson & Johnson.

David Kohll, Dược sĩ tại Kohll's Pharmacy có 6 địa điểm bán thuốc ở bang Nebraska, cho biết trước khi rộ tin về vấn đề an toàn, một số công ty đã sắp xếp để ông cung cấp vắc xin Johnson & Johnson cho nhân viên..

David Kohll nói: "Một số trong số họ là các công ty vận tải đường bộ và một số khác có nhiều nhân viên cổ lỗ sĩ hơn hoặc khó gần. Họ muốn chúng tôi gửi tất cả vắc xin là Johnson & Johnson để tiêm. Song sau khi tạm dừng vì vấn đề an toàn, có lẽ 80% trong số họ nói rằng: Hãy tiếp tục với Pfizer và Moderna".

Trong thời gian tạm dừng, các quan chức y tế công cộng nhận thấy vắc xin Pfizer và Moderna là sản phẩm thay thế thích hợp trong các phòng khám di động nơi họ từng sử dụng Johnson & Johnson.

Tiến sĩ Karen Landers, quan chức y tế công cộng ở bang Alabama, cho biết: “Một khi chúng tôi tiêm cho họ liều đầu tiên, họ sẽ quay lại tiêm liều thứ hai”.

Theo dữ liệu của bang và CDC, việc sử dụng mũi tiêm Johnson & Johnson đã giảm ở bang như Wyoming và Alabama với tỷ lệ tiếp nhận vắc xin thấp và tại nơi như Maine hay Oregon, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Dù vậy, không phải ai cũng thấy nhu cầu về vắc xin Johnson & Johnson giảm mạnh. Richard Stryker, người điều hành Bayshore Pharmacy ở thị trấn Atlantic Highlands, bang New Jersey, nhận thấy rất nhiều sự quan tâm với vắc xin Johnson & Johnson, đặc biệt là từ những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh đông máu thấp hơn và thích tiêm một lần.

vac-xin-tiem-1-mui-cua-jj-thua-mua-va-sap-het-han-13-lo-sau-khi-bi-tam-dung-su-dung2.jpg
Người phụ nữ được tiêm vắc xin Johnson & Johnson tại một ga tàu điện ngầm ở quận Brooklyn, thành phố New York  ngày 12.5

Johnson & Johnson cho biết hiện không bán vắc xin này vì lợi nhuận. Nhà phân tích Danielle Antalffy của SVB Leerink nói nhu cầu thấp hơn trong năm nay là không quan trọng với vấn đề tài chính của Johnson & Johnson.

Thế nhưng, các đối thủ cạnh tranh với Johnson & Johnson như Pfizer - BioNTech và Moderna có thể được hưởng lợi khi các nước phát triển ký kết các thỏa thuận trong tương lai cho các mũi tiêm tăng cường. Chỉ riêng thỏa thuận tại Liên minh châu Âu (EU) của Pfizer - BioNTech có thể trị giá ít nhất 16 tỉ USD đến năm 2023 dựa trên giá hiện tại.

Việc triển khai vắc xin Johnson & Johnson cũng có những vấp váp khác. Trong tháng 3.2021, khoảng 15 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson đã bị hỏng vì lỗi của nhân viên trong nhà máy của Emergent BioSolutions ở thành phố Baltimore, bang Maryland, theo tờ The New York Times. Cụ thể hơn, các công nhân đã mắc sai sót khi trộn lẫn các thành phần của 2 loại vắc xin COVID-19 khác nhau (Johnson & Johnson và AstraZeneca), làm hỏng toàn bộ lô hàng 15 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson. Điều làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao vắc xin cho chính phủ Mỹ trong tháng 4. Nhà máy của Emergent BioSolutions vốn cùng lúc sản xuất vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson lẫn AstraZeneca.

Sau đó, chính quyền Biden đã ra lệnh cho nhà máy ở thành phố Baltimore ngưng sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Thay vào đó, nhà máy này chỉ tập trung sản xuất vắc xin Johnson & Johnson. Chính quyền Biden đã giao hãng Johnson & Johnson phụ trách nhà máy sản xuất đó.

Dù vậy, không có liều mới nào của vắc xin Johnson & Johnson được phân phối ở Mỹ kể từ giữa tháng 5.2021.

Các nhà quản lý Mỹ đang quyết định xem liệu có an toàn khi tung ra 100 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson được sản xuất tại nhà máy này hay không. Nhu cầu tiêm vắc xin của Mỹ đang giảm dần có thể cung cấp thêm sự linh hoạt để quyên góp cho thế giới hàng triệu liều.

Hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson trong thử nghiệm lâm sàng thấp hơn Pfizer và Moderna. Vắc xin của Johnson & Johnson đạt hiệu quả 66.3% trong các thử nghiệm lâm sàng phòng ngừa bệnh COVID-19 ở người chưa có bằng chứng nhiễm bệnh trước đó, được xác nhận ở phòng thí nghiệm. Mọi người có bảo vệ tốt nhất 2 tuần sau khi tiêm chủng.

Vắc xin của Johnson & Johnson có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình hình nhập viện và tử vong ở những người đã bị bệnh.

Bằng chứng ban đầu cho thấy vắc xin Johnson & Johnson có thể giúp bảo vệ khỏi tình trạng lây nhiễm không triệu chứng.

Bài liên quan
Israel, Qatar, Malta dần thoát COVID-19 nhờ tiêm vắc xin Pfizer, Chile dùng vắc xin Trung Quốc vẫn bùng dịch
Sự bùng phát COVID-19 sẽ bắt đầu giảm dần ở những nước mà phần lớn dân số được tiêm vắc xin. Thế nhưng, điều đó không xảy ra ở mọi nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin J&J tiêm 1 mũi thừa mứa ở Mỹ, sắp hết hạn 13 lô sau khi bị tạm dừng vì vấn đề an toàn