Đối với đề xuất áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội, các luật sư cho rằng không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng như điều kiện bất khả kháng.

VACC đề xuất được áp dụng quy định “bất khả kháng”, luật sư nói gì?

Lam Thanh - Huyền Trang | 22/08/2021, 06:20

Đối với đề xuất áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội, các luật sư cho rằng không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng như điều kiện bất khả kháng.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có văn bản kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho nhà thầu xây dựng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Không riêng VACC, nhiều doanh nghiệp cũng có chung mối quan tâm này, bởi đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp ở các yếu tố cung - cầu, doanh thu, lợi nhuận, nhân sự… mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng với đối tác. Không ít tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng có liên quan đến COVID-19 cũng đã xảy ra.

Trong trường hợp các hợp đồng thi công bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như nêu trên, các bên có thể chủ động thương lượng, thỏa thuận để cùng sửa đổi hợp đồng cho phù hợp hơn. Tuy vậy, một bên đưa ra đề nghị sửa đổi hợp đồng, dù là lý do ảnh hưởng bởi COVID-19, không có nghĩa là bên còn lại phải chấp nhận đề nghị sửa đổi hợp đồng đó.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về trường hợp áp dụng sự kiện bất khả kháng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty SBLaw cho biết dưới ảnh hưởng của COVID-19, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc thực hiện và đảm bảo hợp đồng giữa các bên.

Theo ông Hà, với lý do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 mà các bên đã lường trước được việc này nên việc các chủ doanh nghiệp lợi dụng COVID-19 là một sự kiện bất khả kháng là không hợp lý. Do đó nên việc một bên hoặc các bên sẽ không có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp này.

“Nếu những hậu quả xảy ra dù trước đó đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể khắc phục được thì hoàn toàn có thể coi dịch bệnh COVOD-19 là sự kiện bất khả kháng. Nếu muốn không phải bồi thường thì bên gây thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể giải quyết cũng như phải báo cho bên bị thiệt hại biết trước”, ông Hà nêu.

Theo luật sư Hà, khoản 2 Điều 420 BLDS 2015 quy định rằng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra, BLDS 2015 đã ghi nhận và trao quyền đàm phán lại hợp đồng cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng. Khi đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng cho phù hợp với thực tế và cân bằng lợi ích của hai bên.

nth-3.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty SBLaw

Khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Tuy nhiên, bên nhận được lời yêu cầu đàm phán lại có nghĩa vụ phải đàm phán lại hay không thì luật lại không quy định rõ.

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng BLDS năm 2015 đã có quy định một sự kiện được coi là bất khả kháng tại khoản 1 Điều 156: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".

Ông Đại cho rằng hiện nay, hầu như doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do vậy, nếu cứ viện dẫn dịch COVID-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch COVID-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng. Để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 351 BLDS, theo ông Đại, doanh nghiệp phải chứng minh được nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được do bất khả kháng.

“Họ phải chứng minh được 3 yếu tố của sự kiện bất khả kháng trong quy định trên. Điều quan trọng là phải chứng minh được rằng nghĩa vụ của họ không thể thực hiện được và việc không thể thực hiện được này có nguyên nhân trực tiếp từ dịch COVID-19”, ông Đại nói.

Luật sư Đại chia sẻ, trong thực tế mặc dù có dịch COVID-19 và thậm chí có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giãn cách xã hội do dịch COVID-19, một số công trình xây dựng vẫn tiếp tục được thi công (khi đáp ứng điều kiện về y tế) nên trong trường hợp đó, doanh nghiệp xây dựng không thể viện dẫn dịch COVID-19 như sự kiện bất khả kháng để được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Ngược lại, nếu vì dịch COVID-19 mà cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định dừng hoạt động từ đó doanh nghiệp xây dựng không thể tiếp tục thi công (không có cách nào khác là dừng việc thi công), doanh nghiệp có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để miễn thực hiện nghĩa vụ/miễn trách nhiệm khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền như nêu trên là không lường trước được.

Ông Đại nhấn mạnh rằng một khi hợp đồng được xác lập hợp pháp, đó là ‘luật’ ràng buộc các bên, các bên phải thực hiện nó và đó là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vì thế, việc chấm dứt/hủy bỏ hợp đồng là một giải pháp rất nghiêm trọng, một bên không thể tùy tiện áp dụng.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng giải pháp cho vấn đề này là trường hợp thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng là một quy định rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp, tạo thêm giải pháp giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn nhất định.

thi-cong.png
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng kiến nghị được áp dụng sự kiện bất khả kháng

Ông Vũ cho hay, theo khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Điểm b khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015 cũng quy định trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Ông Vũ cho hay, theo quy định này, nếu một bên muốn đơn phương sửa đổi hợp đồng do đàm phán sửa đổi hợp đồng bất thành thì phải yêu cầu tòa án thực hiện việc sửa đổi với điều kiện là trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Điều cần phải làm rõ là COVID-19 có phải là hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không. Việc đánh giá các điều kiện của hoàn cảnh thay đổi cơ bản phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể của mỗi hợp đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VACC đề xuất được áp dụng quy định “bất khả kháng”, luật sư nói gì?