Hầu hết các quốc gia đều coi việc cải thiện năng lực y tế và tiêm chủng vắc xin là giải pháp trọng tâm, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Giải pháp vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế: Vắc xin và hỗ trợ doanh nghiệp phải là trọng tâm

Lam Thanh | 22/08/2021, 06:05

Hầu hết các quốc gia đều coi việc cải thiện năng lực y tế và tiêm chủng vắc xin là giải pháp trọng tâm, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Vắc xin là giải pháp trọng tâm

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế, hầu hết các quốc gia đều coi việc cải thiện năng lực y tế và tiêm chủng vắc xin là giải pháp trọng tâm, có tính quyết định. Đồng thời, các nước thúc đẩy áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để tháo gỡ rào cản di chuyển.

Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ được thực hiện có trọng tâm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 và các ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi nhanh, ứng dụng công nghệ số. Trong khu vực doanh nghiệp hướng đến ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo NCIF, các quốc gia thực hiện đồng thời các biện pháp ngắn hạn và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trong đó, xu hướng chung trong dài hạn là hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là tăng trưởng xanh và kinh tế số (như tại EU, Nhật Bản, Singapore).

Khuyến nghị một số giải pháp bảo vệ và phục hồi nền kinh tế cho Việt Nam, NCIF đề xuất cần thực hiện chiến lược vắc xin phù hợp, tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến trình mua và tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đây được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính quyết định.

Ngoài các lực lượng tuyến đầu chống dịch, NCIF cho rằng cần đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho lao động trong các ngành công nghiệp quan trọng (dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến thực phẩm) tại các khu công nghiệp ở các địa phương đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương. Đây cần được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để phục hồi sản xuất, duy trì động lực tăng trưởng lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

vac-xin-4.jpg
Vắc xin có vai trò nòng cốt trong việc khống chế dịch và phục hồi kinh tế

Theo NCIF, cần xem xét, nghiên cứu khả năng áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để từng bước tháo gỡ rào cản di chuyển, kích thích du lịch nội địa. Trong trường hợp tiêm chủng được thúc đẩy nhanh hơn, có thể nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, cho phép người dân di chuyển, tạo điều kiện khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa và từng bước tính tới khả năng mở cửa cho khách du lịch quốc tế.

Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách bảo lãnh các rủi ro

Về hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, NCIF đề nghị nghiên cứu giảm chi phí thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thanh kiểm tra; giảm chi phí lãi vay, logistics (giãn, miễn phí BOT), giảm giá điện (theo nhóm ngành hoặc theo địa bàn trọng điểm)…

Theo NCIF, Nhà nước nên đóng vai trò lớn hơn với tư cách là “người bảo lãnh các rủi ro” đối với các khoản vay của doanh nghiệp. Thậm chí có thể sử dụng các gói cứu trợ tài khóa để bảo lãnh cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 giống như nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Đồng thời, Nhà nước cần giãn, miễn giảm thế cho các doanh nghiệp một cách thực chất hơn. Nghiên cứu để ưu tiên các biện pháp giãn thuế hơn là miễn thuế thu nhập. Nếu áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đối tác thụ hưởng phần nhiều sẽ là những đối tượng ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Song song với đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho những ngành xuất khẩu chủ lực.

Đặc biệt, theo NCIF, cần tái cơ cấu doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử số, kinh tế số.

Một giải pháp quan trọng khác là tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; rà soát, giảm số lượng dự án khởi công mới, cắt bỏ những dự án chưa cần thiết và kém hiệu quả…

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Trong dài hạn, NCIF cho rằng cần tìm kiếm, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng; hình thành chuỗi và tăng cường vai trò các vùng động lực/các cực tăng trưởng. Tăng cường liên kết vùng/ngành, phát triển kinh tế dựa trên phát huy tối đa tiềm năng các vùng.

Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng nên tập trung phát triển những ngành công nghệ cao, vùng Đông Nam Bộ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó hướng ưu tiên hơn vào các ngành chế biến nông sản…

NCIF đánh giá, bài học từ dịch COVID-19 cho thấy nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử và ô tô đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, dẫn tới phải tạm ngừng sản xuất khi dịch bùng phát tại Trung Quốc. Do đó, cần tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tăng cường năng lực cung ứng trong nước, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

kinh-te.jpg
Chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao

Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Nếu có những chính sách tốt, với vị trí địa lý thuận lợi, giá nhân công rẻ sẵn có, Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế vai trò sản xuất của Trung Quốc cho các tập đoàn đa quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với đó là ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển đổi số, có công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong nước, có tác động chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, cần chủ động đón đầu sự chuyển dịch các dòng vốn đầu tư chất lượng cao đến từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc.

Một giải pháp nữa mà NCIF kiến nghị là thúc đẩy chuyển đổi số, đầu tư công nghệ số để kiểm soát dịch bệnh; số hóa các dịch vụ công. Đồng thời mạnh dạn thử nghiệm các dịch vụ mới, sản phẩm mới có tính cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới…

Trong đó, đặc biệt phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo được bước “đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi”, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghệ sinh học, chất bán dẫn cao cấp, hệ điều hành, bộ xử lý máy tính và điện toán đám mây…

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế: Vắc xin và hỗ trợ doanh nghiệp phải là trọng tâm