Trong cuộc sống, ta thường phải chứng kiến vẫn có không ít người luôn “xé rào”, không chịu xếp hàng, cứ chen ngang khiến cho những người chấp hành việc xếp hàng cảm thấy khó chịu.
Câu chuyện văn hóa

Văn hóa xếp hàng

Nguyễn Long 09/02/2024 19:54

Trong cuộc sống, ta thường phải chứng kiến vẫn có không ít người luôn “xé rào”, không chịu xếp hàng, cứ chen ngang khiến cho những người chấp hành việc xếp hàng cảm thấy khó chịu.

Xếp hàng là một nếp sinh hoạt, một thói quen mà bất cứ ai trong mỗi chúng ta đều được giáo dục và thực hiện từ nhỏ, bởi việc này ngay từ thời học mẫu giáo, các cô đã dạy trẻ phải lần lượt xếp hàng để điểm danh, nhận đồ chơi, đồ ăn... Rồi lên bậc tiểu học, cấp 2, cấp 3, thậm chí vào trường đại học rồi thì việc xếp hàng mỗi người vẫn phải thường xuyên thực hiện, để tránh sự lộn xộn, nhốn nháo...

Xếp hàng là việc rất đơn giản, không khó khăn gì khi người nọ cứ tiếp nối đứng đằng sau người kia để thực hiện, hay làm một công việc gì đó ở nơi công cộng. Thế nhưng, dẫu việc này được dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục từ nhỏ nhưng khi trưởng thành vẫn có không ít người luôn “xé rào”, không chịu xếp hàng, cứ chen ngang khiến cho những người chấp hành việc xếp hàng cảm thấy khó chịu.

Hồi cuối tháng 12.2023, tại sân bay Nội Bài, trong lúc check-in để làm thủ tục bay vào TP.HCM, tôi cùng nhiều người đang trật tự xếp hàng chờ tới lượt mình đã vô cùng bức xúc vì vài trường hợp không chịu xếp hàng. Họ cố tình chen ngang lên đứng trước những người đã, đang xếp hàng từ trước đó, giành làm thủ tục trước. Mặc dù nhận được những ánh mắt không thiện cảm cùng những lời nhắc nhở phải quay xuống cuối để xếp hàng nhưng một anh chàng đi cùng với cô gái trẻ vẫn “mặt dày” không chịu nghe, vẫn cố chen lên trước. Lúc này, có một bác đã lớn tuổi đang đứng trong hàng ở phía trước tôi đã nhắc nhở, thậm chí là buông những lời “mắng” nhưng chàng trai và cô gái kia cứ bỏ ngoài tai, thậm chí cô gái còn quăng ánh mắt đầy vẻ hằn học về người lớn tuổi kia vì đã mắng họ.

Thực ra trường hợp không chịu nghiêm túc xếp hàng, thể hiện thái độ, hành vi vô văn hóa, kém văn minh không chỉ diễn ra ở sân bay, nhà ga, bến xe... mà còn ở rất nhiều nơi công cộng, như nơi rút tiền, quầy thanh toán của siêu thị...

Chúng ta đều biết, các cây ATM thường có nhiều thời điểm rất đông người chờ rút tiền, nhất là cây ATM tại khu dân cư đông đúc, gần khu công nghiệp..., nên hình ảnh dòng người xếp hàng dài đứng đợi khá quen mắt. Hầu hết tự hiểu, người tới trước đứng xếp hàng phía trước sẽ là người được rút tiền trước. Nhưng đâu phải ai cũng tuân thủ nghiêm chỉnh như vậy, bởi trên thực tế vẫn còn không ít người tới sau cứ chen ngang, chả thèm đếm xỉa gì tới người khác. Thay vì xuống cuối hàng để xếp hàng chờ đến lượt mình, họ chen lên sát cây ATM để chờ và khi người bên trong vừa rút tiền xong thì nhào vào.

Có lần tôi đi siêu thị, chủ nhật người mua sắm rất đông, vì vậy sau khi lựa hàng xong, ai tới quầy thanh toán cũng phải đợi khá lâu. Khi phía trước chỉ còn 2 người nữa là tới lượt tôi trả tiền thì bất thình lình một bà tuổi trung niên chen vào đứng trước mặt tôi. Tôi nhắc bà cần xuống xếp hàng vì nhiều người đã đợi lâu, bà ta không nói năng gì, còn lườm tôi vẻ khó chịu. Biết gặp phải người có ý thức kém, lại rất lì lợm nên tôi không chấp, định mặc cho bà ta tính tiền trước, nhưng nhân viên siêu thị rất kiên quyết, mời bà ta xuống thực hiện đúng quy định.

Chúng ta thường rất ấn tượng với người Nhật Bản, Hàn Quốc hay công dân của nhiều nước khác trên thế giới, khi mà ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào tại những nơi công cộng người ta đều tuân thủ việc xếp hàng một cách rất quy củ, trật tự, tuyệt nhiên không chen lấn, xô đẩy...

Nghĩ về chuyện xếp hàng ở nước mình mà chạnh buồn, khi vẫn còn có quá nhiều người không thể, hoặc không chịu thực hiện việc rất đơn giản, nhỏ nhoi nhưng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa xếp hàng