Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ngoại thành, chính vì thế ký ức tuổi thơ tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm, những hình ảnh thân thuộc, mộc mạc và bình dị ngày thường cũng như ngày tết.
Câu chuyện văn hóa

Trở về ký ức tuổi thơ với những phiên chợ quê ngày tết

Trịnh Viết Hiệp 14:11 09/02/2024

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ngoại thành, chính vì thế ký ức tuổi thơ tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm, những hình ảnh thân thuộc, mộc mạc và bình dị ngày thường cũng như ngày tết.

Kỷ niệm bao giờ cũng luôn đẹp và nên thơ, dù đó có là kỷ niệm vui hay buồn. Với tôi, cũng như bao đứa trẻ thôn quê thì kỷ niệm về những buổi được theo bà theo mẹ đi chợ, nhất là trong các phiên chợ tết ngày cuối năm đông vui tấp nập luôn là niềm vui sướng tột cùng với ký ức đẹp đẽ khó có thể mờ phai...

Nếu như ở thành phố, sẽ chẳng nói làm gì, bởi lẽ ở đó chợ truyền thống luôn họp mỗi ngày; đó còn chưa nói sau đó siêu thị mọc lên như nấm, vì thế chuyện mua sắm hàng hóa của người dân khá đơn giản, thuận tiện. Thế nhưng quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác ở vào thời điểm cách đây vài ba thập niên, thì chợ họp theo phiên, nghĩa là chợ sẽ được họp vào những ngày nhất định nào đấy trong tuần, trong tháng. Ví dụ, nơi dân cư đông đúc và nhu cầu mua sắm và trao đổi hàng hóa lớn, thì khoảng cách giữa mỗi phiên chợ chỉ từ 2 - 3 ngày; còn nếu các làng quê thưa thớt, dân cư ít thì các phiên chợ thường cách nhau tới 5 ngày, thậm chí 7 ngày.

Vậy nhưng, có ngày duy nhất trong năm mà tất cả chợ quê đều… phá lệ để họp đầy đủ, là ngày 30 tết - ngày cuối cùng của năm âm lịch. Sở dĩ như vậy vì ngày cuối cùng này nhà ai cũng cần mua bán, trao đổi rất nhiều loại sản phẩm hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng mấy ngày Tết Nguyên đán cũng như những ngày đầu năm mới. Vì lẽ đó nên chợ quê ngày 30 tết bao giờ cũng là phiên chợ đông đúc nhất, nhiều hàng hóa nhất và xôm tụ nhất…

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ tôi ngày ấy, năm nào cũng vậy cứ sắp sửa tới tết là tôi cũng như lũ trẻ con trong xóm dưới làng luôn rất háo hức, nôn nao đợi chờ bởi được bà, mẹ, hay anh chị hứa cho đi chợ tết. Thường thì hứa từ mấy hôm trước nên tôi cứ háo hức, mong mỏi ngày 30 tết đến thật nhanh. Đêm trước hôm đi phiên chợ tết cuối năm, thường bọn trẻ con không ngủ được vì vui sướng, thao thức và hồi hộp.

Mới tờ mờ sáng, khi sương còn nặng hạt, cái lạnh còn tái tê, mọi người trong xóm ngoài làng đã thức giấc, í ới gọi, rủ nhau đi chợ, tiếng nói tiếng cười rộn rã khắp đường làng. Ngày 30 tết, nhà ai cũng có người đi chợ, bọn trẻ đều được đi theo, không khí vui vẻ, đông đúc nhộn nhịp chẳng khác gì đi trẩy hội mùa xuân.

Niềm vui sướng của tôi cũng như bọn trẻ quê trong những lần được đi chợ tết cùng bà, cùng mẹ ấy là không chỉ được ngắm nhìn chợ, được chơi chợ…, mà còn chắc chắn được bố mẹ anh chị mua cho quần áo mới, quà bánh, đồ chơi, pháo và nhiều thứ khác nữa. Lúc chợ tan, trên đường trở về, ruộng lúa xuân hai bên đường xanh mơn mởn, người lớn thì gồng gánh, khiêng vác đồ đã mua sắm, còn trẻ con tung tăng thỏa thích vừa đi vừa ăn biết bao nhiêu là quà: bỏng ngô, kẹo bột, bánh rán, mía, táo, quýt cam, bưởi bòng…

Phiên chợ tết quê tôi họp ở một xã khác trong huyện, cách làng tôi sinh sống khoảng gần chục cây số, vì vậy dân làng ai cũng phải đi thật sớm để đến chợ mua sắm cho kịp về làm mâm cỗ cúng ông bà tiên tổ ngày tất niên. Thời ấy rất ít gia đình có xe đạp, thậm chí ai sắm một chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ đã được xem là khá giả, nên hầu hết người dân quê đều đi bộ tới chợ. Chợ họp trên một khu đất trống rộng mấy mẫu, vậy mà ngày 30 tết người bán kẻ mua chen kín, đặc những người. Chợ Tết năm nào cũng đông vui tấp nập như vậy, vì ngoài nhu cầu mua sắm thì không ít người vẫn có thói quen đi chợ để ngắm không khí tết, ngắm chợ với cảnh mua bán hàng hóa, sản vật, sinh hoạt văn hóa, cảnh người dân quê mộc mạc, chất phác, thật thà.

Sau này, khi tôi lớn lên, khu chợ quê ấy đã được đầu tư xây dựng khang trang, với tường bao quy hoạch gọn gàng và những dãy nhà chợ nền cao vững chãi, rộng rãi, mái ngói chắc chắn, rồi các quầy hàng bắt mắt bán đủ loại hàng… Dẫu chợ hiện đại và đẹp hơn nhiều, nhưng trong tâm trí tôi vẫn luôn mãi lưu giữ hình ảnh phiên chợ quê thời thơ ấu với các dãy mái chợ đơn sơ lợp tranh, liêu xiêu, nền đất, với gian hàng nho nhỏ của những người phụ nữ nhà quê… Hình ảnh mộc mạc, giản dị, lam lũ của người dân làm nông nghiệp chân lấm tay bùn ngày xưa ấy cứ in dấu mãi trong lòng. Các bạn trẻ, nhất là tuổi ấu thơ của ngày hôm nay và mai sau sẽ khó lòng có được cảm xúc giản dị, đậm đà, thân thương ấy.

Thời gian qua đi, lứa trẻ thơ chúng tôi của một thời kinh tế nhiều khó khăn ngày xưa đã lớn khôn. Tuy đã rời quê lên thành phố học tập từ lâu, không có điều kiện được sống cùng mẹ để thường xuyên đi chợ quê, nhưng năm nào cũng vậy, tôi luôn cố gắng thu xếp công việc để trở về cùng mẹ đi mua sắm trong phiên chợ tết ngày cuối năm.

Chợ của nông thôn thời hiện đại bây giờ hàng hóa phong phú đủ đầy, chẳng hề thua kém các chợ hay siêu thị lớn nhỏ nào nơi thành phố. Chợ hiện đại, con người cũng ngày một hiện đại…, đó là điều tất yếu của một xã hội phát triển. Dẫu vậy, bây giờ mỗi khi đi chợ tết quê mình, tôi thấy thoáng buồn bởi nét văn hóa “hồn quê” nơi chợ tết không còn nữa, nó đã hầu như mai một. Những "vang bóng một thời" chỉ còn trong ký ức.

Trịnh Viết Hiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trở về ký ức tuổi thơ với những phiên chợ quê ngày tết