Bằng cách cho các nước khác vay ở mức vượt quá khả năng chi trả của họ, Trung Quốc được cho là đã tạo ra những chiếc bẫy nợ mà sau đó sẽ biến thành lợi thế đòn bẩy về tài chính và các quan hệ ngoại giao không bình đẳng.

“Vành đai và con đường”: Bẫy nợ từ các khoản vay của Trung Quốc

07/01/2019, 18:22

Bằng cách cho các nước khác vay ở mức vượt quá khả năng chi trả của họ, Trung Quốc được cho là đã tạo ra những chiếc bẫy nợ mà sau đó sẽ biến thành lợi thế đòn bẩy về tài chính và các quan hệ ngoại giao không bình đẳng.

Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc đang gặp nhiều lo ngại từ các quốc gia - Ảnh minh họa

23 nước đã rơi vào rủi ro “mắc nợ”

Thông tin này được đưa ra trong nghiên cứu “Bối cảnh địa chính trị thế giới mới và cạnh tranh chiến lược giữa các nước giai đoạn từ nay đến 2025” do Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư thực hiện.

Theo đó, sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI) - được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Về mặt địa lý, BRI bao gồm các quốc gia chiếm 65% dân số thế giới và 1/3 sản lượng kinh tế thế giới.

Trung Quốc có kế hoạch dành 1.000 tỉ USD để hỗ trợ cho chiến lược này, hiện bao gồm 2 phần chính: một “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” kéo dài từ Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương tới biển Địa Trung Hải; và một “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trải dài khắp khu vực Á-Âu với các nhánh kết thúc ở Pakistan, châu Âu và các địa điểm tiềm năng khác nữa.

Bên cạnh đó là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số mới” bao phủ cả hành lang trên biển và trên đất liền với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin liên lạc có thể cuối cùng sẽ trở thành phần chính thứ 3 của BRI.

Theo NCIF, BRI có mục tiêu rất tham vọng. Ngay cả khi nhiều dự án chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ hoặc đã thất bại, sáng kiến này vẫn có thể định hình lại bối cảnh kinh tế và địa chính trị của vành đai Ấn Độ Dương và khu vực Á-Âu theo những cách có thể gây ra một thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc hiện nay.

Bên cạnh đó, các hoạt động cho vay của Trung Quốc liên quan đến BRI đôi khi chệch ra khỏi các tiêu chuẩn toàn cầu, chẳng hạn như các thủ tục đầu tư minh bạch phù hợp với pháp trị và các phương hướng cho sự bền vững xã hội và môi trường.

“Bằng cách cho các nước khác vay ở mức vượt quá khả năng chi trả của họ, Trung Quốc được cho là đã tạo ra những chiếc bẫy nợ mà sau đó sẽ biến thành lợi thế đòn bẩy về tài chính và các quan hệ ngoại giao không bình đẳng”, nghiên cứu nêu.

Theo NCIF, điều này đem lại cho Trung Quốc một cơ hội để tận dụng cơ sở hạ tầng lưỡng dụng được xây dựng nhờ các khoản đầu tư của BRI vào các cơ sở quân sự trong tương lai. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gắn liền với BRI có thể góp phần làm xói mòn hơn nữa quyền con người ở các quốc gia quản lý kém.

Một nghiên cứu do Trung tâm phát triển toàn cầu đưa ra vào tháng 3.2018 cho biết trong 68 quốc gia tham gia BRI, đã có 23 nước rơi vào rủi ro “mắc nợ”, trong đó có 8 nước đã tăng rủi ro rơi vào “nợ công”.

Điển hình, do không thể hoàn trả khoản nợ cho Trung Quốc, Sri Lanka đã chuyển quyền kiểm soát cảng Hambantota có ý nghĩa chiến lược cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm trị giá 1,12 tỉ USD nhằm cứu vãn dự án thua lỗ này.

Cũng theo nghiên cứu này, các dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng rất đình trệ. Dự án đường sắt ở Thái Lan đến tháng 7.2018 mới khởi công (trễ 8 tháng so với kế hoạch ban đầu là tháng 11.2017). Dự án đường sắt Trung - Lào mặc dù đã bắt đầu khởi công, nhưng đã gây tranh cãi về khoản đầu tư khổng lồ. Dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia do Trung Quốc đầu tư cũng bị đình trệ, mặc dù đạt được hợp đồng vào tháng 9.2015 nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công.

Trung Quốc bành trướng trên toàn cầu

Nghiên cứu của NCIF cũng nhận định, có thể thấy BRI là một trong những công cụ đang tạo nên chiếc bẫy nợ cho nhiều quốc gia bị thu hút bởi các khoản vay hạ tầng gắn liền với viện trợ của Trung Quốc.

Đến nay, trong các dự án Trung Quốc bỏ vốn ra xây dựng ở 35 quốc gia Âu - Á, có 89% nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc, chỉ có 11% nhà thầu đến từ các nước khác.

Nhìn tổng thể, chiến lược này đe dọa chủ quyền các nước đang phát triển, đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, tạo thành lợi thế và tiền đề cho Trung Quốc "bành trướng" trên toàn cầu.

Cũng theo nghiên cứu này, ngày càng có nhiều nước trên thế giới quay lưng với các dự án thuộc sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Dự án đường sắt của Uzbekistan đã bị dừng lại do sự phản đối của Kyrgyzstan. Báo chí Nga gần đây cho rằng khi các dự án “Vành đai, con đường” ở khu vực Trung Á ngày càng nhiều, dư luận nước sở tại ngày càng cảnh giác với Trung Quốc.

Malaysia dưới thời Thủ tướng mới đã hủy bỏ hoặc tạm hoãn một số dự án đầu tư của Trung Quốc (dự án đường sắt ven biển phía đông trị giá 20 tỉ USD và dự án đường dẫn khí đốt trị giá 2,3 tỉ USD mà Malaysia dự kiến hợp tác với Trung Quốc); Sierra Leone – một quốc gia nghèo ở châu Phi mới đây cũng đã hủy bỏ dự án sân bay trị giá 318 triệu USD ở thủ đô Freetown hợp tác với Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

BRI cũng vấp phải phản ứng quyết liệt của Mỹ. Chính quyền tổng thống Obama trước đây đã thiếu một quan điểm chặt chẽ về BRI. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có quan điểm rõ ràng hơn về BRI, bày tỏ lo ngại về tác động của nó đối với các tiêu chuẩn toàn cầu và khả năng thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới châu Á tháng 11.2017, chính quyền của tổng thống Trump đã tuyên bố rằng cơ quan đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ (OPIC) sẽ hợp tác cùng đối tác Nhật Bản để “mang lại các giải pháp thay thế chất lượng cao về đầu tư cơ sở hạ tầng Mỹ-Nhật trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Ngay sau khi Mỹ công bố kế hoạch kinh tế mới cho khu vực, các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Nhật Bản đã hưởng ứng tích cực. Điều này báo hiệu một cuộc cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng tăng ở khu vực giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh. Cuộc đối đầu này có lẽ sẽ kéo dài và cần tiếp tục quan sát.

EU cũng chỉ trích chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc là không công bằng, kìm hãm tự do thương mại và chủ yếu chỉ đem lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc. EU cũng chỉ trích vai trò của Trung Quốc tại các nước thành viên như Hy Lạp, Hungary và Cộng hòa Czech và thái độ của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ.

Title

Rủi ro nợ công và bị Trung Quốc thâu tóm tài sản

Theo nghiên cứu của NCIF, trong những năm tới, các nước châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp nhận đầu tư lớn nhất từ chiến lược BRI của Trung Quốc do các quốc gia này đang trong giai đoạn thiếu hụt hạ tầng lớn.

Theo ước tính, châu Á Thái Bình Dương sẽ cần chi tiêu khoảng 26 nghìn tỉ USD vào cơ sở hạ tầng từ nay đến 2030, trong đó riêng châu Á cần đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỉ USD vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới để duy trì tăng trưởng.

Một ước tính khác cho thấy Trung Quốc sẽ đầu tư thêm khoảng 1 nghìn tỉ USD cho dự án BRI trong vòng một thập kỷ tới (Anja Manuel 2017). Tuy nhiên, trong bối cảnh BRI vấp phải sự phản đối ở nhiều nước và nội tại kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại, BRI khó có thể thực hiện một cách thuận lợi.

Đối với các nước tiếp nhận đầu tư từ BRI, sáng kiến này sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức. Những cơ hội thu được bao gồm thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kết nối thương mại và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do các khoản đầu tư của Trung Quốc là các khoản cho vay thay vì viện trợ không hoàn lại, rủi ro nợ công và bị đối tác Trung Quốc thâu tóm tài sản là khá lớn.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Vành đai và con đường”: Bẫy nợ từ các khoản vay của Trung Quốc