Đó là thông tin được ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết tại tọa đàm "Sở hữu trí tuệ trong TPP" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 23.3.

Vào rạp chiếu phim quay camera phát tán sẽ bị xử lý hình sự

Một Thế Giới | 23/03/2016, 12:49

Đó là thông tin được ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết tại tọa đàm "Sở hữu trí tuệ trong TPP" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 23.3.

Âm thanh, mùi, vị cũng được bảo vệ

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), TPP có những quy định mới trong việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu. Đó là việc áp dụng xử lý hình sự trong việc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ chứ không chỉ đơn thuần là xử phạt hành chính như hiện nay.

Theo ông Hùng, có nhiều trường hợp vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ do thiếu hiểu biết, không nhằm mục đích thương mại nhưng lại gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu thì người vi phạm cũng bị xem xét xử lý hình sự.

“Giống như phim Dòng máu anh hùng, Tôi thấy hoa vàng trên có xanh… bị phát tán tràn lan trên mạng. Hành động này khiến cho chủ sở hữu chịu thiệt hại nặng nề, tốn hàng chục tỉ đồng, không ai bù đắp được chi phí”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng nói thêm rằng chúng ta nên bỏ thói quen không tôn trọng tri thức, hãy chấm dứt việc nghe nhạc "chùa", tải nhạc "chùa", bẻ khóa… để tôn trọng bản quyền, tôn trọng thành quả sáng tạo của người khác, bảo vệ lợi ích kinh tế cho người sáng tạo. Có như vậy thì mới thúc đẩy được sáng tạo, đem lại nhiều hơn lợi ích cho xã hội.

Theo ông Hùng, khi các quy định pháp luật được tuân thủ và ý thức người dân được nâng cao thì sẽ góp phần chấm dứt được tình trạng sao chép, xâm phạm bản quyền âm nhạc tràn lan.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trước nay chúng ta chỉ xử lý hành chính, không đủ sức răn đe. TPP yêu cầu phải đưa xử phạt dân sự, hình sự vào việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ chứ không chỉ xử phạt bằng hành chính như hiện nay.

Ông Khánh cũng cho biết pháp luật Việt Nam chưa bao giờ phân biệt, từ chối việc bảo vệ bản quyền tác giả trên môi trường số hay môi trường thực và TPP chỉ giúp chúng ta làm rõ thêm điều này.

Có lợi cho chủ sở hữu và cộng đồng

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), những quy định mới về sở hữu trí tuệ trong TPP rất có lợi cho những người chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và cho cả cộng đồng.

Ông Lâm cho hay, về nguyên tắc thì những quy định được xây dựng nhằm bảo vệ thành quả do con người tạo ra, bù đắp chi phí nghiên cứu và tạo lợi ích cho cộng đồng. Vấn đề quan trọng nhất là cân bằng lợi ích.

“Ví dụ, các hãng dược có những biệt dược rất quý, tốn nhiều tiền của nghiên cứu. Nếu đất nước chúng ta không có được hàng rào pháp lý tốt để bảo vệ sản phẩm cho họ thì họ không dại gì mà đưa sản phẩm vào nước ta. Dân ta sẽ không được sử dụng những loại thuốc tốt, không trừ được những bệnh khó và dân ta chính là người chịu thiệt hại”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các quy định trong TPP không khác xa mấy so với trước, chỉ mở rộng phạm vi đối tượng được bảo vệ. Trước nay, quy định chỉ bảo vệ chữ và hình ảnh, sau này sẽ phải bảo vệ âm thanh như nhãn hiệu, rồi tiến tới bảo vệ nhãn hiệu mùi, vị. Chúng ta cũng có thể bảo hộ quy trình sử dụng sản phẩm, công tác thực thi phải nâng lên một mức rất cao.

Lo lắng về việc nếu quyền sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo khi họ không thể tiếp cận được thuốc biệt dược nhập khẩu từ nước ngoài, ông Khánh cho rằng, nếu người nghèo vào viện mà không có thuốc chữa bệnh thì Nhà nước phải có giải pháp. Chúng ta không thể nói vì dân còn nghèo mà cho mình quyền vi phạm sở hữu trí tuệ được.

“Nếu các hãng dược nước ngoài không cảm thấy an tâm về việc bảo vệ quyền của họ thì họ sẽ không vào Việt Nam, khi đó, người Việt Nam càng thiệt thòi vì không thể nào có được thuốc tốt”, ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Khánh, ở những trường hợp an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng thì Nhà nước có thể yêu cầu chủ sở hữu trao quyền cho một doanh nghiệp nào đó để khắc phục tình trạng khẩn cấp.

Doanh nghiệp cần được bảo vệ

Tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, cho biết doanh nghiệp rất cần được bảo vệ, có thế mới khẳng định được tính lao động của người chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, bà Thuận cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thị trường, hiểu biết chưa đầy đủ, suy nghĩ chụp giật nhiều. Các doanh nghiệp muốn hội nhập, phát triển bền vững thì cần phải tuân thủ và trang bị đầy đủ hiểu biết; để tránh vi phạm và bị xử phạt. Hội nhập phải chơi trên sân chơi chung thì luật chơi phải nắm được.

Bà Thuận cũng nói thêm, ở những sản phẩm khó sáng tạo nếu doanh nghiệp biết thời điểm hết bản quyền để sao chép thì người dân lại có lợi. Còn doanh nghiệp mà làm hàng giả, hàng nhái, người dân không biết sẽ dễ dàng bị người bán hàng lợi dụng. Theo bà Thuận, các doanh nghiệp nhái chỉ tồn tại được một thời gian, một khi người dân hiểu ra thì sẽ tẩy chay.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào rạp chiếu phim quay camera phát tán sẽ bị xử lý hình sự