Câu chuyện đánh bắt theo cách thức hết sức tàn nhẫn không phải là điều duy nhất gây tranh cãi cho món vi cá mập. Thứ khiến người ta lo ngại nhất chính là lòng tham vô đáy của con người.
Vi cá mập là một trong những sản phẩm có giá đắt đỏ nhất thế giới, được tiêu thụ chủ yếu tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã coi súp vi cá mập là biểu tượng của sự giàu sang và lòng hiếu khách nên thường sử dụng trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay tiệc chiêu đãi.
Súp vi cá mập có lẽ là một trong những món ăn có lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc, được sáng tạo bởi một vị Hoàng đế nhà Tống từ thế kỷ thứ 10 nhằm phô trương quyền lực và sự giàu có đối với triều thần trong các buổi yến tiệc.
Kể từ đó, món ăn này được xem là một trong những biểu tượng của đẳng cấp và sự giàu sang, được tầng lớp giàu có ngày nay ưa chuộng. Và tất nhiên, biểu tượng của sự giàu có sẽ không thể mang mức giá bình thường được. Một bát súp vi cá mập bình thường được bán với giá khoảng $65 đến $120 (khoảng 2 đến 3 triệu VND).
Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau món ăn bổ dưỡng, sang trọng đó là cuộc tàn sát của loài người với cá mập. Hàng triệu con cá mập với đủ loại kích cỡ bị giết chỉ để lấy vây.
Việc lấy vây của cá mập được tiến hành như sau: Đầu tiên, chúng bị bắt và kéo lên các thuyền lớn. Ở đó, người ta có sẵn những con dao sắt nhọn để cắt vây của chúng ra khỏi cơ thể. Sau khi hoàn tất công việc đó, họ thả những con cá mập về lại biển, để chúng chảy máu đến chết. Một vài con vẫn còn sống nhưng không thể bơi được nên cuối cùng cũng yếu và chết dần. Sau mỗi cuộc đi “săn” vây cá mập, người ta lại chất đầy thành phẩm vào những container và chở về đất liền. Vây của chúng được dự trữ trong những kho hàng hoặc đem phơi khô trên các nóc nhà cao tầng.
Vi cá sau đó, hoặc là được đưa trực tiếp vào các nhà hàng để chế biến món súp “đắt nhất hành tinh”, hoặc được bán thành các lọ vi cá khô cho các hộ gia đình. Món ăn này cũng phát triển ra nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ.
Gary Stokes, một phóng viên của Hiệp hội bảo tồn động vật biển nói rằng ông gần đã sống ở Hồng Kông được gần 20 năm, và trong suốt thời gian sinh sống ở đây, chưa bao giờ ông thấy vây cá mập được bày bán công khai như ở đất nước này. Người dân ở đây thậm chí đã được cha mẹ chúng truyền lại nghề kinh doanh vây cá mập từ đời này sang đời khác.
Câu chuyện đánh bắt tàn nhẫn không phải là thứ duy nhất gây tranh cãi cho món ăn này. Thứ khiến người ta lo ngại nhất chính là lòng tham vô đáy của con người.
Súp vi cá vốn là một món ăn xa xỉ, nhưng với sự phát triển kinh tế như vũ bão của Trung Quốc, nhu cầu được thưởng thức món súp này tăng đột biến và kéo theo đó là sự gia tăng hoạt động đánh bắt cá mập. Kết quả là hàng năm, có đến hàng triệu con cá mập bị giết chết để lấy vây.
Theo giáo sư Michael McCarthy thuộc ĐH Melbourne (Australia), có đến 1/4 loài cá mập đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác vây cá quá mức.
Trong đó, Hong Kong chính là trung tâm buôn bán vi cá lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% ngành thương mại của mặt hàng này.
Ước tính 73 triệu con cá mập bị giết mỗi năm chỉ để làm thực phẩm cho món súp vi cá nổi tiếng.
Cũng vì chuyện khai thác quá mức và tính tàn nhẫn mà rất nhiều nơi đã kêu gọi tẩy chay món ăn này, thậm chí là ngay tại Trung Quốc.
Theo Gia đình & Xã hội