Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, con số nhập siêu 20 tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc mà không ai biết đi đâu thực chất là do sự chênh lệch trong cách thống kê.

Vì sao 20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam lại 'bốc hơi'?

Một Thế Giới | 09/06/2015, 12:15

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, con số nhập siêu 20 tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc mà không ai biết đi đâu thực chất là do sự chênh lệch trong cách thống kê.

Thừa nhận con số nhập siêu 20 tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc mà “không ai biết” được đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) nêu ra tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 8/6 là hoàn toàn chính xác, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sự chênh lệch này là do cách thống kê dữ liệu xuất-nhập giữa các nước khác nhau và do ngành hải quan quản lý chưa tốt việc gian lận thương mại.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, số liệu xuất nhập khẩu hàng năm được Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) lấy nguồn từ hải quan và một tổ xử lý số liệu thống kê với sự tham gia của 4 bộ đã được hình thành từ 20 năm nay, gồm Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, nên hoàn toàn không có gì “khuất tất."
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, hầu hết các nước đều gặp tình trạng không khớp về số liệu thống kê, chứ không riêng gì Việt Nam. Đơn cử, như năm 2014 xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Singapore theo số liệu thống kê của Việt Nam là 9,8 tỷ USD, nhưng số liệu của Singapore chỉ là 6,1 tỷ USD; hay số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha, theo thống kê của Bồ Đào Nha là 340 triệu USD, nhưng thống kê phía Việt Nam chỉ là 280 triệu USD, chênh nhau gần 30%...
Đi vào phân tích cụ thể, Bộ trưởng Vinh đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do cách thống kê mỗi nước là khác nhau. Thế giới quy định xuất theo giá FOB (hàng xuất khẩu đi nước ngoài lên boong tàu là hết trách nhiệm) trong khi nhập thì theo giá CIF (mua hàng của nước ngoài bao gồm cả tiền hàng, bảo hiểm cho hàng hóa và vận chuyển giao hàng đến cảng).
Thứ hai, hàng hóa của Việt Nam đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó. 
Đơn cử, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là 2,14 tỷ USD, nhưng Trung Quốc ghi nhận mặt hàng này chỉ 0,7 tỷ USD. Ngược lại, trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của VN thì trị trường Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn, chiếm gần 30% song chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
"Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên, do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O). Không phải xuất là xuất, nhập là nhập. Xuất xứ và thống kê hàng hoá hiện đang rất phức tạp," Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Lý do thứ 3 được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra là do cách tính thuế khác nhau nên cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng khác nhau, không trùng khớp.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng cho rằng, những phức tạp này đã được các nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch về số liệu thống kê này, song thực tế lại rất khó.
Theo Bộ trưởng, đúng là có chuyện giá trị hàng xuất, nhập của Việt Nam qua Trung Quốc còn nhiều hơn con số thống kê thực tế, có gian lận thương mại, có buôn lậu…. nhưmg không thể nhìn vào con số chênh lệch giá trị này mà chúng ta nói rằng, nếu đúng ra khoảng cách giữa hàng nhập-xuất còn nhiều hơn.
"Với kinh nghiệm 40 năm quản lý thương mại biên giới nên tôi rất thấu hiểu, không phải toàn bộ hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại là hàng cấm," Bộ trưởng lý giải.
Trước đó, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Hội trường ngày 8/6, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết, việc chênh lệch con số thông kê giữa Việt Nam và Trung Quốc rất khác nhau và "các số liệu này luôn chênh lệch từ trước tới nay, theo khuynh hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam."
Đại biểu Mai Hữu Tín dẫn chứng, chỉ lấy riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Có nghĩa là riêng năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ mà Việt Nam công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của phía Việt Nam.
"Điều này có thể giải thích là phần lớn con số này đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc," đại biểu Mai Hữu Tín nói.
Theo TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao 20 tỷ USD từ Trung Quốc vào Việt Nam lại 'bốc hơi'?