Con số 554 tỷ đồng để xây dựng 1km đường cao tốc tại Việt Nam đang khiến dư luận cho là quá đắt đỏ, khi so sánh với suất đầu tư đường cao tốc ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Mặc dù những “lý giải” nguyên nhân cũng được chủ đầu tư đưa ra. Nhưng để rõ bản chất của vấn đề, rất cần phải công khai minh bạch, để người dân có cơ sở so sánh.
"Chênh lệch" lớn giữa các mức suất đầu tư
Dự án đầu tư đường cao tốc Bến Lức -Long Thành dài hơn 57,1 km đi qua Long An (2,7 km) -TP HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28 km) do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 31.320 tỷ đồng (giai đoạn 1) - tương đương hơn 1,6 tỷ USD. Nhưng suất đầu tư bình quân lên tới 25,8 triệu USD/km (khoảng 554 tỷ đồng), ở dự án này đang khiến dư luận "xót xa" vì đắt.
Đến thời điểm hiện tại, mức 25,8 triệu USD/km đường như trên, là mức suất đầu tư cao nhất cho 1 km đường cao tốc được xây dựng ở phía Nam. Còn nhớ, năm 2014 suất đầu tư 1 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua TP Đà Nẵng) khoảng 12,7 triệu USD (tương đương 267 tỷ đồng) đã từng khiến người dân cũng như nhiều chuyên gia xây dựng phải... "kêu trời" vì đắt đỏ. Trong khi đó, so sánh với suất đầu tư cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn tiêu chuẩn loại A) cũng chỉ xấp xỉ 6 triệu USD/1 km. Ngay trong dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, suất đầu tư cũng có sự chênh lệch lớn khi gần 11 km đường (trong tổng chiều dài 57,1 km) có suất đầu tư là 60,7 triệu USD/km. Nhưng hơn 46,9 km còn lại là 17,84 triệu USD/km.
Nhiều chuyên gia GTVT cho biết, suất đầu tư đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành nói trên không chỉ cao so với suất đầu tư ở các đường cao tốc trong nước, mà còn cao hơn cả suất đầu tư đường cao tốc ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới (bình quân 5 đến 15 triệu USD/km). Một số nước như Trung Quốc có suất đầu tư đường cao tốc là 10,9 triệu USD/km, Mỹ là 17,4 triệu USD/km.
Theo TS. Trần Hữu Minh - ĐH GTVT, chi phí xây dựng 1 km đường cao tốc có 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ 130 km/giờ tại Đức cũng mới chỉ ở mức 9 triệu USD/km. Ở Tây Ban Nha là 15 triệu USD (Kết quả kiểm định chi phí đầu tư của Liên minh châu Âu, đối với nhiều dự án xây dựng QL tại châu Âu giai đoạn 2000 - 2013). Nếu so sánh suất. đầu tư 25,8 triệu USD/km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, với suất đầu tư trung bình cho 1 km đường cao tốc ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì rõ ràng suất đầu tư của chúng ta như thế là quá cao.
Lý giải tình trạng suất đầu tư của hầu hết các dự án đường cao tốc trong nước đều quá cao, ông Phạm Hồng Quang - Phó TGĐ TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phụ trách dự án - cho biết: Suất đầu tư dự án đường cao tốc phụ thuộc nhiều yếu tố như khối lượng xây lắp, chi phí trả lãi vay và các điều kiện ràng buộc khoản vay...
"Thông tin về các dự án đường cao tốc triển khai tại các nước trong khu vực thu thập được còn ít, so sánh về chi phí suất đầu tư này chưa thật sự chính xác. Việc so sánh suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam với một số nước trong khu vực cũng chỉ là tương đối, bởi vì suất đầu tư phụ thuộc nhiều yếu tố như: đặc điểm của sản phẩm xây dựng (mỗi công trình có một giá riêng). Việt Nam mới triển khai xây dựng đường cao tốc, trong khi các nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm triển khai xây dựng. Thời điểm thực hiện khác nhau, trong khi mặt bằng giá của Việt Nam chịu nhiều biến động nên việc quy đổi về mặt bằng so sánh chỉ mang tính chất tương đối", ông Phạm Hồng Quang cho biết.
Không thể giải thích chung chung
Trao đổi với PV về vấn đề trên, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: về nguyên nhân suất đầu tư ở cao tốc Bến Lức - Long Thành, có mức 25,8 triệu USD/km mà phía chủ đầu tư đưa ra, mới chỉ là những "lý giải"chung chung ai cũng nói được. Nhưng để thấy rõ bản chất vấn đề, cần phải công khai minh bạch để người dân có sự sự so sánh giữa suất đầu tư dự án này với dự án khác, nơi này với nơi kia (ở những điều kiện tương đương) và rút ra kết luận đắt hay rẻ. (Ví dụ GPMB trong phố, chắc chắn sẽ đắt hơn GPMB đất ruộng của người dân. Vật liệu xây dựng mua ở Việt Nam, hay mua ở nước ngoài vận chuyển về ? Mua theo giá Việt Nam, hay là mua theo giá của nước ngoài, cần phải công khai ra). Thực tế, nếu so sánh với nhiều dự án cao tốc trong nước do VEC thi công, cũng có sự chênh lệch khá lớn về suất đầu tư, chứ chưa cần so sánh với các nước tiên tiến mới thấy rõ điều đó.
Một thực tế khá rõ ràng mà TS. Phạm Sỹ Liêm nhận thấy, các dự án vay vốn nước ngoài của ta, suất đầu tư xây dựng phần lớn đều đắt hơn, so với việc tự lực cánh sinh. Bởi vì, để vay được vốn nước ngoài, thông thường họ thường đặt điều kiện cho chúng ta. Hơn nữa, giá trị công trình mà họ cho mình vay để làm, là do tư vấn của họ sang khảo sát, tính toán, định giá, sau đó đưa ra con số cụ thể cho bên mình "chấp nhận", thì họ cho vay. Chứ thực ra việc tính toán cụ thể chi tiết như thế nào thì bên mình không biết được."Chúng ta chủ yếu quan tâm đến chuyện có được vay hay không, mà xem nhẹ việc cần phải xem xét mức cho vay đó là đắt hay rẻ. Sau này dẫu cho lãi suất cho vay có nhẹ đi nữa, nếu việc tính giá của họ đắt, có nghĩa là họ đã thu hồi ngay trong giá, nên có thể bên cho vay không cần lãi nữa",TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Công khai minh bạch để có cơ sở so sánh…
Được biết đoạn dự án Bến Lức - Long Thành này có 2 chiếc cầu, theo "lý giải" của phía chủ đầu tư, do tính cả tiền làm cầu chia bình quân thì mới dẫn đến suất đầu tư dự án lên đến 25,8 triệu USD. Nhưng để làm rõ vấn đề này VEC có thể công bố suất đầu tư làm 1 m 2 cầu ở dự án này, so với các cầu khác tương tự thì vấn đề đắt hay rẻ cũng sẽ rõ ràng. Mọi thứ minh bạch ra thì người dân rất dễ để so sánh đánh giá và thấy bản chất vấn đề.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, suất đầu tư đắt hay rẻ cũng liên quan rất lớn đến vấn đề quản lý dự án. Ở nhiều dự án khi người dân "kêu trời" vì chuyện thi công đắt đỏ, thì những người có trách nhiệm lại đưa ra một nguyên nhân rất vô lý khi đổ lỗi do quản lý kém dẫn đến giá cao. Lẽ ra BQL dự án nếu không có chuyên môn quản lý, thì phải thuê người quản lý chuyên nghiệp chứ? Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước nên có quy định cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư bao nhiêu tiền trở lên, thì dứt khoát phải thuê các đơn vị quản lý giám sát chuyên nghiệp.
"Ố nước ngoài Chủ dự án chỉ lo giữ tiền, còn lại đều phải thuê các đơn vị quản lý, tư vấn giám sát... thay họ làm các công việc chuyên môn. Ví dụ, Ở Trung Quốc theo quy định cứ dự án từ 5 triệu NDT trở lên là phải thuê tư vấn quản lý. Họ làm rất chuyên nghiệp, nếu các đơn vị được thuê làm ăn không uy tín thì chỉ tự... đập vỡ nồi cơm của mình.
Trong khi ở Việt Nam, có dự án đội vốn lên 60 đến 70%, hay suất đầu tư bị dân kêu quá đắt" lại khơi khơi lý giải là... vì tôi dốt, kém năng lực quản lý thì không thể chấp nhận được. Thiếu kinh nghiệm, năng lực quản lý lẽ ra phải thuê đơn vị tư vấn quản lý giám sát hộ - không tin tưởng các đơn vị trong nước thì thuê các đơn vị của nước ngoài. Chi phí thuê tư vấn quản lý chẳng đáng kể gì so với chi phí tiết kiệm được tại sao không chịu làm, mà lại để những đơn vị kém năng lực quản lý? Phải chăng là có những mù mờ khuất tất, đổi chác lại quả hoa hồng cho nhau?", TS. Phạm Sỹ Liêm thắc mắc.
Thực tế cũng cho thấy BQL dự án ở ta hiện nay, thường không phải là đơn vị quản lý sử dụng công trình. TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, như vậy cũng vô lý, vì đơn vị quản lý sử dụng sau khi công trình hoàn thiện lại bị bỏ ra rìa, để một đơn vị không sở hữu công trình lại nhảy vào quản lý, giám sát thi công xây dựng. Việc quy trách nhiệm xử lý cũng chưa chặt chẽ, nên những người có trách nhiệm quản lý dễ có tâm lý "sống chết mặc bay", không quan tâm đến chất lượng, chi phí làm công trình.
Theo Sỹ Hào/ Pháp luật & Xã Hội