Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức phiên họp giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Vì sao dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội chậm giải ngân?

Bùi Trí Lâm | 01/09/2020, 14:11

Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức phiên họp giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Các dự án ODA chậm và khó khăn trong bố trí vốn

Phó chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020, của thành phố cũng đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách thành phố và hiệu quả sử dụng đất.

Đến nay, theo báo cáo tổng hợp có những công trình, dự án, tuy đã được thành phố ưu tiên bố trí vốn tập trung, nhưng vẫn chậm hoàn thành và chưa có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để khắc phục. Đặc biệt, tiến độ của nhóm các dự án, công trình trọng điểm đến nay mới hoàn thành 9/55 dự án, công trình.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà NộiLê Hồng Sơn cho biết, giai đoạn 2016-2019, tổng mức kế hoạch vốn trung hạn của thành phốlà 107.303 tỉ đồng. Thành phố đã cân đối bố trí kế hoạch 79.115 tỉ đồng, đạt 73,7% so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được duyệt.

Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2016-2019 (tính đến hết ngày 31.1.2020) là 67.490 ti đồng, đạt 85,3% kế hoạch đã giao và bằng 62,9% tổng mức vốn được phê duyệt.

Về kết quả giải ngân, đến ngày 31.7.2020, toàn thành phố giải ngân được 14.639 tỉ đồng, đạt 32,59% kế hoạch thành phố giao đầu năm và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố là 4.132,6 tỉ đồng, đạt 27,9% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (15,6%).

Như vậy, đến hết năm 2020, trường hợp nguồn vốn cho Kế hoạch Đầu tư công trung hạn được bảo đảm như đã phê duyệt, dự kiến, hoàn thành 546/551 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố; hoàn thành 851/856 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện.

Theo ông Lê Hồng Sơn, công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 còn chậm và phải điều chỉnh nhiều lần. Nghị quyết của HĐND Thành phố đầu tiên về đầu tư công trung hạn được phê duyệt, tại kỳ họp tháng 12.2016. Từ đầu kỳ trung hạn đến nay, thành phố phải thực hiện 4 lần cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Các dự án ODA triển khai chậm và khó khăn trong bố trí vốn. Từ năm 2017, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc giải ngân vốn ODA của các dự án căn cứ vốn kế hoạch bố trí hằng năm mà không theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ. Trong khi đó, mức vốn ODA bố trí hằng năm bị khống chế bởi trần nợ công. Do đó, vốn không bố trí được theo tiến độ của dự án.

Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của các nhà tài trợ khác nhau nên quá trình triển khai phải xin ý kiến của nhà tài trợ dẫn tới việc kéo dài thời gian; thủ tục phê duyệt bổ sung vốn ODA kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu và giải ngân các gói thầu…

Giám đốc BQLDA Văn hóa xã hội thành phố Nguyễn Trường Sơn cho biết, năm 2020, Ban được giao 63 dự án, trong đó, có 29 dự án chuẩn bị đầu tư, 34 dự án xây dựng kế hoạch, với tổng số vốn là hơn 816 tỉ đồng. Tính đến nay, Ban đã giải ngân được hơn 382 tỉ đồng, đạt 47% kế hoạch năm 2020.

Ông Sơn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân chung của Ban chưa đạt mục tiêu chung đề ra; song cam kết Ban sẽ hoàn thành 95-97% kế hoạch giải ngân chung năm 2020.

Hàng loạt dự án chậm giải ngân vì sao?

Về nguyên nhân giải ngân chậm dự án xây dựng trụ sở công an cấp quận, huyện, Giám đốc BQLDA công trình Văn hóa xã hội TP cho biết, trong quá trình thiết kế các trụ sở, một số dự án thiết kế cho quận, huyện phải điều chỉnh thiết kế một số hạng mục theo mẫu thiết kế mới của Bộ Công an, dẫn đến tình trạng hồ sơ phê duyệt “vòng đi, vòng lại” để thẩm tra, thẩm định với Bộ Công an. Bên cạnh đó, một vài dự án bị vượt tổng mức đầu tư, nên phải xem xét lại để cân đối điều chỉnh cho phù hợp.

Về tình hình triển khai dự án hầm chui Lê Văn Lương, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Phạm Hoàng Tuấn khẳng định dự án không bị chậm tiến độ, đảm bảo giải ngân đúng kế hoạch. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trước Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, năm 2020, tổng số vốn Ban được giao là 5.300 tỉ đồng, tuy nhiên, trong năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai bị ảnh hưởng, Ban đã xây dựng kế hoạch khắc phục trong năm 2020, phấn đấu cả năm đạt giải ngân khoảng 97%.

Về nguyên nhân chậm tiến độ dự án cải tạo thoát nước sông Pheo tại quận Bắc Từ Liêm, đại diện Ban QLDA xây dựng công trình NN-PTNT cho biết lý do điều chỉnh dự án thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm) là chậm giải phóng mặt bằng.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, dự án nạo vét cấp thoát nước sông Pheo rất quan trọng, hiện nay, còn 4% giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do một số người dân không đồng ý với dự án phê duyệt, không đồng ý tiền đền bù; kinh phí chi cho dự án này quá thấp không đủ cho các công tác thực hiện dự án; chưa phối hợp nhịp nhàng với chủ đầu tư và địa phương; trả tiền bồi thường cho người dân còn chậm… Trong thời gian tới, quận sẽ đưa giải pháp quyết liệt đối với 23 hộ có quyết định cưỡng chế theo quy định. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong quý 4.2020.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần họp với các tỉnh, thành phố để chỉ đạo và thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. Cùng với đó, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ, cố gắng hết tháng 8 đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 53%. Thành phố quyết tâm giải ngân từ 97-100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1.2021.

Ông Sửu cũng cho hay thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp đã xác định. Trong đó, yêu cầu Sở KHĐT đánh giá lại kế hoạch trung hạn, điều chỉnh vốn năm 2020 và tiếp tục đưa các giải pháp thực hiện. Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, điều hành cụ thể hơn, đẩy mạnh triển khai trong quý 4/2020. Trong đó, làm rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án về những vướng mắc, nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm...

Lam Thanh
Bài liên quan
Chủ đầu tư, các cơ quan được giao chủ trì chịu trách nhiệm chính trong giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 9.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm TP.HCM và giao ban giải ngân vốn đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
11 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.10, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí ra Tuyên bố chung, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội chậm giải ngân?