Thủ tướng yêu cầu tìm ra nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp?
Sáng 15.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.
Du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng "đi trước về chậm"
Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15.3.2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, khi đại dịch xảy ra, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa hiểu biết hết về vi rút, do đó phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch bằng các Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
“Lúc đầu, với các chủng vi rút cũ, biện pháp này có hiệu quả khi quy mô lây lan chưa nhiều, nhưng khi xuất hiện các biến chủng mới, dịch bùng phát lớn hơn, chúng ta chuyển biện pháp chống dịch từ biện pháp hành chính sang chống dịch bằng biện pháp chuyên môn, khoa học”, Thủ tướng nói và cho biết đã chuyển từ trạng thái "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, quyết định mở lại các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm.
“Đây là những bước chuyển có ý nghĩa bước ngoặt, giúp chúng ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho hay, mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năm 2022, Việt Nam chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.
“Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế
Về các hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.
Một số nguyên nhân chính gồm: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Ngoài ra, theo ông Hùng, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn; sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá; nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023 như: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần cơ cấu lại thị trường du lịch, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống; các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
“Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành; ban hành nghị quyết tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam…”, ông Hùng nói.