Đại dịch COVID-19 đã khiến các phân khúc của thị trường bất động sản suy giảm mạnh, thậm chí “đóng băng”. Tuy nhiên, giá bán căn hộ, nhà đất tiếp tục tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới.

Vì sao giá nhà đất TP.HCM không giảm dù đối mặt với dịch COVID-19?

15/06/2020, 05:59

Đại dịch COVID-19 đã khiến các phân khúc của thị trường bất động sản suy giảm mạnh, thậm chí “đóng băng”. Tuy nhiên, giá bán căn hộ, nhà đất tiếp tục tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới.

Giá nhà đất TP.HCM tăng trung bình 10% mỗi năm - Ảnh: Phan Diệu

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bất động sản ở TP.HCM trước đây thấp hơn Hà Nội nhưng giờ mỗi năm bình quân tăng hơn 10%. Thậm chí, có những dự án còn tăng nhiều hơn. Trước đây, nhiều doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở giá bình dân, nhưng đến nay bán hơn 30 triệu đồng/m2 nên nhà bình dân hầu như vắng bóng.

Ông Đính cho rằng nguyên nhân khiến giá đất TP.HCM mãi không giảm là do chi phí tăng nên phải đẩy giá lên. Bên cạnh đó, việc nguồn cung hạn chế cũng đẩy giá nhà đất tăng. Đây là hạn chế của thị trường bất động sản TP.HCM.

“Một dự án làm thủ tục có thể mất 3 - 5 năm. Có dự án như của Tập đoàn Đại Phúc Land phải mất 15 năm mới xong thủ tục nên chắc chắn giá chỉ có tăng chứ không thể giảm do chi phí vốn quá lớn”, ông Đính nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết nếu trong năm 2018, nguồn cung nhà ở TP.HCM chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án được triển khai. Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch COVID-19 nhưng giá bất động sản thời gian qua vẫn không giảm.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam thì nhận định hàng loạt dự án vướng mắc là lý do khiến giá bất động sản không giảm. Riêng TP.HCM, mới đây đã trình Chính phủ 63 dự án liên quan đến việc cần tháo gỡ khó khăn.

Nếu kéo dài tình trạng này thì sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25 - 30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Hay nếu doanh nghiệp dự kiến giá 1.000 USD/m2 thì sau khi chạy lòng vòng các nơi phải đưa giá lên 1.500 USD/m2 mới có lời...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói rằng để một dự án đắp chiếu lâu năm thì đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên vì các chi phí tài chính phát sinh buộc doanh nghiệp phải cộng vào.

"Giá trị bất động sản khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm thì do giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để bình ổn giá thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ được kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá bất động sản sẽ tăng", ông Dũng nói thêm.

Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Trọng Ninh cũng cho biết một trong những giải pháp sắp tới là Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích nhà ở giá thấp. Hiện nay, thị trường đang lệch pha, bất động sản cao cấp thì nhiều mà nhà giá thấp thì ít. Vì vậy, để kéo giảm giá nhà đất thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Ông Đính nói không chỉ giải pháp của Bộ Xây dựng mà còn liên quan các bên như Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác để đẩy mạnh phân khúc nhà giá thấp. Đơn cử như hỗ trợ về đất đai như thế nào để kéo giảm giá xuống, có thể cho doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất hay thậm chí giảm tiền thuế cho phân khúc này hay không. Thậm chí, các bộ ngành cần có giải pháp hỗ trợ về vốn khi doanh nghiệp tham gia phát triển nhà giá thấp hoặc nhiều thủ tục liên quan trong hoạt động xây dựng thì sẽ được ưu đãi, ưu tiên gì để thực hiện phát triển nhà giá thấp...

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao giá nhà đất TP.HCM không giảm dù đối mặt với dịch COVID-19?