Việc Trung Quốc triển khai một cánh tay robot gắn với mô-đun lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) đã khiến Mỹ lo ngại về các ứng dụng quân sự tiềm năng.

Vì sao Mỹ lo ngại cánh tay robot khổng lồ của Trung Quốc ngoài không gian?

Hoàng Vũ | 23/05/2021, 11:31

Việc Trung Quốc triển khai một cánh tay robot gắn với mô-đun lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) đã khiến Mỹ lo ngại về các ứng dụng quân sự tiềm năng.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, thiết bị robot gắn với mô-đun lõi của trạm Thiên Cung, dài 10m, nâng được vật nặng 20 tấn và dễ dàng thay đổi vị trí xung quanh trạm vũ trụ. Cánh tay robot này được sử dụng để "tóm lấy" các tàu vũ trụ, giúp chúng cập bến an toàn khi tiếp cận trạm vũ trụ.

Mặc dù động thái này không phải là mới khi Bắc Kinh từng phóng một số vệ tinh thu gom rác vũ trụ, được trang bị cánh tay robot, để thu thập và điều hướng các mảnh vỡ không gian, nhưng giới chức Mỹ vẫn hoài nghi về mục đích thực sự của Trung Quốc và cho rằng những "sứ mệnh" này có thể mang toan tính về mặt quân sự.

ve-tinh-tq.png
Trung Quốc cho biết cánh tay robot khổng lồ gắn với Trạm vũ trụ Thiên Cung sẽ được sử dụng để giúp các tàu vũ trụ cập bến dễ dàng - Ảnh: Weibo

Quân đội Mỹ hiện đang quan ngại về việc Bắc Kinh tích cực phát triển nhanh chóng năng lực không gian, đặc biệt là vệ tinh trang bị cánh tay robot có thể tiếp cận và vô hiệu hóa vệ tinh kẻ thù.

Tháng trước, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, Tướng James Dickinson cho biết cánh tay robot của Trung Quốc "có thể được sử dụng phục vụ một hệ thống trong tương lai để thâu tóm các vệ tinh" và đó là điều mà quân đội Mỹ đang lo lắng.

"Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm ưu thế về không gian vũ trụ thông qua các hệ thống trong không gian và tấn công không gian. Một đối tượng đáng chú ý là vệ tinh Thực tiễn-17 (Shijian-17), vệ tinh Trung Quốc có cánh tay robot”, ông Dickinson cảnh báo và nói thêm rằng, "khả năng hạ gục các vệ tinh, tàu thăm dò của Mỹ là một thách thức về tốc độ” trong lĩnh vực không gian.

Các chuyên gia nhận định việc loại bỏ một vệ tinh Mỹ có thể coi là năng lực đáng chú ý của Trung Quốc vì nếu hai nước đối đầu trực tiếp trong cuộc chiến ở tương lai, phần thắng sẽ được quyết định một khi các bên tham chiến cố gắng vô hiệu hóa công cụ liên lạc của đối thủ, chẳng hạn như Hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Hiện nay, nhiều khí tài của quân đội Mỹ, bao gồm có các tàu sân bay, chiến đấu cơ, xe tăng và tên lửa, đều dựa vào GPS để định vị, điều hướng và tính toán thời gian. Do đó, Mỹ có thể nhanh chóng mất ưu thế về quân sự nếu việc liên lạc dựa vào GPS bị gián đoạn.

Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc, nơi phát triển và vận hành vệ tinh Thực tiễn-17 cho biết (vào thời điểm phóng vệ tinh năm 2016) rằng nhiệm vụ của vệ tinh là thử nghiệm "công nghệ quan sát quỹ đạo của mảnh vỡ ngoài vũ trụ".

Tuy nhiên, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ, hồi tháng 3 cho biết, vệ tinh Thực tiễn-17 đã được quan sát thấy một số "thao tác bất thường" trong nhiều năm và thay đổi vị trí của nó so với các vệ tinh khác khi bay quanh quỹ đạo của Trái đất.

Mặc dù công nghệ này không phải là mới khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bắt đầu trang bị vũ khí cho tàu con thoi của mình ngay từ những năm 1990, nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho rằng, "người Mỹ lo ngại là điều dễ hiểu".

"Câu hỏi quan trọng ở đây là khi nào công nghệ này được người Trung Quốc sử dụng và mục đích thực sự của việc sử dụng đó là gì", Wong Dong nói.

Cũng trong cuộc điều trần nói trên, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, Tướng James Dickinson nhấn mạnh việc "Trung Quốc đã phát triển", "sự bổ sung rộng rãi các khả năng gây nhiễu và không gian mạng, vũ khí năng lượng định hướng, khả năng trên quỹ đạo và tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất" có thể chặn hoặc làm hỏng các hệ thống vệ tinh của Mỹ.

Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông, Song Zhongping nhận định rằng, ông Dickinson đang viện lý do mối đe dọa từ Trung Quốc để biện minh cho việc Mỹ chi tiêu tốn kém hơn và không coi trọng việc loại bỏ rác thải vũ trụ.

"Nếu Bắc Kinh tạo ra bước đột phá trong việc loại bỏ rác vũ trụ, Trung Quốc sẽ được cả thế giới hoan nghênh", Song nói.

Trong Sách trắng năm 2016 về phát triển không gian vũ trụ, Bắc Kinh cho biết xử lý các mảnh vỡ không gian - bao gồm giám sát, cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp - là một trong 10 nhiệm vụ chính của họ trong 5 năm tới.

Một số phương pháp dọn rác không gian - từ việc thu thập các mảnh vỡ bằng cánh tay robot và lưới, đến xóa sạch chúng bằng tia laser - đã được Bắc Kinh xem xét và thử nghiệm.

Trung Quốc khẳng định chương trình không gian của nước này nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia và vì mục đích hòa bình, phản đối chạy đua vũ trang trong không gian.

Cả NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản đều đã công bố các dự án loại bỏ mảnh vỡ không gian và phóng một số tàu vũ trụ thử nghiệm.

Wang Wei, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, cho biết, đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia tham gia khám phá không gian.

“Việc loại bỏ các mảnh vỡ không gian là một vấn đề quan trọng mà các sứ mệnh không gian hiện tại và tương lai phải đối mặt. Sự phát triển của công nghệ này là cần thiết để bảo vệ tài sản không gian, duy trì an ninh không gian và tài nguyên cho nhân loại", Wang Wei cho hay.

Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Mỹ lo ngại cánh tay robot khổng lồ của Trung Quốc ngoài không gian?