Tổng thống Erdogan không phải nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong khối NATO công khai phản đối 2 nước Bắc Âu gia nhập khối. Nhưng lời nói của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm hơn nhiều so với cảnh báo của người đồng cấp Croatia.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm hơn Croatia trong việc ngăn Phần Lan và Thụy Điển vào NATO?

Anh Tú | 14/05/2022, 09:00

Tổng thống Erdogan không phải nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong khối NATO công khai phản đối 2 nước Bắc Âu gia nhập khối. Nhưng lời nói của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm hơn nhiều so với cảnh báo của người đồng cấp Croatia.

Như đã đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hôm 13.5 cho biết nước này không hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh NATO, cho rằng sáng kiến ​​này là một sai lầm.

Ông Erdogan không phải nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong khối NATO công khai phản đối 2 nước Bắc Âu gia nhập khối. Trước đó, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic hôm 26.4 tuyên bố Quốc hội Croatia "không được phê chuẩn việc gia nhập NATO của bất kỳ nước nào" cho đến khi thỏa mãn một số lợi ích của người Croatia.

Người đứng đầu nhà nước Croatia nhắc nhở rằng ông không phải là người quyết định việc gia nhập NATO của các quốc gia đó, nhưng ông coi đó là "hành vi phiêu lưu rất nguy hiểm" kèm cảnh báo: "Hãy tiến thêm một bước nữa và với Phần Lan, chỉ cách St. Petersburg 50 km. Tôi nghĩ đó là trò lang băm nguy hiểm", đồng thời nhắn nhủ người trong nước: "Phần Lan quan trọng với chúng ta hơn Croatia và người Croatia ở Bosnia & Herzegovina, phải không nào?"

croatia.jpg
Tổng thống Croatia Milanovic

Thậm chí, ông Milanovic còn dùng hình ảnh so sánh đáng sợ: "Theo những gì tôi lo ngại, hãy để họ gia nhập NATO, để họ chọc vào mắt con gấu giận dữ bằng cây bút".

Tuy nhiên, ông Milanovic chỉ là Tổng thống tại một quốc gia có hệ thống chính trị theo chế độ nghị viện, được phân biệt bởi phân nhánh hành pháp của chính phủ nơi phụ thuộc vào hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của nghị viện, và thường được thể hiện thông qua cuộc bỏ phiểu tín nhiệm. Hệ thống nghị viện thường có sự phân biệt rõ ràng giữa người đứng đầu chính phủ và nguyên thủ quốc gia. Người đứng đầu chính phủ là thủ tướng, và nguyên thủ quốc gia thường là người được chỉ định chỉ có danh nghĩa hay được thừa kế có quyền rất giới hạn.

Thậm chí, đảng Dân chủ Xã hội của ông Milanovic cũng không có tiếng nói quyết định tại Quốc hội vì đảng HDZ theo chủ nghĩa dân tộc hiện chiếm đa số trong nghị viện Croatia. Hiện thủ tướng Andrej Plenković – người của đảng HDZ là người theo đường lối xích gần châu Âu. Riêng trong vấn đề Ukraine thì ông Plenkovic có khuynh hướng ủng hộ chính quyền Kyiv, hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Milanovic.

Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Milanović chỉ trích chuyến thăm Kyiv của Thủ tướng Plenković khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine có dấu hiệu leo thang. Tổng thống Milanović gọi hành vi đó là “chủ nghĩa lang băm” còn Thủ tướng Plenkovic trả lời rằng chính phủ cũng tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

Cuối tháng 1 vừa rồi, ông Milanović tuyên bố Ukraine không đủ tư cách gia nhập NATO cũng như cáo buộc quốc gia này chìm trong tham nhũng và Nga xứng đáng được đáp ứng yêu cầu an ninh của mình.

Bộ Ngoại giao Ukraine khi đó đã triệu tập đại sứ Croatia Anica Djamić để phản đối và yêu cầu Tổng thống Milanovic xin lỗi. Thủ tướng của Croatia, Plenković lúc đó đã phản ứng bằng cách nói rằng khi nghe những tuyên bố của Milanović, ông nghĩ rằng đó là lời được nói "bởi các quan chức Nga". Đồng thời, người đứng đầu chính phủ Croatia cũng gửi lời xin lỗi tới Ukraine và nhắc lại rằng Croatia ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình RTL ngay sau đó, Tổng thống Milanović đã từ chối xin lỗi và khẳng định lại lập trường của mình về Ukraine và ông còn cho rằng Thủ tướng Andrej Plenković "cư xử như một đặc vụ của Ukraine".

Gần nhất, ngày 8.5, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết Tổng thống Zelensky đã tiếp Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tại Kiev để thảo luận về hợp tác quốc phòng, năng lượng cũng như việc Ukraine xin gia nhập EU.

Thủ tướng Plenkovic cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông nhấn mạnh: "Croatia đã liên tục hỗ trợ Ukraine về chính trị, ngoại giao, pháp lý, tài chính, nhân đạo và kỹ thuật. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những hỗ trợ này".

Tuy nhiên, theo quy chế hiện tại thì để kết nạp thành viên mới thì điều đó phải được quốc hội chứ không phải chính quyền của tất cả các thành viên trong khối ủng hộ. Do vậy, dù Tổng thống Croatia có kêu gọi Quốc hội nước này không thông qua việc kết nạp Phần Lan vào NATO thì cũng khó thành hiện thực một khi Thủ tướng Plenkovic và đảng HDZ phủ bóng Quốc hội.

Tuy nhiên, hệ thống chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ lại khác. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia cộng hòa đại nghị. Nhưng sau cuộc đảo chính bất thành, một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2017 về việc sửa đổi hiến pháp nhằm mở rộng quyền lực cho Tổng thống đã giành chiến thắng áp đảo. Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia Tổng thống chế.

nga-tho-nhi-ky.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, đảng AKP của Tổng thống Erdogan chiếm áp đảo so với đảng khác. Cụ thể, AKP chiếm 286 ghế trong tổng số 600 ghế quốc hội và chỉ lần liên minh với một hai đảng nhỏ là đủ giành đa số tại Quốc hội. Do vậy, ý kiến của Tổng thống Erdogan không chỉ thể hiện quyết tâm của chính phủ mà còn là đường lối mà quốc hội thông qua.

Chính vì vậy, khi trả lời với các phóng viên sau buổi cầu nguyện hôm 13.5 ở Istanbul, ông Erdogan cho biết rất tự tin khi dùng đại từ “chúng tôi” không chỉ 1 lần. Lần thứ nhất, ông khẳng định: "Chúng tôi không có quan điểm tích cực. Các quốc gia Scandinavia giống như nhà khách của các tổ chức khủng bố"..

Lần thứ hai ông cho rằng nhà cầm quyền trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã "phạm sai lầm" khi bật đèn xanh cho việc Hy Lạp trở thành thành viên NATO vào năm 1952 nên khẳng định: “Chúng tôi, với tư cách là Thổ Nhĩ Kỳ, không muốn mắc sai lầm thứ hai về vấn đề này”.

Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống ủng hộ chính sách mở cửa của NATO để mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, Ankara đã duy trì quan điểm trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và sốt sắng đảm nhận vai trò hòa giải bằng cách giữ cho các kênh liên lạc luôn mở với cả hai bên tham chiến.

Kể từ khi bắt đầu xung đột, Ankara đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai bên và tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Trong khi Ankara phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm cô lập Moscow, họ cũng đóng cửa các eo biển của mình để ngăn tàu chiến gồm cả của Nga vào Biển Đen.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Phương Tây vô cùng khó xử vì cả Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều lên tiếng ủng hộ, thậm chí là thúc giục 2 nước Bắc Âu gia nhập NATO. Hiện Mỹ và các nước Tây Âu cũng không có quan hệ nồng ấm với Tổng thống Erdogan nên họ khó xuống nước hết cỡ để thuyết phục Ankara làm theo ý của số đông. Cũng có những ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang nhân cơ hội này để ra giá với châu Âu trong việc phải kết nạp họ vào EU.

Nếu vậy, đây là phép thử lớn cho EU trong việc có dám gạt bỏ những giá trị mà họ theo đuổi để đáp ứng đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Trước đó, EU không muốn nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào khối một phần vì Hy Lạp ngăn cản, một phần vì cho rằng tình hình dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ không tương thích với EU.

Trước đó, Tổng thống Croatia Milanovic cũng bày tỏ sự bất bình khi phương Tây tỏ ra trọng vọng các nước giàu mà không quan tâm đến những nước có vị thế yếu hơn.

Ông đã kể ra một loạt ví dụ như Bulgaria và Romania không thể tham gia khu vực Schengen, Bắc Macedonia và Albania không thể bắt đầu đàm phán gia nhập với EU. Kosovo không được công nhận độc lập, trong khi Phần Lan có thể gia nhập NATO trong một sớm một chiều.

Như vậy, để tạo đặc cách cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Phương Tây có thể sẽ phải điều chỉnh một số giá trị của mình để nhượng bộ lợi ích của một số nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chung cư Hà Nội 'ngáo giá' và cảnh báo nguy cơ vỡ 'bong bóng'
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ nguy hiểm hơn Croatia trong việc ngăn Phần Lan và Thụy Điển vào NATO?