Trong quá trình điều tra, ông Trương Minh Tuấn khai thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT) là vì được ông Son hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm bộ trưởng bộ này.

Vì sao Trương Minh Tuấn đưa thương vụ AVG vào danh mục ‘Mật’?

Thu Anh | 21/10/2019, 16:19

Trong quá trình điều tra, ông Trương Minh Tuấn khai thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT) là vì được ông Son hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để làm bộ trưởng bộ này.

Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, Viện KSND tối caođã truy tố 14 bị can; trong đó, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn bị truy tố về hai tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Theo cáo trạng, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ TT-TT, Trương Minh Tuấn đồng ý với đề xuất của cấp dưới và theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ông Tuấn đã đồng ý đưa giao dịch MobiFone mua cổ phần của AVG vào danh mục “Mật” của Nhà nước và ký văn bản gửi Bộ Công an để thống nhất. Trương Minh Tuấn có tham gia chỉ đạo Tổ thẩm định, ký một số văn bản liên quan đến dự án.

Mặc dù biết Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG phải tuân theo quy định của Luật số 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ… nhưng ông Tuấn vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án.

Việc này dẫn đến việc MobiFone tổ chức thực hiện dự án, ký các thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Ngoài ra, Trương Minh Tuấn còn khai việc ký quyết định 236 là không đúng trách nhiệm được phân công, mặc dù không đồng ý với quyết định và đã báo cáo Nguyễn Bắc Son nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Trương Minh Tuấn phải ký vì ông Tuấn là người phụ trách lĩnh vực phát thanh - truyền hình.

Ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo “triển khai ngay”

Theo cáo trạng, khi Bộ TT-TT nhận được Văn bản số 2678/VPCP-ĐMDN ngày 14.12.2015 của Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Bắc Son xác định đây không phải là Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Nguyễn Bắc Son đã có bút phê ngày 15.12.2015 chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã gạch bỏ nội dung: “Giao cho Hội đồng thành viên MobiFone chịu trách nhiệm quyết định giá mua” tại Tờ trình và gạch bỏ nội dung “Quyết định giá mua” tại điều 2 dự thảo Quyết định 236.

Nguyễn Bắc Son thừa nhận sai phạm trong việc có bút phê chỉ đạo, giao Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định chủ trương đầu tư, chưa có ý kiến về 4 kênh tần số, giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được cơ quan có chức năng, thẩm quyền xem xét, làm rõ.

Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều25.12.2015.

Việc Nguyễn Bắc Son trực tiếp viết Thư công tác ngày 1.10.2015 gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp là với mục đích muốn chỉ đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp làm việc với MobiFone và AVG liên quan đến giá mua, cổ phần mua của AVG để làm sao MobiFone mua được cổ phần dịch vụ truyền hình của AVG.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngay ngày hôm sau (2.10.2015), Phạm Đình Trọng đã chủ trì cuộc họp có sự tham gia của Hội đồng Thành viên, Ban TGĐ MobiFone và đại diện AVG thống nhất giá mua 8.898,3 tỉ đồng tương đương 95% cổ phần AVG (trong đó bao gồm 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG mà không tính tiền).

Nhã Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Trương Minh Tuấn đưa thương vụ AVG vào danh mục ‘Mật’?