Các cuộc tấn công bằng UAV gần đây của Ukraine vào Crimea làm nổi bật tầm quan trọng của việc vô hiệu hóa hỏa lực của Nga, tạo cơ sở cho cuộc phản công mùa xuân.

Vì sao Ukraine muốn vô hiệu hóa căn cứ Nga ở Crimea?

Hoàng Vũ (theo Financial Time) | 29/03/2023, 15:00

Các cuộc tấn công bằng UAV gần đây của Ukraine vào Crimea làm nổi bật tầm quan trọng của việc vô hiệu hóa hỏa lực của Nga, tạo cơ sở cho cuộc phản công mùa xuân.

Theo Financial Time, Nga đã sử dụng nhiều cơ sở quân sự tại Crimea (vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga sáp nhập từ năm 2014), gồm cả cảng Sevastopol, nơi có hạm đội Biển Đen, và căn cứ không quân Saki, để tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine và hỗ trợ lực lượng mặt đất ở phía nam và phía đông.

Giới chức Nga đã xác nhận có các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào cảng Sevastopol và trung tâm đường sắt phía bắc Dzhankoi, nhưng nói không có thiệt hại nào đối với tài sản quân sự.

ukraine-crimea.png
Các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào cơ sở Nga ở bán đảo Crimea rất quan trọng, tạo điều kiện cho các cuộc phản công vào mùa xuân - Ảnh: Financial Time

Phía Ukraine nói rằng một chuyến tàu chở tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã bị UAV Ukraine đánh trúng ở Dzhankoi, cách vị trí gần nhất của Ukraine khoảng 130km.

Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “ít kịch tính hơn nhiều” so với vụ nổ hồi tháng 10 năm ngoái khi làm hỏng cây cầu qua eo biển Kerch nối Crimea với bán đảo Taman của Nga.

Ukraine được cho là đang ưu tiên các cuộc tấn công gây thiệt hại hoặc phá hủy tài sản quân sự của Nga ở Crimea. Tuy nhiên Kyiv đang tránh nhận trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga cũng như Crimea.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và là người đứng đầu Trung tâm Chiến lược quốc phòng, cơ quan tư vấn cho chính quyền Kyiv về các vấn đề an ninh, cho biết: “Crimea phải bị vô hiệu hóa, phải bị tấn công”.

Mỹ đã từ chối cung cấp vũ khí đủ tầm bắn cho Ukraine để các lực lượng của Ukraine tấn công khắp Crimea. Washington và các đồng minh phương Tây khác trước đó lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu tình hình leo thang hơn nữa.

Tuy nhiên, những tuần gần đây điều đó đã thay đổi, với việc các quan chức Mỹ dường như đã lên tiếng phản đối Nga sử dụng Crimea làm bệ phóng quân sự nhắm vào Ukraine.

“Có những cơ sở quân sự quy mô lớn trên Crimea mà Nga đã biến thành kho hậu cần và văn phòng hỗ trợ thiết yếu trong cuộc chiến này. Đó là những mục tiêu hợp pháp mà Ukraine đang tấn công và chúng tôi ủng hộ điều đó”, Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết vào tháng trước.

Hồi tháng 4 năm ngoái, Ukraine đã sử dụng tên lửa chống hạm Neptune tự chế tạo đánh chìm tàu Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen (Nga), làm dấy lên hy vọng rằng Kyiv sẽ có thể ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ Crimea.

chien-ham-nga.png
Tàu Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga trước khi bị chìm - Ảnh: Shutterstock

Bất chấp các cuộc tấn công bằng UAV từ phía Ukraine đã làm hư hại một số căn cứ không quân và máy bay trên bán đảo, Nga được cho là vẫn đang lạc quan về hàng loạt tàu chiến và máy bay được sử dụng để tấn công Kyiv.

Phillip Karber, chiến lược gia quân sự Mỹ cho rằng Crimea đang được Nga sử dụng như “con dao găm quân sự nhằm vào trái tim của Ukraine”.

“Bán đảo này có 6 sân bay của Nga, 20 bến cảng với tàu và tàu ngầm, 12 bệ phóng và radar phòng không tầm xa, doanh trại, trung tâm chỉ huy và kiểm soát và cây cầu qua eo biển Kerch được Nga xây dựng sau khi sáp nhập, khánh thành vào năm 2018. Tất cả những tài sản này biến Crimea trở thành căn cứ chiến lược”, Karber nói.

Karber tin rằng cuộc tấn công toàn diện bằng máy bay không người lái và tên lửa của các lực lượng Ukraine trong vài ngày có thể đủ để khiến Crimea “hết giá trị của vị trí quân sự”.

Kyiv đã tăng cường nỗ lực phát triển UAV của riêng mình và mua thêm những chiếc có khả năng tấn công tầm xa hơn. Nhưng không rõ liệu Ukraine có tích lũy đủ cho một chiến dịch lớn nhằm phi quân sự hóa Crimea, đồng thời hỗ trợ các cuộc phản công ở những nơi khác hay không.

Khả năng “thay đổi cục diện chiến sự” đã xuất hiện trong nhiều tháng qua khi danh sách yêu cầu viện trợ vũ khí của Ukraine được các nước phương Tây đáp ứng. Chúng có thể bao gồm tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km, tích hợp từ các hệ thống HIMARS mà Ukraine đã có được.

Mỹ đang chần chừ trong việc gửi ATACMS cho Ukraine vì lo ngại Kyiv có thể sử dụng tên lửa tầm xa này để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow.

“Với bất kỳ gói hỗ trợ nào, chúng tôi cũng luôn cân nhắc mức độ sẵn sàng và nguồn dự trữ của chính chúng tôi trong khi vẫn có thể cung cấp cho Ukraine những gì họ cần trên chiến trường. Có nhiều cách khác để cung cấp cho Kyiv những khả năng cần thiết để tấn công các mục tiêu của Nga”, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay.

ten-lua-my.png
Ukraine đang yêu cầu Mỹ gửi ATACMS, hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa - Ảnh: Getty

Các hệ thống tên lửa HIMARS được trang bị hỏa lực ở khoảng cách 70km đã chứng minh rất quan trọng đối với sự thành công trong hai cuộc phản công của Ukraine vào mùa thu năm ngoái.

Một chiến dịch của Ukraine nhằm vô hiệu hóa Crimea sẽ dễ dàng thành công hơn với các máy bay chiến đấu F-16 nếu được phương Tây đồng ý cung cấp, mặc dù lựa chọn này đòi hỏi nhiều tháng huấn luyện phi công.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra nếu tấn công Crimea. “Đó thực sự là một pháo đài quân sự ngay giữa Biển Đen. Đây là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia ở khu vực Biển Đen. Và, tất nhiên, chủ yếu là cho Ukraine”, Serhii Kuzan, chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm An ninh và hợp tác Ukraine ở Kyiv, nhận định.

Theo cố vấn quân sự Ukraine Zagorodnyuk, nếu cuộc phản công tiếp theo của Ukraine nhắm vào các lực lượng Nga đang kiểm soát ở phía nam, thì Crimea chính là “chìa khóa".

“Vấn đề vô hiệu hóa hoàn toàn, để Crimea không còn là một nguồn đe dọa, chỉ có thể thực hiện được sau khi Crimea được giải phóng”, ông nói.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Ukraine muốn vô hiệu hóa căn cứ Nga ở Crimea?