Theo Wall Street Journal (WSJ), thay vì vạch ra các kế hoạch cụ thể, các nhà lãnh đạo phương Tây hiện chỉ biết hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc.

Báo Mỹ: Phương Tây thiếu chiến lược nghiêm túc để sớm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine

Hoàng Vũ (theo WSJ) | 28/03/2023, 13:30

Theo Wall Street Journal (WSJ), thay vì vạch ra các kế hoạch cụ thể, các nhà lãnh đạo phương Tây hiện chỉ biết hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc.

Washington và các quốc gia NATO đang kỳ vọng một cuộc phản công của Kyiv với sự tăng cường, viện trợ xe tăng phương Tây và các loại vũ khí mới khác, sẽ khiến quyền kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ Ukraine suy yếu vào mùa xuân này.

Về lý thuyết, điều đó mang lại cho các lực lượng của Kyiv lợi thế chiến trường buộc Moscow phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình có lợi cho Ukraine, trong đó Nga phải nhượng lại phần lãnh thổ mà họ đã kiểm soát từ tháng 2 năm ngoái.

Nhưng không nhiều quan chức phương Tây tin tưởng rằng chiến tranh và hòa bình sẽ diễn ra một cách "gọn gàng" như vậy, và có rất ít dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Ukraine có một kế hoạch nghiêm túc để định hình chiến lược một cách cụ thể.

Báo WSJ cho rằng, nhiều quốc gia ủng hộ Ukraine đang tập trung vào một ưu tiên ngắn hạn trong việc cung cấp đủ đạn dược cho Kyiv nhằm kìm chân Nga ở miền đông Ukraine, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc phản công chớp nhoáng.

Điều này chỉ dẫn tới một cuộc chiến tiêu hao kéo dài cho đến khi một bên bị đánh bại hoặc kiệt sức đến mức phải dừng lại. Các nhà ngoại giao nhận định rằng kết cục của cuộc chiến sẽ được tính bằng năm chứ không phải bằng tháng.

linh-ukraine1.jpg
Lính Ukraine chiến đấu tại khu vực gần thành phố Bakhmut - Ảnh: AP

Trước tình hình này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số đồng minh mong muốn phương Tây đưa ra các đảm bảo an ninh giúp Ukraine và Nga có thể chung sống “hòa thuận” cùng nhau.

Ông Macron là người cởi mở nhất trong việc thúc đẩy một giải pháp nhanh hơn. Ông đã kêu gọi Ukraine tìm kiếm các cuộc đàm phán với Điện Kremlin trong năm nay.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến mà ai cũng nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, cho đến nay, chưa bên nào tỏ rõ thái độ quan tâm đến việc xem xét kết thúc chiến tranh bằng hòa bình, và điều này khó thay đổi.

“Nga rất có thể đang tính toán thời điểm có lợi cho mình. Và việc kéo dài xung đột có thể là con đường tốt nhất để đảm bảo các lợi ích chiến lược cho Nga ở Ukraine, ngay cả khi phải mất nhiều năm”, Avril Haines, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nói trước Thượng viện hồi đầu tháng này.

Bên cạnh đó, kịch bản về một ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa ít ủng hộ Kyiv đắc cử vào năm 2024 có thể làm Nga tự tin hơn trên chiến trường.

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đang bào mòn nền tảng kinh tế của Nga. Nhưng Moscow hiện chỉ đối mặt một chút trở ngại trong nước. Nền kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều chuyên gia dự đoán, một phần là do sự hỗ trợ của Trung Quốc và việc nhiều nước như Ấn Độ cùng các nước khác tiếp tục mua dầu Nga.

“Điều chúng tôi lo lắng là Nga vẫn có thể ổn định ngân sách của mình. Thật khó khăn, nhưng họ đang làm tốt hơn những gì chúng tôi mong đợi với các biện pháp trừng phạt”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định, sự hỗ trợ mà ông Putin nhận được gần đây từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã làm tăng khả năng chịu đựng của Nga.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh của Ukraine đã nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ quyết định nào về cách thức kết thúc cuộc chiến đều tùy thuộc vào Kyiv.

“Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Ukraine thất thủ. Đây là cách tôi nhìn nhận về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Kyiv. Tôi quan tâm nhiều hơn đến các đối tác và bạn bè Tây Âu của mình vì họ ít kiên nhẫn hơn”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 24.3.

Chính phủ Ukraine vẫn khẳng định rằng, họ không quan tâm đến hòa bình cho đến khi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục. Tuy vậy, các nhà ngoại giao nói rằng ngay cả khi được cung cấp vũ khí mới, các lực lượng Ukraine khó có thể giành được lợi thế chiến trường đủ để yêu cầu trả lại toàn bộ khu vực đang kiểm soát.

Trong khi đó, các đồng minh của Ukraine có thể làm nhiều điều hơn để có lợi cho Kyiv. Anh và Ba Lan đã đi đầu trong việc thúc đẩy trang bị vũ khí mạnh hơn, chẳng hạn như Anh cung cấp vũ khí tầm xa và Ba Lan hứa hẹn cung cấp một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu phản lực. Nhưng việc cung cấp nhiều các loại vũ khí có thể khiến cuộc chiến leo thang ngoài Ukraine.

Mỹ đang thận trọng trong việc gửi vũ khí cho Ukraine. Washington đã từ chối gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 tầm xa, hoặc ATACMS. Ngay cả các bệ phóng tên lửa tiên tiến của HIMAR gửi tới Ukraine cũng được sửa đổi để tầm bắn của chúng bị hạn chế.

Washington và các đồng minh châu Âu có thể khiến ông Zelensky chấp nhận đi tới thỏa hiệp với Nga bằng cách đe dọa chậm lại việc cung cấp vũ khí và viện trợ. Nhưng việc cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ của Ukraine sẽ là dấu chấm hết cho chính quyền của Tổng thống Zelensky.

Hơn nữa, đa phần giới chức phương Tây đều coi cuộc chiến tại Ukraine là thời điểm quan trọng đối với các nền dân chủ ở khắp mọi nơi, cũng như củng cố quyết tâm hỗ trợ Kyiv lâu dài.

“Tất cả mọi người đều tin rằng về cơ bản đây là cuộc đấu tranh về các giá trị dân chủ, về pháp quyền, toàn vẹn lãnh thổ, về tự do”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết.

Tuy vậy, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tiết lộ, hiện không có sáng kiến ngoại giao nghiêm túc về các giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến hay kế hoạch hậu xung đột.

“Không khó để lên ý tưởng cho một tiến trình hòa bình tại Ukraine, song để triển khai nó một cách thực tế là một điều khó khăn hơn rất nhiều”, vị quan chức cho biết.

Bài liên quan
TikTok hiện thông báo tạm ngừng hoạt động ở Mỹ, nhắc đến ông Trump, vẫn khả dụng tại Việt Nam
TikTok đã ngừng hoạt động tại Mỹ hôm 19.1 trước khi lệnh cấm liên bang với ứng dụng video ngắn do tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) sở hữu có hiệu lực, cắt đứt quyền truy cập vào nền tảng có hơn 170 triệu người dùng Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Phương Tây thiếu chiến lược nghiêm túc để sớm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine