Trong thời đại toàn cầu hóa, nơi mỗi biển hiệu có thể trở thành biên giới cho sức mạnh và quyền lực của các thương hiệu toàn cầu, thì vì sao một nền kinh tế được xem là năng động như Việt Nam lại có quá ít thương hiệu quốc gia?

Vì sao Việt Nam có ít thương hiệu quốc gia?

Nhàn Đàm | 17/09/2016, 17:17

Trong thời đại toàn cầu hóa, nơi mỗi biển hiệu có thể trở thành biên giới cho sức mạnh và quyền lực của các thương hiệu toàn cầu, thì vì sao một nền kinh tế được xem là năng động như Việt Nam lại có quá ít thương hiệu quốc gia?

Chưa khi nào mà câu chuyện thương hiệu lại trở nên nóng như ở thời điểm hiện tại, khi mà nó đang có xu hướng trở thành vấn đề có tầm quan trọng cốt lõi trong việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn, trong đó không ít bộ ngành yêu cầu cần giữ nguyên trong quá trình chuyển nhượng, vì đó là những thương hiệu quốc gia, như Vinamilk, Sabeco…

Thương hiệu quốc gia dĩ nhiên là quan trọng, và các bộ ngành yêu cầu như vậy cũng là điều đúng đắn. Nhưng nhìn lại nền kinh tế Việt Nam, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra rằng hiện đang có quá ít những thương hiệu quốc gia như vậy. Trong thời đại toàn cầu hóa, nơi mỗi biển hiệu có thể trở thành biên giới cho sức mạnh và quyền lực của các thương hiệu toàn cầu, thì vì sao một nền kinh tế được xem là năng động như Việt Nam lại có quá ít thương hiệu quốc gia?

“Một trong những thước đo trình độ phát triển đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào số lượng các thương hiệu nổi tiếng mà nền kinh tế đó sở hữu”, đó là một góc nhìn quen thuộc và khá phổ biến trên thế giới dựa trên khía cạnh thương hiệu kinh tế. Nhưng ở Việt Nam dường như đó vẫn là một điều gì đó còn mới mẻ thậm chí cả với những cơ quan quản lý và quy hoạch nền kinh tế.

Chỉ đến khi các DNNN lớn đứng trước khả năng thoái toàn bộ vốn sở hữu nhà nước, và có thể rơi vào tay các ông chủ nước ngoài, thì vấn đề tầm quan trọng của các thương hiệu lớn mới được đặt ra. Điều đó cũng không phải là việc gì quá ngạc nhiên, khi mà một thực tế khá cay đắng đối với nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua là việc chúng ta sở hữu quá ít những thương hiệu mang tầm quốc gia, chứ chưa nói đến tầm quốc tế.

Đơn cử là trong lĩnh vực nông nghiệpvới tổng kim ngạch xuất khẩu có giá trị lên tới khoảng 40 tỉ USD mỗi năm, thì cũng gần như không có một thương hiệu nào đáng kể, dù cho Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu một số loại nông sản như lúa gạo hay cà phê. Ngành xuất khẩu lúa gạo là một ví dụ điển hình, khi mà dù cho Việt Nam đã là một nước xuất khẩu gạo từ những năm 1990, và trong cả chục năm qua là một trong hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thì đến hiện tại chúng ta vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia nào. Và cũng chỉ mới đến gần đây thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mới kết hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) bắt tay vào thực hiện việc này (theo The Saigon Times), hiện vẫn chưa có kết quả. Cũng tương tự là các mặt hàng chủ lực như cà phê hay tôm, khi Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê số hai thế giới, và là một trong những nước có thế mạnh về tôm xuất khẩu, nhưng chỉ mới đến gần đây vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho hai sản phẩm này mới được đặt ra.

Cũng không quá khó để tìm ra những lý do cho sự chậm trễ này. Nó đến từ việc chính sách kinh tế của Việt Nam chú trọng đến xuất khẩu nông sản thô và hạn chế doanh nghiệp (vốn là đối tượng có thể tạo dựng thương hiệu nhất) tham gia. Trong đó, hạn chế doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và hiện đại là nguyên nhân cho mọi vấn đề của ngành nông nghiệp hiện nay, trong đó có vấn đề xây dựng thương hiệu.

Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì hiện chỉ có 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ thì khó có khả năng phát triển được các thương hiệu lớn mang tầm quốc gia chứ chưa nói đến quốc tế. Sở dĩ số doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp vừa ít lại vừa nhỏ là vì những chính sách không phù hợp vẫn đang ngự trị ở lĩnh vực này, mà điển hình là vấn đề tích tụ đất đai.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ việc Việt Nam quá chú trọng đến xuất khẩu nông sản thô có giá thành rất thấp. Một ví dụ điển hình thường được nhắc đến là việc 1 kg cà phê của Việt Nam xuất khẩu bán được 2 USD, nhưng được các thương hiệu lớn mua về xử lý và đóng gói rồi bán với giá thành gấp cả trăm lần (theo CafeF). Chỉ đến khi ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% những tháng đầu năm nay do thiên tai, ô nhiễm và mô hình tăng trưởng cũ đã cạn kiệt, thì vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia mới bắt đầu được đặt ra như một giải pháp tháo gỡ tình hình.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại hầu hết các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trừ một số rất ít các thương hiệu có thể tự xây dựng tên tuổi ở trong và ngoài nước do sự thành công trong kinh doanh của mình như Viettel hay Vinamilk, thì số thương hiệu của Việt Nam được thế giới biết đến là rất ít ỏi. Chẳng hạn như việc Việt Nam hiện là một trong mười quốc gia xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới, nhưng không nhiều người tại các quốc gia khác biết đến các thương hiệu chủ lực của Việt Nam trong ngành này như FPT (theo CafeF).

Lý do chủ yếu cho tình trạng này, là việc Việt Nam hiện tại vẫn chưa có một chính sách rõ ràng và cụ thể trong việc phát triển các thương hiệu quốc gia. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe, thì dù Việt Nam đã có Luật sở hữu trí tuệ từ năm 2006, trong đó định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng chúng ta lại chưa có cơ chế hướng dẫn cụ thể nào về việc làm sao để công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng. Điều này dẫn đến việc 10 năm qua Việt Nam vẫn loay hoay chưa có một nhãn hiệu nổi tiếng có thể bảo vệ doanh nghiệp. Vị CEO này cũng đề xuất cần phải có một Luật bình đẳng và quy định rõ ràng cơ chế để hiện thực hóa luật định (theo CafeF).

Nói cách khác, lý do chủ yếu khiến Việt Nam có ít nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận, là vì Luật không hướng dẫn cách thực hiện, khắt khe hơn một chút thì có vẻ như luật pháp đang ngăn chặn các thương hiệu trở nên nổi tiếng một cách hợp pháp, và chỉ có thể nổi tiếng một cách không chính thức thông qua sự đánh giá cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều này có phần hơi nghịch lý khi một số bộ ngành lại đang là người quyết liệt nhất trong việc đứng ra bảo vệ các thương hiệu DNNN lớn sắp được thoái vốn hoàn toàn.

Một nền kinh tế vắng bóng các thương hiệu lớn là một nền kinh tế thiếu phát triển. Và một nền kinh tế thiếu đi cơ chế cụ thể và rõ ràng để công nhận các thương hiệu lớn một cách hợp pháp, thì là một nền kinh tế đang tự tước đi cơ hội phát triển của chính mình.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Việt Nam có ít thương hiệu quốc gia?