“Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng” – Đó là tất cả những gì họa sĩ 11 tuổi Hoàng Nhật Quang muốn chuyển tải đến người xem qua triển lãm “Những linh hồn giấu” đang diễn ra tại TP.HCM.

Video: Họa sĩ 11 tuổi và ‘Những linh hồn giấu’

Tiểu Vũ (thực hiện) | 10/06/2023, 07:03

“Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng” – Đó là tất cả những gì họa sĩ 11 tuổi Hoàng Nhật Quang muốn chuyển tải đến người xem qua triển lãm “Những linh hồn giấu” đang diễn ra tại TP.HCM.

img_9431.mov_snapshot_01.55.063.jpg
Hoàng Nhật Quang tại phòng tranh - Ảnh: Tiểu Vũ 

Những ngày qua, công chúng yêu mỹ thuật và giới hội họa TP.HCM đã không khỏi ngỡ ngàng khi thưởng lãm những bức tranh tranh sống động được bày tại Những linh hồn giấu của một họa sĩ nhỏ tuổi đến từ Lạng Sơn. Tác giả của triển lãm là em Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, học lớp 5) người dân tộc Tày.

Video: Thưởng lãm phòng tranh “Những linh hồn giấu” và nghe những chia sẻ hồn nhiên của Hoàng Nhật Quang:

Hoàng Nhật Quang từ nhỏ đã được tiếp xúc với hội họa nhờ có bố là họa sĩ Hoàng Văn Điểm có xưởng vẽ chung với họa sĩ Cao Thanh Sơn. Đây cũng là nơi Quang thường đến chơi. Vốn có tính tò mò thích khám phá, nên Quang thường cầm cọ và màu để vẽ. Đến năm 4 tuổi thì Quang đã hoàn thành những bức tranh đầu tiên trên giá vẽ. Lúc đó gia đình cũng chỉ nghĩ Quang vẽ vui chơi thôi, cũng chẳng để ý gì nhiều. Sau đó, Quang vẽ nhiều tranh màu sáp trên giấy. Để khuyến khích con, bố đã mua lại mỗi bức tranh con vẽ hoàn chỉnh là 10.000 đồng, xem như tiền quà vặt hàng ngày. Mãi đến năm 9 tuổi, Quang mới vẽ những bức tranh khổ lớn hơn bằng chất liệu acrylic.

Theo chia sẻ của gia đình, Quang có thể vẽ bất cứ lúc nào em thích. Có lúc đang chơi cùng bạn bè trong xóm thì chạy về vẽ hình bằng màu luôn không cần phát thảo trước. Chủ đề trong tranh của Quang cũng rất tự do, không có định hướng, thích cái gì thì vẽ cái đó. Quang vẽ phóng khoáng, không theo quy củ gì cả. Là bố và cũng là thầy dạy mỹ thuật, họa sĩ Hoàng Văn Điểm muốn đề cao sự tự do sáng tạo của con trai nên anh không dạy Quang về hình họa, bố cục. Chỉ góp ý khi thấy bức nào vẽ quá chật, quá rối thì bảo con xóa bớt, hoặc xóa đi vẽ bức mới. Góp ý vậy, còn Quang có nghe theo hay không đối với anh không hề quan trọng miễn Quang thấy ưng ý là được.

img_e9523.jpg
Hoàng Nhật Quang dưới tác phẩm của mình - Ảnh: Tiểu Vũ 

Khi hỏi Quang vẽ gì trong tranh? Quang trả lời là “con không biết, con thích thì con vẽ thôi”. Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không.

“Thi thoảng lên hình xong, thấy không ưng ý, thì dùng màu xóa toàn bộ, xong lại vẽ ý tưởng khác. Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn”, họa sĩ Hoàng Văn Điểm chia sẻ.

img_9400.jpg
Hoàng Nhật Quang và nhà sưu tập Bùi Quốc Chí tại phòng tranh - Ảnh: Tiểu Vũ 

Nhận xét về tranh của Hoàng Nhật Quang, họa sĩ Thành Chương (Hà Nội) nói: “Tranh của Hoàng Nhật Quang có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tráng của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu. Bằng một sức lực lao động với những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều, ngoài sự đam mê, ở Hoàng Nhật Quang chắc chắn phải có tài năng. Quả thực, đây có thể coi là một hiện tượng mở ra khả năng phát triển lâu dài và sự hy vọng...”

Họa sĩ Thanh Bình (TP.HCM) cũng dành cho Quang những lời khen ngợi: “11 tuổi. Đúng bằng tuổi mình khi học năm thứ nhất, sơ trung 7 năm (Cao đẳng mỹ thuật). Thật sự là tài năng. Bởi sau 50 năm làm nghề tôi hiểu, ở tuổi đó vẽ được như vậy chắc chắn là khả năng thiên phú...”

Video chia sẻ của nhà sưu tập tranh Bùi Quốc Chí về tranh của Hoàng Nhật Quang: 

“Những linh hồn giấu” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Hoàng Nhật Quang sau khi em giành giải Khát vọng Dế Mèn tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023. Triển lãm do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Huyen Art House, cùng gia đình thực hiện. Triển lãm bày  25 tranh tại Huyen Art House (Q.1, TP.HCM) từ 8-18.6.2023. 

Mục đích chính của triển lãm này là giới thiệu các tác phẩm tươi mới của Quang đến với công chúng TP.HCM, cũng là cách mà Giải thưởng Dế Mèn đồng hành với tác giả được giải, nhất là các tác giả thiếu nhi.

Hoàng Nhật Quang và gia đình cũng muốn trích một phần tiền bán tranh để góp vào quỹ Vì mái trường cho em của báo Thể thao và Văn hóa. Quỹ này hướng đến việc cải tạo, xây mới các lớp học cho thiếu nhi ở các địa bàn còn khó khăn, thiếu thốn. Quỹ đã xây mới và bàn giao sử dụng một lớp học tại tỉnh Sơn La, sắp tới đây là khởi công một lớp học mới tại huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Mỗi lớp học khoảng 300 triệu đồng.

Bài liên quan
Thấy gì từ triển lãm của thi sĩ Bùi Chát?
Vốn là người làm thơ và xuất bản sách, Bùi Chát rẽ ngang qua vẽ tranh và mở triển lãm khiến cho nhiều người bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
8 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Video: Họa sĩ 11 tuổi và ‘Những linh hồn giấu’