“Cháu bị đánh đập, bỏ đói, bị ép làm các app giả gái để lừa người ta nạp tiền vào. Cháu quá sợ hãi và lo cho tính mạng của mình. Nếu không được chuộc, cháu sẽ tiếp tục bị bán cho các công ty khác và tiếp tục bị hành hạ”, Tuấn – một thanh niên vừa được “chuộc” từ Campuchia chia sẻ.

“Việc nhẹ lương cao” tại Campuchia: Sống trong đòn roi và sợ hãi!

Trí Lâm | 07/07/2022, 10:43

“Cháu bị đánh đập, bỏ đói, bị ép làm các app giả gái để lừa người ta nạp tiền vào. Cháu quá sợ hãi và lo cho tính mạng của mình. Nếu không được chuộc, cháu sẽ tiếp tục bị bán cho các công ty khác và tiếp tục bị hành hạ”, Tuấn – một thanh niên vừa được “chuộc” từ Campuchia chia sẻ.

Bị đánh đập, bỏ đói, ép đi lừa đảo

Một buổi chiều cuối tháng 6.2022, chị Thanh rụng rời khi con trai gọi điện về nói đang ở Campuchia, cần gia đình gửi tiền sang chuộc về. Thông tin này khiến cả gia đình lao động nghèo như chị Thanh sửng sốt với hàng loạt câu hỏi vì sao con đang làm việc ở Vũng Tàu lại ở Campuchia? Vì sao bị đánh đập và phải gửi tiền chuộc về?

Tuy nhiên, khi nghe đến số tiền chuộc 140 triệu và nếu không chuộc có thể sẽ tiếp tục bị đánh đập, bị bán đi hoặc có thể mất mạng, chị Thanh gần như ngất lịm. Cả tuần đó, chị chỉ biết khóc, việc vay mượn tiền bạc, trình báo cơ quan công an… phải nhờ người em chồng lo liệu tất cả. Sau gần một tuần, Tuấn – con trai chị Thanh được chuộc về với chi phí hơn 100 triệu đồng.

Đã tạm “hoàn hồn”, Tuấn cho biết được một người đặt hàng đi setup nhà hàng Việt Nam tại Phnompênh, Campuchia. Thời gian thi công chỉ khoảng 1 tuần là xong công trình và thù lao 60 triệu đồng.

cam-3(1).jpg
Tin nhắn Tuấn cầu cứu gia đình khi bị lừa bán qua Campuchia - Ảnh: Lam Thanh

“Công việc của cháu thường ngày ở Việt Nam là đi setup và decor trang trí phối cảnh. Bên đó thoả thuận sẽ lo hết cả chi phí. Sau khi qua thì cháu được đưa vào 1 nhà chứa người, gọi là nhà xe. Ở trong đó có rất nhiều người bị lừa và tìm công việc tương tự. Sau khi ngủ tại đó 1 đêm thì sáng sớm tất cả được đi các khu vực tại Campuchia để bán vào các công ty của Trung Quốc”, Tuấn nói và cho biết khi này mới biết là đã bị lừa.

Sau khi biết bị lừa, Tuấn và rất nhiều người khiếu nại và bị đưa về 1 nhà khác rồi bị đánh, ép vào công ty của Trung Quốc làm việc. “Khi cháu đến công ty, họ mang máy tính ra kêu mình đánh máy. Cháu được mua với giá 2.000 đô la và nếu muốn về thì phải gọi điện về nhà yêu cầu người nhà mang 140 triệu để chuộc về. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng cháu buộc phải gọi về, nếu không sẽ phải chịu đòn và có thể tiếp tục bị bán đi hoặc mất mạng”, Tuấn kể lại.

“Cháu bị đánh đập, bỏ đói, bị ép làm các app giả gái để lừa người ta nạp tiền vào. Cháu quá sợ hãi và lo cho tính mạng của mình. Nếu không được chuộc, cháu sẽ tiếp tục bị bán cho các công ty khác và tiếp tục bị hành hạ tương tự”, Tuấn nói.

Tuấn cho hay loại tội phạm này hiện nay không chỉ chờ người có nhu cầu “việc nhẹ lương cao” tìm đến họ trên mạng xã hội mà họ chủ động tìm người, “săn người”. “Họ đã tìm hiểu về cháu, biết công việc của cháu làm và đặt hàng để lừa cháu”, Tuấn nói và cho biết có những trường hợp gửi tiền sang chuộc nhưng lại tiếp tục bị lừa bán và phải chuộc tiếp.

Không chỉ với nam, nhiều cô gái cũng trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người nguy hiểm này. Công an Đồng Nai hồi đầu năm đã khởi tố Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi), Lộc Thị Luân (21 tuổi) và Ngô Nguyễn Đông Khoa (54 tuổi) về hành vi Mua bán người; Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Dũng móc nối với Luân đăng thông tin tuyển nhân viên nữ sang Campuchia làm việc tại quán karaoke, casino, sòng bạc... với mức lương cao. Mỗi người tuyển được Dũng trả công cho Luân 10 triệu đồng.

Sau khi các cô gái đồng ý, nhóm này đưa lên ôtô chở đến cửa khẩu các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước rồi đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Đến nơi, các nạn nhân bị ép làm gái mại dâm tại các quán karaoke, massage trá hình. Các cô gái không đồng ý làm việc, bị chúng yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền chuộc từ 100 đến 150 triệu đồng mới cho về nước.

Không đủ tiền đưa thi thể con về

Những trường hợp như Tuấn không hiếm. Trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Ngoài ra hàng trăm người được gia đình gửi tiền sang chuộc về.

Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt – tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay – tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile - tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom – tỉnh Kandal và tại Thành phố Phnompênh.

Tuy nhiên, như lời các nạn nhân, còn sống trở về dù sao cũng còn may mắn. Nhiều trường hợp không may mắn như vậy, phải bỏ mạng nơi xứ người. Trường hợp anh Nguyễn Văn Được là một ví dụ.

Nói với Một Thế Giới, Chị Nguyễn Hồng Phúc, em ruột anh Nguyễn Xuân Được (26 tuổi), Thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết anh trai đã mất tại Campuchia, nhưng hiện tại gia đình không thể đưa được thi thể về bởi hoàn cảnh khó khăn, không lo đủ tiền.

Vốn là gia đình có nghề đi biển, nhưng cuộc sống khó khăn, khoảng đầu tháng 4.2022, anh Được bất ngờ bỏ nghề, nghe lời bạn rủ sang Campuchia và đang làm việc cho một công ty ở Sihanoukville.

Tuy nhiên, công ty mỗi ngày lại tăng chỉ tiêu, nếu không đáp ứng thì bị đánh đập, chích điện, bỏ đói rất đau đớn. Đầu tháng 6.2022, Được nhiều lần nhắn tin nói gia đình vay mượn đủ 53 triệu đồng để sang Campuchia chuộc mình về. Đến chiều ngày 5.6, anh Được lại nhắn tin yêu cầu gia đình đừng vay mượn tiền bạc để chuộc anh về nữa vì có khả năng bị nhóm người ở Campuchia lừa đảo, sau đó thì không liên lạc nữa.

cam.jpg
Giấy báo tử sau một thời gian làm việc tại Campuchia, hiện gia đình không đủ kinh phí mang thi thể về

Gia đình đã đến chính quyền, công an địa phương trình báo và ba ngày sau nhận được tin anh Được đã chọn cách treo cổ tự tử. Người nhắn tin cho gia đình tự xưng “bác sĩ người Việt tên là HK” ở Campuchia và gửi kèm chứng minh nhân dân của anh Được cùng một biên bản bàn giao thi thể của Văn phòng Cảnh sát kỹ thuật khoa học Campuchia.

Theo biên bản này, anh Nguyễn Xuân Được là nhân viên Viện công nghệ Jin Chhay ở số 1, Sihanoukville, tỉnh Preah treo cổ tự sát ngày 8.6 và thi thể đang được lưu giữ tại chùa Stung Meanchey, Phnom Pênh.

Theo chị Phúc, việc anh Được tự tử là điều quá bất thường, không thể tin được. Người gửi cho biết nếu gia đình muốn đưa thi thể anh Được về phải bỏ ra số tiền 132 triệu đồng, còn nếu để lâu hơn thì số tiền còn tăng lên do thời gian lưu giữ, bảo quản, mỗi ngày cả triệu đồng.

Chị Phúc cho biết gia đình đã lập bàn thờ cho anh trai ở nhà để cúng vọng, còn việc đưa thi thể anh Được về nhà chưa biết khi nào có thể thực hiện được vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không thể xoay sở được số tiền lớn như vậy, trong khi số tiền mỗi ngày một lớn thêm. Chị Phúc mong cơ quan chức năng có thể hỗ trợ gia đình trong vấn đề này.

Cầm đầu là người Trung Quốc

Theo Bộ Công an, đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.

Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD.

Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

cam-pu-chia.jpg
Nạn nhân làm việc với cơ quan công an sau khi được giải cứu từ Campuchia

Công an nhiều địa phương đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến việc đưa người sang Campuchia.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Việc nhẹ lương cao” tại Campuchia: Sống trong đòn roi và sợ hãi!