Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng việc mất điện trên diện rộng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc không được công ty điện lực thông báo trước hoàn toàn là lỗi của bên công ty điện lực. Nếu gây thiệt hại khách hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường.
Trưa 4.7, tại một số khu vực nội thành Hà Nội đã xảy ra tình trạng mất điện, tăng- giảm điện áp đột ngột, một số gia đình hỏng thiết bị điện tử.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 4.7, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng cung cấp điện của một số khách hàng ở phía bắc.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn cung cấp điện tới một số khách hàng ở phía bắc.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã tích cực phối hợp với các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện khắc phục sự cố, khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất cho khách hàng. Tới 15 giờ ngày 4.7, toàn bộ các khách hàng bị gián đoạn cung cấp điện đã được khôi phục cung cấp điện và hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định trở lại.
Trước đó, EVN đã đưa ra cảnh báo diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh. Công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới.
Khi sự cố điện áp tăng xảy ra đã khiến nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa... bị cháy hỏng. Trước tình trạng này, nhiều người băn khoăn EVN có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng hay không?
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết đầu tiên, cần xác định quan hệ giữa công ty điện lực và khách hàng là quan hệ được hình thành dựa trên hợp đồng ký kết về việc cung cấp điện nên theo nguyên tắc bên nào vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì phải có trách nhiệm bồi thường cho bên kia nếu gây ra thiệt hại.
“Việc mất điện trên diện rộng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc không được công ty điện lực thông báo trước hoàn toàn là lỗi của bên công ty điện lực. Nếu gây thiệt hại khách hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường”, ông Hùng nói.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hệ thống tải điện quá tải, điện áp tăng cao dẫn đến mất điện và chập cháy một số các thiết bị điện.
Theo luật sư Hùng, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, hệ thống tải điện là một nguồn nguy hiểm cao độ. Công ty điện lực phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi, trừ hai trường hợp sau: “Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, ông Hùng cho rằng trong trường hợp này nếu bên công ty điện lực không chứng mình được đây là trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khánh hàng. Ngoài ra, khách hàng còn có thể yêu cầu bồi thường tổn thất về mặt tinh thần nếu chứng minh được các thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi vi phạm của công ty điện lực gây ra.