Ngoài những bị cáo tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An bị đưa ra xét xử trong vụ án Việt Á do Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý, thì kit xét nghiệm của Việt Á còn “vươn vòi” gây họa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo dòng thời sự

Việt Á khiến hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh thành vướng vòng lao lý

Nhã Thanh 10/01/2024 11:20

Ngoài những bị cáo tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An bị đưa ra xét xử trong vụ án Việt Á do Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý, thì kit xét nghiệm của Việt Á còn “vươn vòi” gây họa tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Vụ án Việt Á do Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý, TAND TP.Hà Nội đang nghị án và sẽ tuyên án vào chiều 12.1. Tuy nhiên, liên quan đến sai phạm tại các tỉnh thành khác, Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh thành đã khởi tố nhiều vụ án, nhiều bị can.

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Lệ Ngọc (nguyên Phó trưởng khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, CDC Đồng Tháp); Trần Văn Hai (nguyên Giám đốc CDC Đồng Tháp); Huỳnh Văn Thêm (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp).

Các bị can này cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại 5 hợp đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 79 tỉ đồng.

viet-a.jpg
Bộ kit xét nghiệm của Việt Á - Ảnh: Tư liệu

Tại tỉnh Trà Vinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Đắc Thanh (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Trà Vinh); Lê Văn Thanh (nguyên Phó khoa Xét nghiệm, CDC Trà Vinh); Nguyễn Văn Lơ (nguyên Giám đốc CDC Trà Vinh) và Nguyễn Văn Truyền (chuyên viên Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế Trà Vinh) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can đã vi phạm tại 5 hợp đồng, gây thiệt hại hơn 7,6 tỉ đồng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Hùng (Giám đốc); Phan Thị Ngọc Thấm (kỹ thuật viên trưởng, phụ trách Khoa Sinh hóa - Vi sinh - Miễn dịch - Sinh học phân tử); Đinh Thị Thanh Chi (Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại 4 hợp đồng, gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng.

Ngoài các tỉnh thành nêu trên, liên quan đến Việt Á, Cơ quan CSĐT Công an các tỉnh thành Hậu Giang, Cà Mau, Bình Phước, Ninh Thuận, Yên Bái, Nam Định, TP.HCM… cũng đã khởi tố các vụ án cùng nhiều bị can.

truong-quang-viet-gd-cdc-ha-noi-.jpg
Ông Trương Quang Việt - Giám đốc CDC Hà Nội đã bị khởi tố - Ảnh: Internet

3 vụ án tại TP.Hà Nội

Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố 3 vụ án có liên quan đến Việt Á. Cụ thể, vụ thứ nhất, bị can Trần Lệ Tiến (Trưởng khoa Vi sinh), Quách Thị Thu Hà (Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện đa khoa Hà Đông) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 hợp đồng, thiệt hại hơn 3,3 tỉ đồng.

Vụ án thứ 2, Công an Hà Nội đã khởi tố Chu Vũ Nam (Phó trưởng phòng Vật tư, Bệnh viện đa khoa Ba Vì) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 hợp đồng, thiệt hại hơn 1,7 tỉ đồng.

Ngoài 2 vụ án nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố Trương Quang Việt (Giám đốc); Lê Minh Tuyến (Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC TP.Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 1 hợp đồng, thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.

Đã xét xử nhiều vụ án

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trần Tuấn (Giám đốc); Tô Minh Huệ (Trưởng phòng Tài chính kế toán), Phan Thị Nga (Trưởng khoa Xét nghiệm, CDC Hà Giang) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Khởi tố Phạm Thị Kim Dung (nguyên Phó giám đốc CDC Hà Giang), Hoàng Thị Phượng (cán bộ Phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Giang), Bùi Văn Tuyển (Phó giám đốc Công ty TNHH Liên hợp dược tỉnh Hà Giang) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 5 hợp đồng, thiệt hại gần 5 tỉ đồng.

vu-viet-a-ha-giang-bao-ha-giang.jpg
Các bị cáo tại CDC Hà Giang bị đưa ra xét xử vì liên quan đến Việt Á - Ảnh: Báo Hà Giang

Đưa ra xét xử vào tháng 8.2023, TAND tỉnh Hà Giang nhận định trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế giao CDC tỉnh triển khai xét nghiệm, sàng lọc vi rút SARS-Cov-2 trên địa bàn.

Để phục vụ công tác xét nghiệm, CDC Hà Giang đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Á về việc ứng trước sinh phẩm xét nghiệm thực hiện nhiệm vụ, ký các hợp đồng thanh toán cho Công ty Việt Á và Công ty TNHH Liên hợp dược Hà Giang, tổng số tiền hơn 7,8 tỉ đồng.

Qua điều tra, các bị cáo đã trực tiếp và đồng phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 5 tỉ đồng; riêng bị cáo Tuyển gây thiệt hại cho nhà nước trên 900 triệu đồng. Ngoài ra, các bị cáo nhận tổng số tiền trích phần trăm trong và ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á là hơn 1,4 tỉ đồng.

Tòa án đã tuyên phạt Phan Thị Nga 16 năm 6 tháng tù (2 tội danh); Nguyễn Trần Tuấn 11 năm tù (2 tội danh); Tô Minh Huệ 9 năm tù (2 tội danh). Các bị cáo Phạm Thị Kim Dung, Hoàng Thị Phượng, Bùi Văn Tuyển lần lượt bị tuyên mức án 3 năm, 24 tháng và 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong năm 2023, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bị cáo Trần Gia Phú (Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó giám đốc Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Theo nội dung vụ án, do có quen biết từ trước với nhân viên Công ty Việt Á, sau khi trao đổi, thỏa thuận về việc Việt Á trả cho Phú phần trăm tiền chi “ngoài hợp đồng” nếu doanh nghiệp này được Sở Y tế tỉnh Phú Thọ lựa chọn là nhà cung cấp kit xét nghiệm COVID-19, Phú đã cung cấp thông tin của Việt Á cho Sở Y tế tỉnh để đơn vị lựa chọn doanh nghiệp này là nhà thầu.

Sở Y tế đã ký 8 hợp đồng kinh tế mua kit xét nghiệm COVID-19 và vật tư tiêu hao của Công ty Việt Á theo hình thức chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách. Sau đó, Công ty Việt Á đã chuyển tiền và bị cáo Phú bị xác định là hưởng lợi bất chính số tiền hơn 2,1 tỉ đồng.

Bài liên quan
Vụ Việt Á: 2 cựu Bộ trưởng mong nhận được sự khoan hồng
Nói lời sau cùng, 2 cựu Bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh đều mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Á khiến hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh thành vướng vòng lao lý