Là một nước có thế mạnh về nông sản, thủy sản, nhưng chỉ riêng 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 693 triệu USD để nhập thủy sản và 500 triệu USD để nhập rau củ. Trong đó, lượng thủy sản và rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn.
Chi 164 triệu USD để nhập nông, thủy sản Trung Quốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 8, Việt Nam đã bỏ ra 110 triệu USD nhập thủy sản từ nước ngoài, tăng 11 triệu USD so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 693 triệu USD để nhập thủy sản.
Không những vậy, Việt Nam cũng bỏ ra 80 triệu USD để nhập rau quả trong tháng 8.2016. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 500 triệu USD để nhập rau quả.
Mặt khác, số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu 8 tháng 2016 của Tổng cục Hải Quan lại cho thấy, lượng nhập khẩu thủy sản và rau quả từ Trung Quốc đã tăng so với cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi 39 triệu USD nhập thủy sản và 125 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc. Trong khi đó, vào năm 2015, Việt Nam chi 36 triệu USD và 97 triệu USD để nhập thủy sản và rau quả từ quốc gia này.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu thủy sản, rau quả từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn (164 triệu USD) trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản, rau củ của Việt Nam trong 8 tháng qua và đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Trên thực tế, các loại rau quả có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán la liệt tại thị trường Việt Nam. Trao đổi với báo chí vào đầu tháng 8, lãnh đạo Chi cục kiểm dịch thực vật Lạng Sơn cho biết, mỗi ngày có khoảng trên dưới 200 tấn hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam.
Các loại hoa quả như cam, quýt, hồng, lựu, nho, xoài… là những loại quả có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về nhiều nhất với số lượng rất lớn.
Trong khi đó, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, có thế mạnh trồng các loại rau quả. Xoài Việt Nam hiện xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, New Zealand… Táo hay nho được trồng rất nhiều tại Ninh Thuận...
Tương tự đối với các mặt hàng thủy sản cũng vậy. Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang rất nhiều nước. Tuy nhiên trên chính thị trường nước nhà, không ít các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc vẫn được bày bán và cạnh tranh với hàng nội địa.
Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó khăn
Ngược lại, về tình hình xuất khẩu, thống kê trong 8 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt mức hơn 4,4 tỉ USD và gần 1,6 tỉ USD đối với nhóm hàng rau quả. Trung Quốc là nước đứng thứ 3 về tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây cho thấy, việc xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là qua cửa khẩu Lào Cai đang gặp khá nhiều khó khăn.
Theo đó, xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch đang bị ảnh hưởng từ chính sách quản lý biên mậu của Trung Quốc, điển hình là phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm dịch rất ngặt khiến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với mặt hàng thủy sản, phía Trung Quốc yêu cầu muốn xuất khẩu vào thị trường này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được Trung Quốc phê chuẩn.
Trong khi đó, theo quy định của cơ quan quản lý Việt Nam (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD), chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong danh sách các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, một số chưa được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc như cá hồi. NAFIQAD đã có nhiều công văn sang Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa có trả lời chính thức.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ... khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn.
Duyên Duyên