Nhờ nguồn tài nguyên khổng lồ, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á

Tuyết Nhung 18:32 22/02/2024

Nhờ nguồn tài nguyên khổng lồ, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng hydrogen) ngày hôm nay (22.2). Theo đó, chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững.

z5181700813025_b996c543ee402b69e57b4a539a56d2b4_76242.jpg
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hydrogen được xem là nguồn năng lượng sạch để các quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Vì vậy, các quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đang chạy đua để thúc đẩy nguồn năng lượng này.

Mới đây, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam là 1 trong 40 quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt chiến lược này nhằm từng bước thay thế nguyên liệu hoá thạch trong tương lai. Nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu, để chiến lược thành công cần có các kế hoạch triển khai cụ thể.

Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hdrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, Chiến lược năng lượng hydogen đã đề xuất một loạt cơ chế, chính sách mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các danh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp,...

Định hướng đến năm 2050, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hydrogen xanh và nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen trong tất cả các lĩnh vực sử dụng năng lượng để khử carbon nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050. Hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh với các dạng năng lượng khác. Phấn đấu tỉ trọng năng lượng hydrogen và nhiên liệu nguồn gốc hydrogen đạt khoảng 10% nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.

Việt Nam cũng khuyến khích việc đầu tư sản xuất năng lượng hydrogen xanh để xuất khẩu trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh và hiệu quả kinh tế. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen xanh của khu vực.

Bà Huỳnh Thị Kim Quyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions - đơn vị triển khai dự án hydrogen xanh đầu tiên tại Trà Vinh với quy mô 1,4 tỉ USD chia sẻ tập đoàn này đã có 2 năm nghiên cứu, tham khảo công nghệ trên thế giới và quyết định lựa chọn công nghệ phổ biến nhất là điện phân kiềm.

Hiện dự án hydrogen của tập đoàn đã nhận được nguồn tài chính xanh của các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế. Dự kiến dự án có thể triển khai chính thức vào quý 3 năm nay, hoàn thành xây dựng vào năm 2026 và có sản phẩm đầu tiền vào đầu năm 2027.

Ngoài tiềm năng trong chuyển dịch năng lượng, các dự án hydro xanh còn có tiềm năng bán tín chỉ carbon thông qua sản phẩm amoniac xanh. Tuy nhiên, bà Quyên cho biết giá thành sản xuất hydrogen xanh hiện vẫn cao nên các doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ để giảm giá thành, giúp công nghệ phổ biến hơn

Trong khi đó, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn đang xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi các nhà máy truyền thống sang phối trộn hydro. Nhưng đây là lĩnh vực mới nên cần có các hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, EVN kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện hydro, đảm bảo cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong hệ thống.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết ngành điện là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất nên việc chuyển sang nguồn năng lượng có nguồn gốc hydro là vô cùng cần thiết. Định hướng Việt Nam đến năm 2050 không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sinh khối/amoniac. Nhưng khó khăn lớn nhất là giá thành sản xuất, công nghệ để chuyển đổi sang hydro và khí amoniac, còn khá cao. Vì vậy, lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cần tính cả các yếu tố này.

Nhiều dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Vì vậy cần triển khai thí điểm một số dự án quy mô vừa ở các vùng tiềm năng để có đánh giá thực tế, sau đó sẽ mở rộng quy mô khi công nghệ phát triển và chính sách hoàn thiện. Bởi phát triển thị trường hydro phải phù hợp và đồng bộ với quá trình sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực khác như: sản xuất điện, giao thông, công nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện chiến lược năng lượng hydrogen. Bộ trưởng Diên nhấn mạnh đến vai trò của các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như trong sản xuất để đưa giá hydrogen về mức hợp lý.

Tại Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ Việt Nam sẽ tạo cơ chế và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng hóa thạch tích cực chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng năng lượng hydrogen. Trong đó, ban hành quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất xuất khẩu hydrogen/amoniac sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi,…); xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi (thuế, phí, đất đai,…) nhằm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng hydrogen; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng hydrogen phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

Về đầu tư, tài chính, trong giai đoạn đầu, Việt Nam sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư các dự án thí điểm sản xuất năng lượng hydrogen sạch quy mô nhỏ, phù hợp với lộ trình bắt đầu sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen với giá thành hợp lý. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai đầu tư phát triển các dự án sản xuất năng lượng hydrogen xanh quy mô lớn tại các khu vực có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, gần khách hàng tiêu thụ, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Đồng thời, huy động đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, đảm bảo quốc phòng - an ninh và cạnh tranh trong thị trường năng lượng. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (COP, JETP, AZEC,…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh...

Các dự án năng lượng có nguồn gốc hydrogen cũng sẽ được đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác công - tư...). Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thu hút mạnh sự quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen từ các loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước (trong và ngoài nước). Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.

Bài liên quan
Đức vận hành tuyến xe lửa đầu tiên trên thế giới chạy bằng hydrogen
Hai chiếc xe lửa chạy bằng hydrogen do công ty sản xuất xe lửa Pháp Alstom xây dựng hiện nay đang hoạt động ở tầm giữa hai ga 100km ở miền bắc Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á