Từ ngày 1.3 tới trần giá vé máy bay nội địa sẽ tăng nhưng hiện nay giá vé máy bay vẫn đắt đỏ, "nóng" từng ngày.
Theo Thông tư 34 mới được Bộ Giao thông vận tải ban hành, kể từ ngày 1.3 tới sẽ tăng trần giá vé máy bay nội địa. Cụ thể, thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).
Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao.
Hãng hàng không Vietnam Airlines lý giải chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển, giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) đã tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng, khiến chi phí hàng không tăng khoảng 30,5%.
Cùng với đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VNĐ. Tỷ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 đồng/USD lên 23.350 đồng/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%. Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).
Trong khi đó, giá vé máy bay những ngày qua luôn ở mức cao khiến nhiều người phải lên tiếng phản ánh. Cụ thể, trong dịp Tết 2024, nhiều hành khách phản ánh khó mua vé máy bay từ các tỉnh trở về TP.HCM. Đến ngày 21.2, một số chặng bay từ Hà Nội, Chu Lai, Huế... đến TP.HCM vẫn khó mua vé hoặc giá vé ở mức cao. Chẳng hạn, trên website của các hãng, chặng bay Hà Nội - TP.HCM, các hãng khai thác gần 20 - 25 chuyến/ngày nhưng khan hiếm vé, có hãng hết chỗ.
Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không báo cáo việc bán vé theo quy định của Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Các hãng cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động các hãng hàng không với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý. Cục Hàng không yêu cầu các hãng gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 26.2.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không Việt Nam kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về giá vé máy bay "sốt" từng ngày.
Cục Hàng không Việt Nam cũng có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tổng thị trường vận chuyển hành khách qua đường hàng không từ ngày 8 - 14.2 (tức 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết) đạt hơn 1,5 triệu hành khách (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó vận chuyển hành khách quốc tế đạt xấp xỉ 748.600 khách (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023); vận chuyển hành khách nội địa đạt hơn 762.400 hành khách (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số lượng vận chuyển hàng hóa đạt gần 8.560 tấn (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, số lượng cất/hạ cánh đạt hơn 14.500 lượt (giảm 0,7% so với cùng kỳ 2023); tổng số lượng hành khách thông qua cảng đạt hơn 2,27 triệu khách (tăng 1,4% so với cùng kỳ 2023); lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 9,6 nghìn tấn (tăng 5% so với cùng kỳ 2023).
Tổng số lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt hơn xấp xỉ 1,1 triệu hành khách (giảm 2,7% so với cùng kỳ 2023) và hơn 2,8 tấn hàng hóa (tăng 16,7% so với cùng kỳ 2023).
Quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay
Thông tư 42 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay kể từ ngày 15.2.
Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)…, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh theo quy định).
Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày tháng năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.
Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:
Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) và giấy tờ liên quan cư trú tại Việt Nam (thị thực, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ đi lại doanh nhân APEC) trừ trường hợp được miễn thị thực; chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định mới).
Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ (có xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân; thẻ đại biểu quốc hội; thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách; giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.
Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ 14 tuổi...