Cơ quan hữu quan của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi 17 văn kiện hợp tác đã ký kết trên các lĩnh vực.

Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi nhiều văn kiện quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác quy mô lớn

Tuyết Nhung | 24/06/2023, 07:42

Cơ quan hữu quan của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi 17 văn kiện hợp tác đã ký kết trên các lĩnh vực.

Từ ngày 22 đến ngày 24.6, nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.

Ngay sau hội đàm ngày 23.6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và đại biểu cấp cao hai nước chứng kiến cơ quan hữu quan của hai nước trao đổi 17 văn kiện hợp tác đã ký kết trên các lĩnh vực.

z4456400099087_20cfdca98e3b4af0090478e310733398_fe507.jpg
Hai nước ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng - Ảnh: BCT

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang đã chính thức trao đổi "Biên bản ghi nhớ về thành lập Korea Plus tại Việt Nam và Viet Nam Plus tại Hàn Quốc" và "Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng Việt Nam - Hàn Quốc".

z4456400053738_7fb88d9a811f47c9359bec9ed504c9e0_85de6.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang đã chính thức trao đổi một số văn kiện hợp tác kinh tế - Ảnh: BCT

Tại lễ trao văn kiện, tuyên bố chung về việc vận hành hệ thống trao đổi dữ liệu C/O điện tử (EODES) với Tổng cục Hải quan Hàn Quốc cũng đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trao đổi với đại diện Tổng cục Hải quan Hàn Quốc và Tổng cục Hải quan Việt Nam trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Trước đó ngày 22.6, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã ký hợp tác với Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KIAT) về Thúc đẩy công nghệ công nghiệp và đổi mới sáng tạo và Viện Đánh giá Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KEIT) về Hợp tác chiến lược trong công nghệ công nghiệp tiên tiến giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Việc hai bên thống nhất, ký kết các văn kiện nêu trên vừa có ý nghĩa đóng góp thiết thực vào kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, vừa thiết lập các khuôn khổ hợp tác nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại, kịp thời hỗ trợ xử lý khó khăn vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến, tinh chế khoáng sản tại Việt Nam...

Hai bên cũng nhất trí nhận thức chung về việc cần cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên cùng nỗ lực đưa hợp tác kinh tế lên cấp độ mới sâu sắc và hiệu quả hơn, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy nhiệt điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh; chú trọng chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam.

Trong hợp tác phát triển (ODA), hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, triển khai hiệu quả các khoản hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam. Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác Quỹ Xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỉ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh. Hai bên khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược thông qua nhất trí thiết lập mới cơ chế hội đàm định kỳ giữa Bộ trưởng ngoại giao song phương tiếp theo sự nhất trí cơ chế hội đàm định kỳ giữa Bộ trưởng Quốc phòng song phương mới đây.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ tích cực nâng cao năng lực an ninh, trật tự trên biển Việt Nam dựa trên bản ghi nhớ về an ninh biển được ký lần này. Đồng thời, Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác công nghệ quốc phòng với Việt Nam dựa trên sự tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng khoáng sản, nhất là hai nước nhận thức chung về việc tiềm năng hợp tác giữa hai nước liên quan đến hoạt động khai thác nguồn đất hiếm phong phú tại Việt Nam, nhất trí xây dựng nền tảng hợp các chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi bằng cách xây dựng trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi.

Hai nhà lãnh đạo hai nước cho biết nhất trí thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trong các tầng lớp xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, chương trình gặp gỡ Hàn Quốc (Meet Korea).

Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Việt Nam và chương trình học bổng Chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng cường giao lưu thế hệ tương lai, thế hệ sẽ dẫn dắt mối quan hệ hai nước.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại với quy mô là 200 triệu USD giai đoạn 2024-2027 cho các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số... nhất là có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu chung giữa hai nước với quy mô 30 triệu USD trong khoảng 10 năm tới, nhằm hỗ trợ tập trung đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất cao việc Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ lõi, công nghệ hiện đại, triển khai giai đoạn hai Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) - một biểu tượng hợp tác phát triển hướng đến tương lai giữa hai nước.

Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, và là đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2022 đạt 87 tỉ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.

Năm 2023, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang chịu tác động tiêu cực từ một số yếu tố như kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng giảm tại các nước nhập khẩu lớn, chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng...

Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 29,3 tỉ USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 9,2 tỉ USD, giảm 10,7%, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 20,1 tỉ USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 10,9 tỉ USD, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bài liên quan
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ cập cảng Hàn Quốc nhằm tăng cường hiện diện của vũ khí chiến lược
Quân đội Hàn Quốc ngày 16.6 thông báo tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Michigan vừa cập cảng tại thành phố Busan của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi nhiều văn kiện quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác quy mô lớn