Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam sẽ hướng tới 16 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đến năm 2030, nhằm giảm 8% phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia và nâng lên đến 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

Việt Nam hướng tới giảm 25% phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế

Thu Anh | 27/10/2016, 06:02

Theo ông Phạm Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam sẽ hướng tới 16 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đến năm 2030, nhằm giảm 8% phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia và nâng lên đến 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

Trong “Đối thoại cấp cao về việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 25.10 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết nguyên nhân khiến Việt Nam đứng ở “top” các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính cao là do công nghiệp sản xuất của chúng ta vẫn là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa có sự đồng bộ.

Ngay sau COP 21, quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam diễn ra rất tích cực từ tháng 1.2016; cho tới thời điểm hiện nay đã có sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban, ngành cũng như các đối tác trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay việc ứng phó với BĐKH tại Việt Nam diễn ra rất tích cực. Với thực tế đó, việc xây dựng kế hoạch thực hiệnThỏa thuận Paris tại Việt Nam phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và mức độ hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, việc thực hiện này cũng cần tuân theo quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước, kế thừa các hoạt động ứng phó với BĐKH, tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Ảnh: BTC

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Hàng năm trung bình có từ 6 đến 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Được biết, số lượng bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Khu vực đổ bộ của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn. Nhiều cơn bão có đường đi phức tạp, dị thường. Hạn hán có xu thế tăng lên với mức độ không đồng đều giữa các vùng khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phổ biến. Hiện tượng nắng nóng gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt ở Trung Bộ và Nam Bộ…

Ngay trong năm 2016, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn.

Từ thực tế đó, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam sẽ hướng tới 16 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đến năm 2030 nhằm giảm 8% phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia và nâng lên đến 25% khi có hỗ trợ quốc tế.

GS Trần Thục trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Thu Anh

Phân tích về lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, GS.TS Trần Thục – Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng lượng khí phát thải nhà kính của Việt Nam so với thế giới tuy lớn nhưng lại thấp hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính tại các nước trong khu vực như sau: Trung Quốc: 0,86; Singapore: 0,78; Thái Lan: 0,495; Indonesia: 0,43; Malaysia: 0,48 và Việt Nam: 0,4225.

Về thích ứng với BĐKH, theo ông Trịnh Đình Dũng, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với BĐKH trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

“Ngay sau Hội nghị COP21 năm 2015 tại Paris, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch hành động này hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các bộ, ngành triển khai và dự kiến nguồn lực để thực hiện, bao gồm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ khuyến khích thực hiện”,Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

“Việt Nam coi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là quan trọng nhưng việc này đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn, về lâu dài có thể giúp chúng ta chuyển đổi nền kinh tế để phát triển theo hướng ứng dụng giảm phát thải khí nhà kính. Vấn đề này vẫn được coi trọng miễn sao chương trình năng lượng tiết kiệm hiệu quả được triển khai đều đặn và hiệu quả”, ông Tấn khẳng định.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam hướng tới giảm 25% phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế