Trang techwireasia nhận định: Mặc dù không tránh khỏi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam là điểm sáng châu Á.
Vì sao Việt Nam hấp dẫn?
Không giống như những nơi khác trên thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 phần nào mang lại lợi ích cho Việt Nam là điểm sáng châu Á. Những sự kiện nguy cơ đã trở thành thời cơ cho quốc gia này nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự gần gũi địa lý của Việt Nam với Trung Quốc, giống như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, là một trong những lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn và duy trì kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với dân số gần 100 triệu người, quốc gia này đã tăng trưởng GDP từ 6% - 7% mỗi năm trong suốt hơn một thập niên qua.
Chi phí thấp, ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng và những nỗ lực được nhà nước hậu thuẫn để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp. Những yếu tố đó khiến Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi sự chuyển dịch của các quốc gia chuyển đến Việt Nam đã diễn ra, năm 2019 là một năm quan trọng đối với Việt Nam. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy một loạt công ty đến Việt Nam.
Nói một cách khái quát, Việt Nam là thành viên của 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)vừa được phê chuẩn là những yếu tố thúc đẩy bổ sung cho các doanh nghiệp đang tìm cách chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình.
Điều gì đang diễn ra ở Việt Nam?
Trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển một số chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc đến những nơi như Việt Nam, nơi lao động rẻ hơn và cơ sở hạ tầng tương đối đủ.
Nhu cầu đối với khu công nghiệp miền nam Việt Nam đã tăng vọt, với tỷ lệ lấp đầy ở Bình Dương - một tỉnh công nghiệp nằm liền kề với TP.HCM - được báo cáo là 97%.
Năm 2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần 1/5 trong tổng số 38 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào Việt Nam. Tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc.
Truyền thông khu vực vào tháng 5 năm nay đưa tin rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple đã bắt đầu sản xuất từ 3 đến 4 triệu chiếc - tương đương khoảng 30% trong quý - tai nghe AirPod tại Việt Nam vào tháng 4. Đó là dấu hiệu cho thấy một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang chuyển chuỗi cung ứng của họ tách khỏi Trung Quốc.
Các báo cáo cũng lưu ý rằng nhiều nhà cung cấp của Apple, bao gồm Foxconn và Pegatron, và nhà sản xuất iPad Compal Electronics, cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Inventec, một nhà lắp ráp AirPod, được cho là đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam.
Pegatron có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào thành phố cảng Hải Phòng, sau động thái chuyển sang Việt Nam của các nhà cung cấp khác cho công ty Cupertino, California.
Ngoài Hải Phòng, các nhà sản xuất đang gõ cửa các tỉnh phía bắc của Việt Nam và cam kết hàng tỉ USD để thiết lập các hoạt động. Điển hình là Samsung Electronics đang sản xuất khoảng một nửa số điện thoại thông minh ở các tỉnh phía bắc Việt Nam.
Mặc dù không tránh khỏi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tích cực và là điểm sáng nhất trong số các nước châu Á.
Trong khi chiến tranh thương mại và đại dịch đã tạo ra đủ yếu tố thúc đẩy để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất di dời khỏi Trung Quốc xuống các nước phía nam, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay sẽ là làm thế nào để quản lý tăng trưởng bền vững.