VEPR dự báo, nếu dịch COVID-19 được khống chế và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6 - 2,8% trong năm 2020.

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt 2,8% trong năm 2020

Lam Thanh | 21/10/2020, 15:06

VEPR dự báo, nếu dịch COVID-19 được khống chế và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,6 - 2,8% trong năm 2020.

Ngày 21.10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020, trong đó đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2020.

tang-truong.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Theo VEPR, do dịch COVID-19, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề, đa số có mức tăng trưởng quý 2 âm so với cùng kỳ năm 2019. Nguy cơ đại dịch có thể bùng phát mạnh trở lại vào mùa thu và đông gây nhiều trở ngại cho nền sản xuất trong thời gian còn lại của năm 2020 hoặc sang năm 2021.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA); tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát…

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp.

Cùng với đó là hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.
Theo VEPR, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020.

Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2,0%.

Kịch bản cơ sở (khả năng cao): Trong kịch bản này, bệnh dịch sẽ không tái bùng phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.

Trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia.

Theo đó, mức độ tác động của COVID–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6 – 2,8%.

Kịch bản bất lợi (khả năng thấp): Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trong quý 4 năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.

Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

Với việc làn sóng COVID-19 thứ hai đang bùng phát trở lại tại châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù chưa chắc chắn về việc các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt có được tái áp dụng hay không tại các nước này, VEPR cho rằng việc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần khiến cho việc tái phong tỏa toàn bộ nước Mỹ như đầu năm là khó xảy ra.

Tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao cũng khiến việc đóng cửa nền kinh tế sẽ rất tốn kém. Do vậy, chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 – 2,8% trong cả năm 2020. VEPR lưu ý rằng cả hai kịch bản nêu trên đều giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020. Nếu dịch virus COVID-19 bùng phát trở lại trong nước trong quý 4, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bài liên quan
Cân trọng lượng tế bào ung thư để đo tốc độ tăng trưởng khối u
Để đánh giá tốc độ tăng trưởng khối u, các nhà khoa học Mỹ đề xuất cân trọng lượng các tế bào ung thư, nhờ vậy, có thể biết ung thư có đáp ứng với liệu pháp điều trị hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế có thể đạt 2,8% trong năm 2020